Tết Việt của những người con xa xứ

10:04 10/02/2019
Cái Tết nơi đất khách chính là dịp để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của những người con xa xứ...

Do hoàn cảnh nên nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài không thể về quê ăn Tết. Tuy nhiên, ở nơi xứ người, họ vẫn sắm sửa chu đáo để ăn Tết cổ truyền theo phong tục, tập quán từ nghìn đời của người Việt. Cái Tết nơi đất khách chính là dịp để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của những người con xa xứ.

Đất nước Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, trong đó có truyền thống đón Tết cổ truyền. Người Hàn Quốc gọi Tết Nguyên đán là Seollal. Họ cũng đón giao thừa và tập trung con cái trong gia đình lại để làm lễ cúng tổ tiên. Tết Seollal là dịp mà người Hàn Quốc được nghỉ dài ngày nhất trong năm. Trong dịp Tết, ở Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều lễ hội để phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân.

Lấy chồng người Hàn Quốc được hơn 5 năm thì cũng là ngần ấy mùa xuân chị Đặng Thị Ngần (quê ở tỉnh Thái Bình) ăn Tết cổ truyền nơi đất khách. Chị Ngần chia sẻ, trong năm, cũng có một số dịp vợ chồng chị có đưa con trai (năm nay hơn 3 tuổi) về Việt Nam thăm mẹ, họ hàng và đi du lịch ở một số danh thắng.  Nhưng đến ngày Tết cổ truyền, bản thân chị muốn ở lại Hàn Quốc để thực hiện bổn phận làm dâu, sắm sửa, chuẩn bị để lễ tết cho gia đình nhà chồng. 

“Người Hàn Quốc quan niệm, Tết Seollal là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Vì vậy, ngày Tết, con cái, cháu chắt sẽ tề tựu lại, chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để cúng bái những người thân đã khuất để tưởng nhớ họ. Qua đây, chúng tôi cũng khấn cầu một năm mới sức khỏe, bình an đến với tất cả những thành viên trong gia đình” – chị Ngần chia sẻ.

Từng ấy năm làm dâu, với bản tính chịu thương, chịu khó, tần tảo chăm bẵm chồng con và gia đình nhà chồng, chị Ngần luôn được chồng, gia đình nhà chồng hết mực thương yêu. Tuy vậy, với dòng máu Việt, chị Ngần cũng như bao người phụ nữ khác đang làm dâu xa xứ, không tránh khỏi những giây phút yếu lòng. “Cái Tết đầu tiên, cứ mỗi khi nhớ về gia đình ở Việt Nam là tôi lại không cầm được nước mắt. Tôi chỉ còn lại mẹ già và người chị gái đã đi lấy chồng. Vắng tôi, chắc mẹ cũng khóc rất nhiều”.

Anh Bảo, chị Hạnh mời bạn bè đến nhà đón Tết Nguyên đán.

Ở nơi xứ người, những lúc rảnh rỗi, chị Ngần cũng đều đặn dạy tiếng Việt cho cậu con trai kháu khỉnh của mình. “Bây giờ, cháu cũng nói được kha khá tiếng Việt. Trong con người cháu, dòng máu Hàn Quốc và Việt Nam đang cùng hòa quyện nên tôi muốn Việt Nam cũng là quê hương của cháu, tiếng Việt cũng là ngôn ngữ “mẹ đẻ” của cháu. Mỗi lần gọi điện về Việt Nam cho bà ngoại, thấy cháu nói được tiếng Việt, mẹ tôi mừng và xúc động lắm. Gia đình tôi dự kiến sang năm sẽ về ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam” – chị Ngần mừng rỡ chia sẻ. 

Không giống cảnh làm dâu như chị Ngần, hai vợ chồng chị Hạnh (quê ở tỉnh Hải Dương) sang Nhật Bản để làm việc đã hơn 3 cái Tết Nguyên đán. Anh Bảo (chồng chị Hạnh) hiện đang làm kỹ sư cho Nhà máy Toshiba Memory ở TP Yokkaichi, tỉnh Mie Ken, còn chị Hạnh đang làm nhân viên trong siêu thị Apita Yokaichi. Khoảng từ hơn 100 năm nay, đất nước Nhật Bản chuyển sang đón Tết dương lịch nên hiện tại, ở Nhật không đón Tết Nguyên đán như ở Việt Nam. 

Chị Hạnh cho biết, gia đình chị nói riêng và người Việt Nam ở Nhật Bản nói chung chỉ có thể tổ chức đón Tết cổ truyền vào những ngày cuối tuần. Chị Hạnh cho biết thêm, ở TP Yokkaichi có siêu thị chuyên bán đồ Việt Nam. Vì vậy, vợ chồng chị khá thuận lợi khi đến đây mua sắm để chuẩn bị đón Tết. 

“Chỉ cần đến siêu thị Việt, vợ chồng tôi có thể mua được tương đối đầy đủ các đồ dùng, nguyên liệu như ở Việt Nam từ mắm, hành, đỗ, lá dong để về gói bánh chưng” – chị Hạnh chia sẻ. Chị Hạnh cho biết, trong Nhà máy Toshiba Memory ở TP Yokkaichi nơi chồng chị làm việc, hiện có khoảng 20 kỹ sư là người Việt Nam. 

Ở nơi xứ người, họ đều quy tụ, đoàn kết lại để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nên tình cảm rất khăng khít. Bản thân nơi làm việc của chị cũng có một số bạn bè là người Việt Nam. Vì vậy, mỗi dịp lễ tết, nhất là Tết Nguyên đán, các anh chị thường tụ tập nhau lại và mời cả bạn bè là những người Nhật Bản đến nhà thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, dưa hành…

Tết Nguyên đán là dịp để mỗi gia đình người Việt đi xa trăm nơi tề tựu, sum vầy bên ông bà, bố mẹ. Tuy vậy, vẫn còn đó hàng triệu người không thể về quê ăn Tết. Thế nhưng, với dòng máu con Lạc, cháu Hồng trong người, những người con đất Việt như chị Ngần, chị Hạnh, anh Bảo… vẫn chuẩn bị và đón Tết Việt ngay ở những nơi đất khách quê người. Họ chính là những người đang góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa, bản sắc của người Việt ra với bạn bè thế giới.      
Vũ Cảnh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文