Thêm nhiều tư liệu để bảo tồn văn hóa triều Nguyễn
Việc làm thiết thực này sẽ đóng góp cụ thể trong công tác bảo tồn văn hóa triều Nguyễn…
Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng Phòng Nghiên cứu Trung tâm BTDT Cố đô Huế, trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, có sự đóng góp khá to lớn cho nền văn hiến của dân tộc.
Với gần 150 năm trị vì (1802-1945), triều Nguyễn đã cho ra đời nhiều công trình lịch sử, văn hóa, địa chí, dân tộc học rất có giá trị, mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm hiểu, nghiên cứu và khai thác hết.
Một trong những bộ sách đặc biệt quan trọng, góp phần cung cấp nhiều thông tin liên quan đến bình diện của lịch sử xã hội triều Nguyễn thế kỷ XIX - XX, cũng như tạo lập các cơ sở, các căn cứ khoa học bổ trợ cho công tác nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày nay chính là Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ tục lệ biên”.
So với các triều đại trước, bộ Hội điển của triều Nguyễn còn được bảo tồn và lưu trữ khá nguyên vẹn, ghi chép đầy đủ các loại công văn, sự kiện hành chính, sinh hoạt lớn từ triều vua Gia Long đến triều vua Duy Tân; đồng thời, Hội điển cũng thống kê, ghi chép khá cụ thể tất cả các công văn (chiếu chỉ, tấu sớ, phiến dụ) của triều đình thuộc Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), các Phủ (phủ Tôn Nhân, phủ Nội Vụ), các viện (viện Cơ Mật, viện Tập Hiền, viện Hàn lâm, viện Thái Y), các Ty, các Tự (Thái Thường, Đại Lý, Quang Lộc tự), các Giám (Khâm thiên giám, Quốc tử giám), các Các (Nội các, Đông các).
Mộc bản về Khâm định Đại Nam Hội điển. |
Hội điển của triều Nguyễn là bộ chính sử bằng chữ Hán, được chia thành 3 phần: Phần Chính biên (ghi chép từ 1802 đến 1851), phần Tục biên ghi chép từ 1852 đến 1889 với 61 quyển. Phần Tục biên hậu thứ, ghi chép từ 1890 (Thành Thái thứ 2) đến 1914 (năm Duy Tân thứ 8) gồm 55 quyển…
Cũng theo bà Hòa, ý thức rõ giá trị đặc biệt do Hội điển triều Nguyễn đem lại, từ năm 1965 đến nay, các chuyên gia, nhà Hán học dân tộc, Viện Sử học đã rất quan tâm và nỗ lực biên dịch, xuất bản được những ấn phẩm của Hội điển - chính biên (Viện Sử học dịch, xuất bản năm 1993, với 15 tập bản dịch) và Hội điển - tục biên (Viện Sử học và Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp dịch và xuất bản 10 tập, đính kèm nguyên bản chữ Hán 61 quyển).
“Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn, để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa triều Nguyễn; những năm qua, Trung tâm BTDT Cố đô Huế luôn quan tâm đến vấn đề khảo cứu, phiên dịch nguồn tư liệu văn hiến cổ truyền.
Năm 2012, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã hợp tác với Viện Sử học Việt Nam cho xuất bản, ra mắt toàn bộ 10 tập Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, gồm bản dịch có đính kèm nguyên bản chữ Hán. Công trình này được học giới và bạn bè khắp nơi hưởng ứng, động viên và đánh giá cao”, bà Hòa nói.
Với mong muốn có thêm nhiều đóng góp cụ thể hơn cho lịch sử, văn hóa triều Nguyễn; Trung tâm BTDT Cố đô Huế liên kết cùng Trung tâm Lưu Trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước) đã ký kết biên bản thỏa thuận việc phối hợp dịch thuật, xuất bản sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên hậu thứ, với sự thống nhất và đồng thuận triển khai dịch thuật 55 quyển Hội điển tục biên hậu thứ bằng Hán văn.
Công trình này ghi chép nhiều chuyên mục của triều Nguyễn từ năm 1890-1914 sẽ đem lại nguồn tư liệu quan trọng về mọi mặt trong thể chế chính trị xã hội của triều Nguyễn đương thời.
Bên cạnh đó, Hội điển tục biên hậu thứ cũng thể hiện sự kế thừa, tiếp nối làm rõ hơn “dòng chảy” lịch sử triều Nguyễn được ghi chép từ Hội điển - chính biên, Hội điển - tục biên, đồng thời phản ánh rõ những cơ quan mới trong hệ thống chính trị văn hóa triều Nguyễn, mang đậm dấu ấn đặc trưng của thời cuộc như “Học bộ”, “Hậu Bổ trường”… có giá trị cao cho sự lan tỏa truyền thống văn hóa đặc sắc của nước ta.