Vãn cảnh chùa và thưởng thức các món chay - nét văn hóa xứ Huế

08:02 13/05/2019
Huế vốn được mệnh danh là thành phố phật giáo của Việt Nam, có nhiều chùa bậc nhất cả nước, với hơn 400 ngôi chùa và 230 niệm phật đường. Chùa ở Huế có thể không lớn về diện tích nhưng bề dày lịch sử, văn hóa tâm linh lại in đậm vào từng công trình. Các tuyến du lịch tâm linh thu hút ngày càng đông du khách là lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Phật Bà, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản hằng năm...


Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, du lịch tâm linh đang bắt đầu phát triển mạnh ở các quốc gia có thế mạnh về du lịch tâm linh, nhất là một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

Ở nước ta không nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh, trong khi Huế có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Lâu nay, các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo. Đây là yếu tố cơ bản để định hình nên giá trị tâm linh của Huế và cũng là điều gợi mở cho các đơn vị làm du lịch cần chú tâm khai thác khía cạnh này để phục vụ nhu cầu của du khách.

Chùa Từ Đàm – Huế.

Ngoài chùa Thiên Mụ là điểm đến hấp dẫn luôn thu hút khách, Từ Đàm là một ngôi chùa có văn hóa lịch sử lâu đời đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Hiện nay, chùa Từ Đàm là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chùa Từ Đàm là một trong các ngôi đại tự cổ, với vị thế quan trọng và nổi tiếng bậc nhất ở Huế, tọa lạc tại phường Trường An, đường Sư Liễn Quán, cách trung tâm thành phố 2km về hướng Nam. Chùa xây dựng từ năm 1695, trước từng dùng làm trụ sở của Hội An Nam Phật học, nay là nơi làm việc của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngôi chùa có lối kiến trúc trùng thiền điệp ốc thuần chất Phật giáo, với phong cách đặt để nội thất lẫn tượng thờ đều giản dị - mộc mạc. Vãn cảnh chùa, du khách sẽ thấy ấn tượng trước vẻ đẹp an bình, tĩnh tại mà không kém phần trang nghiêm của khu nội viên, chính điện, cũng như công trình tháp lớn Ấn Tôn cao rộng nổi bật.

Dẫu trải qua không ít lần trùng tu, mở rộng và sửa chữa, chùa Từ Đàm tới nay vẫn được trân trọng xem như một đại diện thuần túy cho kiến trúc chùa Huế tự lâu đời. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều dịp lễ lớn ở phạm vi thành phố, thậm chí trên toàn tỉnh (lễ Phật đản, Vu Lan, sự kiện cúng lễ Tết Nguyên đán...); thu hút đông đảo phật tử cùng du khách xa gần tham dự.

Nằm ở đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc cũng là một trong những ngôi chùa danh tiếng của cố đô Huế từ bao đời nay. Hơn cả một nơi thờ tự, chùa Báo Quốc còn là một trung tâm tu học lớn của xứ Huế.

Từ những năm 1930, trong phong trào chấn hưng và phát triển Phật giáo, chùa Báo Quốc đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Ngôi chùa cổ kính này được hình thành khoảng cuối thế kỉ 17. Tên hiệu của chùa được chính chúa Nguyễn Phúc Khoát ban tặng năm 1747, với biển vàng còn lưu giữ đến tận ngày nay. Chùa được xây trong khuôn viên rộng thoáng tầm 2ha, theo hình tượng chữ "Khẩu".

Đáng kể về mặt nội thất là tứ trụ nơi chánh điện chùa mang hoa văn rồng bay chạm nổi, cùng khu Tháp Giác Phong và Tháp Tổ uy nghi - ấn tượng. Ngày nay, chùa vẫn giữ vững chỗ đứng như địa chỉ tôn giáo, lịch sử và văn hóa nổi danh, được yêu thích đặc biệt tại cố đô.

Chia sẻ với những người đi du lịch tại chùa Từ Hiếu, sư trụ trì chùa cho biết: Từ Hiếu là ngôi chùa đặc biệt ở đất cố đô, được xây dựng dựa trên lòng hiếu hạnh của một vị tổ sư đối với mẹ mình và cái tên Từ Hiếu cũng ra đời từ đó. Ngôi chùa nằm cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Nam, ở địa bàn thôn Dương Xuân Thượng 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, giữa cánh đồng thông rộng lớn. Khuôn viên chùa rộng hơn 8 mẫu, trong chùa có hồ bán nguyệt và nhiều ao hồ để trồng sen nuôi cá. Gian giữa của chùa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh phật tử tại gia và bên phải thờ các vị thái giám.

Điểm đặc biệt là trong chùa có tới 24 ngôi mộ của thái giám triều Nguyễn, nên bước vào đây sẽ cảm nhận được vẻ u tịch trầm buồn và gợi màu thời gian. Đến chùa, ngồi giữa không gian linh thiêng nghe tiếng chuông chùa, ngửi mùi hương sen và nhìn đàn cá tung tăng bơi lượn, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Đi xa hơn một chút, cách Huế chừng 15km là chùa Huyền Không Sơn Thượng (tọa lạc ở thôn Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Ngôi chùa nằm giữa khu rừng thông, không khí trong lành, quanh năm đều mát mẻ, cắt ngang khuôn viên chùa là con suối nhỏ nở đầy hoa súng. Xung quanh chùa có nhiều cây phong lan, cây sứ và những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Chùa được thành lập năm 1989, nằm giữa rừng thông xanh rì, ở lưng chừng ngọn núi Triều Sơn Phương. Bước qua cánh cổng chính, tiến vào sân chùa, không ít du khách đã ngỡ ngàng như thể vừa tìm về chốn không gian thiên nhiên kì ảo, trong lành đến không ngờ.

Chùa Huyền Không cuốn hút khách thập phương cũng chính bởi ấn tượng "hòa mình giữa thiên nhiên" này. Với lối kiến trúc Phật giáo Nam tông đặc thù, xếp đặt trong một khoảng rừng núi là rải rác các khu vực nhà rường, điện, am, đình nhỏ nhắn, bình dị mà không kém phần uy nghiêm, thanh tịnh.

Anh Lưu Phương Linh đến từ Vũng Tàu từng chọn một số ngôi chùa cổ nhất ở Huế làm điểm dừng và khi ra về không quên ghé thưởng thức các món chay. Người Huế có thói quen sau khi đi chùa là đến thưởng thức các món ẩm thực chay, đây là nét ẩm thực độc đáo ở Cố đô Huế không của riêng ai.

Nếu một lần đến đất cố đô, du khách sẽ nhận ra điều đặc trưng thú vị này. Thói quen ăn chay ở Huế đã có từ lâu và nhận được sự ủng hộ của cả tầng lớp bình dân đến quý tộc. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý - Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, hoàng tộc đều ăn chay, các hoàng thân đều xây chùa riêng làm công đức; đặc biệt còn có cả một khu nhà đồ sộ tên "Trai cung" tại đàn Nam Giao - Huế, là nơi vua ở, ăn chay trước khi tế trời. Những đầu bếp ở Trai cung đều là những người tài ba, có thể nấu ra các món ăn chay siêu hạng.

Hầu hết phụ nữ Huế đều biết nấu món chay và những món chay giả mặn. Mâm cỗ chay thanh đạm cũng là cách để người Huế bày tỏ sự chân tình, quý mến với bạn bè đến chơi nhà. Dường như, Huế là nơi duy nhất có nét văn hóa độc đáo này.

Thậm chí, trong mâm cỗ cúng của các gia đình phật tử cũng phải có vài ba món chay để dâng lên tổ tiên. Chẳng thế mà có người từng nói rằng, núi Huế không cao, sông Huế không sâu nhưng lòng người Huế luôn tĩnh lặng bởi họ biết cách tu tâm, biết ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh. Ở Huế, ngay cả những người không theo đạo Phật, không hay đi chùa nhưng vẫn có thói quen này.

Ghé thăm bất cứ ngôi chùa nào ở Huế trong ngày rằm, mùng một, du khách sẽ được nhà chùa mời cỗ chay. Các hàng quán cũng đồng loạt đổi sang bán món chay để phục vụ người dân và du khách thập phương, bởi họ không sát sinh trong ngày này.

Thậm chí cả trong những ngày thường, du khách cũng dễ dàng tìm được các món ăn chay tại nhiều quán hàng ở Huế. Ngay cả một khu chợ quê hay một sạp hàng nho nhỏ cũng có ít nhất 30 - 50 món chay làm từ rau, củ, quả, đậu phụ, mì căng… phục vụ thực khách.

Tại bờ Nam sông Hương như Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ, du khách cũng sẽ dễ dàng thấy các hàng ăn chay với những cái tên thanh nhã như: Bồ Đề, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình… Thực đơn món chay của người bình dân chỉ cần xì dầu, muối mè lạc, muối sả, rau củ quả là đủ, vừa đơn giản vừa rẻ, giá chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/suất.

Tất nhiên, cũng có những quán chay sang trọng giá đắt hơn vì sử dụng nguyên liệu và gia vị của Đài Loan, Hong Kong, Singapore để phục vụ du khách nước ngoài.

Quốc Việt

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文