Tìm giải pháp trùng tu, bảo tồn Di tích chùa Cầu Hội An
- Giải cứu nước bẩn ở Chùa Cầu (Hội An)
- Chùa Cầu - Hội An lún nghiêng bên kênh nước thải
- Hội An, Quảng Nam: Chùa Cầu lún nghiêng bên dòng kênh nước thải
Nhiều vấn đề liên quan đến việc trùng tu chùa Cầu, Hội An, đã được các đại biểu dự hội thảo đưa ra bàn luận, như: Làm rõ những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và vấn đề bảo tồn, phát huy di tích chùa Cầu trong thời gian qua; đánh giá thực trạng về kỹ thuật, kết cấu địa tầng – kiến trúc và tình trạng hư hỏng, xuống cấp của di sản chùa Cầu; bàn về cơ chế nguồn vốn, chính sách đầu tư cho tu bổ di tích này…
Là người nhiều năm liên tục theo dõi các hoạt động bảo tồn Di sản đô thị cổ Hội An, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã đưa ra hai vấn đề cấp bách cần được xử lý triệt để trong dự án tu bổ, tôn tạo chùa Cầu.
Đó là việc khe Ổ Ồ (nơi chùa Cầu bắc qua) cùng với sông Hoài vẫn đang được sử dụng làm chức năng thoát nước thải của TP Hội An, đã làm cho nước dưới chân chùa Cầu luôn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Vì thế cần ưu tiên tìm ra biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trước khi xả vào khe Ổ Ồ để giảm thiểu sự ô nhiễm tại khu vực này.
Đồng thời đặt vấn đề hạ giải, xác định chính xác nguyên nhân gây hại và loại bỏ các cấu kiện gỗ không thể tái sử dụng để có biện pháp xử lý triệt để hơn, tạo nên độ bền vững lâu dài cho di tích…
“Đừng quá mới, tránh tân tạo”, đó là nhận định của Nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ về biện pháp trùng tu chùa Cầu. Ông nhấn mạnh, để đánh giá thật chính xác về sự xuống cấp thì cần phải có một cuộc “giải phẫu lớn”, đó là hạ giải toàn bộ phần mái, kết cấu gỗ bên trên và xem xét phần nền móng bên dưới trước khi thực hiện tu bổ.
Bên cạnh đó, cần rào chắn nhưng vẫn thông thoáng để tạo ấn tượng tốt cho khách tham quan, giữ tính nguyên gốc của di sản.
Di tích chùa Cầu – Hội An. |
Còn theo phân tích, đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản và ThS. Nguyễn Duy Thảo (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), họ đã cung cấp một cái nhìn mới về di tích chùa Cầu về góc độ kỹ thuật.
Cụ thể, kết cấu chịu lực chính của chùa Cầu bao gồm hệ móng, mố, trụ ở bên dưới và hệ dầm, sàn, cột, giằng, vì kèo tạo thành hệ chịu lực ở phía bên trên, trong đó hệ chịu lực chính đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt.
Đặc biệt bộ phận chịu lực thứ yếu là hệ móng, mố, trụ đã xuống cấp và có dấu hiệu nguy hiểm. Ở đầu và cuối các bộ phận kết cấu, đặc biệt là đầu cột và chân cột thường bị nứt và mục; các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả nhộng và không chắc chắn.
Ông Toshio Shimada, đại diện Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho biết, đơn vị luôn sẵn lòng tư vấn và hỗ trợ thông tin khi được phía Việt Nam yêu cầu – ngay cả đối với vấn đề chùa Cầu.
Đồng thời, khẳng định quan điểm: Kỹ sư Nhật Bản đưa ra quan điểm hỗ trợ cho kỹ sư Việt Nam; trình bày những kỹ thuật và ý tưởng được sử dụng tại Nhật Bản để cùng tham khảo và sau đó, phía Việt Nam sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho việc thiết kế trùng tu.
Được biết, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản bắt đầu hợp tác kỹ thuật với TP Hội An từ tháng 11-1990. Cho đến nay, phía Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành khảo sát tại Hội An và tổ chức nhiều hội thảo nhằm chỉ rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa của đô thị này. Song song với các hoạt động tham gia vào công tác bảo tồn những ngôi nhà truyền thống tại Hội An; tư vấn và góp ý về phương pháp trùng tu 6 ngôi nhà cổ, trong hai năm 1998 và 1999, phía Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc khảo sát đơn thuần về chùa Cầu và đặt ra các bộ quy tắc trùng tu ở giai đoạn này.
Trong khoảng 400 năm tồn tại, vấn đề gìn giữ, trùng tu chùa Cầu đã được cộng đồng cư dân Hội An quan tâm thực hiện. Đặc biệt từ sau năm 1975 đến nay, công tác trùng tu chùa Cầu đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tính đến nay, chùa Cầu đã được các thế hệ kế tiếp nhau ở Hội An quan tâm tu bổ lớn 7 đợt từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn… của di tích.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ giúp đỡ của các nhà khoa học, công tác bảo tồn và phát huy di tích chùa Cầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhưng việc làm thế nào để gìn giữ nguyên vẹn, lâu dài những giá trị của chùa Cầu trong điều kiện di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng do thời gian, thiên nhiên và do con người vẫn đang là câu hỏi chưa tìm được câu trả lời chuẩn xác nhất.
Vì vậy, hội thảo lần này không những giúp tìm được sự thống nhất về quan điểm, sự thống kê chuẩn xác về nguyên nhân, số liệu đo đạc hư hại của chùa Cầu để cùng thống nhất đưa ra phương án bảo tồn, trùng tu hiệu quả nhất cho di tích này.