Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai:

Tự tin đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu Cải lương

07:12 06/06/2020
Mặc dù trời nắng nóng nhưng những ngày này đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và gần 50 nghệ sĩ của đơn vị vẫn miệt mài trên sàn tập, chuẩn bị cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” do Bộ Công an chủ trì tổ chức vào tháng 7/2020.


Vở cải lương “Bão ngầm” là 1 trong 35 vở diễn dự Liên hoan, dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu (Báo CAND), nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản, soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương. NSND Hoàng Quỳnh Mai đã có buổi trao đổi với chúng tôi quanh vở diễn đặc biệt này.

Phóng viên: Có lý do nào đặc biệt khiến chị chọn đưa hình tượng người chiến sĩ CAND lên sân khấu cải lương không, thưa NSND Hoàng Quỳnh Mai?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Mai đã từng dựng vở về hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu Cải lương rồi, nhưng là dựng cho nhà hát khác. Đấy là vở “Nguồn sáng trong đời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội, cũng từng dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần 3.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Lâu nay, đề tài về người chiến sĩ Công an trên sân khấu cải lương được khai thác nhưng nhiều vở dựng không đúng vào thời điểm tổ chức Liên hoan. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng vở về hình tượng người chiến sĩ CAND và tham gia Liên hoan. Anh chị em nghệ sĩ rất hứng khởi vì vừa được làm nghề, vừa được thể hiện về một lĩnh vực mà đối với sân khấu cải lương không hẳn quá quen thuộc.

Chúng tôi dựng vở, dự Liên hoan với mong muốn thể hiện tình cảm, lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng đối với lực lượng Công an và coi đây là dịp để các nghệ sĩ Nhà hát cọ xát, học hỏi với các đoàn nghệ thuật khác. Chúng tôi hy vọng, sau Liên hoan, vở diễn được giới thiệu tới rộng rãi khán giả, góp phần tôn vinh hình tượng người chiến sĩ CAND.

Phóng viên: Vì sao chị lại chọn “Bão ngầm”?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Có lẽ là vì cái duyên. Mình biết và yêu mến nhà văn Đào Trung Hiếu, thích tiểu thuyết “Bão ngầm” đã lâu. “Bão ngầm” nói về lực lượng Công an nhưng không phải chỉ là những chiến công mà là những miền nhân cách của con người, những điều ở tận sâu thẳm tâm hồn, trái tim của con người, những cái mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt.

Hơn thế, nhân vật lại là nữ chiến sĩ Công an. Mình cũng là phụ nữ nên càng dễ đồng cảm hơn. Những giằng xé, niềm vui, nỗi đau, khó khăn, hạnh phúc mà người chiến sĩ Công an, ở đây là nữ chiến sĩ Công an phải vượt qua trong quá trình làm nhiệm vụ là những cơn “bão ngầm”.

Nhưng cơn bão của bão trong đời sống nội tâm, trong chính trái tim, khối óc của của con người luôn là những cơn bão bạo liệt, dữ dội, rất khốc liệt. Đây là những chất liệu rất tốt cho sân khấu Cải lương. Sau này, “Bão ngầm” lại được nhà văn Chu Lai, một người không chỉ nổi tiếng trên văn đàn mà còn rất thành công trên “lãnh địa” sân khấu chuyển thể kịch bản.

Tôi được tiếp cận cả hai - tiểu thuyết của nhà văn Đào Trung Hiếu và kịch bản của nhà văn Chu Lai. Kịch bản được soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương. Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ xây dựng nên một tác phẩm về hình tượng người chiến sĩ Công an rất thuyết phục và cũng rất… Cải lương.

Phóng viên: Nhưng sân khấu Cải lương có những đặc thù riêng. Lâu nay, nhắc đến Cải lương, người ta hay nghĩ ngay đến các tuồng tích, lịch sử, các câu chuyện nhiều nước mắt. Chị làm như thế nào để dàn dựng nên một vở cải lương về hình tượng người chiến sĩ Công an vừa hấp dẫn mà vừa rất… cải lương?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Đấy là một thách thức. Với các đề tài về đấu tranh phòng chống tội phạm, về Cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nói sẽ dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc, trong đó có Cải lương. Sân khấu cải lương của chúng tôi là sân khấu của trữ tình và bay bổng, lãng mạn. Làm thế nào để xử lý một câu chuyện về người chiến sĩ Công an mà lại vẫn giữ được sự trữ tình, bay bổng và lãng mạn là sự thách thức không nhỏ.

Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu cùng diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam tham gia vở “Bão ngầm” trên sàn tập.

Nhưng với “Bão ngầm”, nhà văn Đào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai không chỉ đơn thuần kể về các vụ án hình sự mà đào bới sâu những thân phận, tâm lý nhân vật, những cuộc đấu tranh nội tâm khốc liệt, từ đó bật ra những nỗi đau, bi kịch. Đó không phải là bi kịch khiến người ta rơi vào tăm tối, hoang mang mà góp phần tẩy rửa tâm hồn, giúp con người thánh thiện trở lại.

Như tôi đã nói, chính những tình huống, câu chuyện, bi kịch ấy là “đất” cho cải lương khai thác. Vì thế, chúng tôi rất tự tin khi khai thác “Bão ngầm”, đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu Cải lương. Chúng tôi tin rằng, khán giả yêu mến nghệ thuật Cải lương không chỉ có thêm một tác phẩm mới mà chúng ta sẽ có thêm một tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu, sâu lắng hơn. Ở đó không chỉ có những chiến công, kỳ tích mà là đời sống tâm hồn với không ít thách thức mà những người chiến sĩ Công an phải vượt qua chính mình, chính trái tim mình.

Phóng viên: Cụ thể là chị sẽ chuyển tải những điều đó lên sân khấu như thế nào?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Chúng tôi thiết kế không gian sân khấu lãng mạn. Không gian sân khấu là trái tim rất lớn và đây là câu chuyện xảy ra trong trái tim con người. Chúng tôi đã phải tìm đến những chất liệu âm nhạc và sân khấu rất lãng mạn. Đối lập với những nhịp tim dữ dội và bạo liệt có tiếng đàn guitar thùng bập bùng. Âm nhạc cũng phải gần với cải lương. Biên đạo múa đi sâu vào khai thác hình thể…

Êkíp tham gia vở diễn là những nghệ sĩ rất giỏi, đã thành danh của Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSƯT Thanh Nam, NSƯT Đạt Tăng, nhạc sĩ - NSND Hoàng Anh Tú… Nhà văn Đào Trung Hiếu, ngoài vai trò là tác giả tiểu thuyết “Bão ngầm” còn là người cố vấn, hỗ trợ chúng tôi về mặt chuyên môn, nghiệp vụ Công an. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để biến những mong muốn của chúng tôi thành hiện thực. Hy vọng, khi vở diễn ra mắt khán giả, tham gia Liên hoan sẽ được đón nhận và thành công.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

“Bão ngầm” là tiểu thuyết của Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu (Báo CAND). Tác phẩm phản ánh thực tế khốc liệt của cuộc đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự của lực lượng CAND, từng đạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, giai đoạn 2012-2015. Tiểu thuyết đã được tác giả chuyển thể thành kịch bản phim Cảnh sát hình sự cùng tên, gồm 45 tập với hơn 2.000 trang viết. Phim đã được khởi quay năm 2019.
Hoa Nguyễn (thực hiện)

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

Sau gần 1 đêm nỗ lực tìm kiếm du khách nước ngoài đi lạc tại rừng Quốc Gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an thị xã Sa Pa phối hợp cùng Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tìm và đưa thành công ông Bryan Hanselman về địa điểm an toàn.

Hơn 2 năm kể từ khi nhận được phát động và thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận đỡ đầu 42 trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 5/11, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã xử phạt Công ty TNHH Bệnh viện Mary (số 166A đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) số tiền 95 triệu đồng; đình chỉ hoạt động cơ sở này trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng; buộc cơ sở này tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Ngày 5/11/2024, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết đã phối hợp với UBND phường Tiến Thành tổ chức cho anh Trần Văn T., (SN 1986, thường trú xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài) xin lỗi công khai Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Đồng Xoài, do đã có hành vi xúc phạm, lăng mạ bằng lời nói đối với người thi hành công vụ.

Từ đêm qua đến sáng nay (5/11), tại TP Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến đường, có đoạn ngập sâu gần 1m khiến người dân và phương tiện không thể lưu thông. Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã lập nhiều điểm chốt chặn một số tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở núi để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文