Xẩm: Từ hè đường đến sân khấu

10:30 20/11/2018
Thay vì những hình ảnh, quan niệm đã in đậm trong tâm trí của số đông công chúng về một hình thức đàn hát dân gian của những người dân nghèo và cũng là phương tiện giúp họ mưu sinh bằng cách biểu diễn nơi công cộng như góc chợ, bến xe, ga tàu…, hát xẩm ngày nay đến với công chúng bằng không ít các chương trình biểu diễn được tổ chức một cách chuyên nghiệp, trên sân khấu chuyên nghiệp, sang trọng hơn.

Sau nhiều nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu thích và dành nhiều tâm huyết cho loại hình hát xẩm, sự hiện diện của nghệ thuật truyền thống độc đáo này ngày một nhiều, trên bước đường trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được yêu thích. Nhiều người đã bắt đầu đặt vấn đề xẩm có thực sự tái sinh trong đời sống đương đại?

Âm thầm và lan tỏa

Những ngày này, khi Chiếu xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội rục rịch tổ chức chương trình tọa đàm và biểu diễn đặc biệt kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11) – “Nghệ thuật hát  xẩm – Từ hè đường đến sân khấu”, không ít người đã bất ngờ bởi sự kiện cho thấy sự hiện diện và hoạt động khá đa dạng, sôi nổi của xẩm trong cộng đồng nhiều địa phương trên cả nước.

Xẩm Hà Thành tập hợp một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn lẫn sáng tác.

Danh sách đăng ký tham gia sự kiện này khá… dài, bởi sự quan tâm tham dự của nhiều đại diện các hội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm tại nhiều tỉnh thành cả nước. Trong đó, đến từ đất xẩm nổi tiếng một thời có Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng); Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình); Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội); CLB Ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội; Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội) hay các CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc); CLB Liên Hoa; CLB Sen Tây Hồ...

Theo thông tin ban đầu từ ban tổ chức sự kiện thì trong quá trình chuẩn bị cho chuỗi hoạt động này, êkip thực hiện đã phát hiện thêm khá nhiều điều thú vị quanh “đời sống” của nghệ thuật hát xẩm.

Cùng với các nghệ nhân đã nổi tiếng, từng hành nghề hát xẩm để sinh nhai đã được nhiều người biết đến như nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên (Trùm Nguyên – trùm xẩm ở Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Văn Mậu (Tránh Trương Mậu – trùm xẩm Hà – Nam – Ninh cũ, chồng của cố nghệ nhân trứ danh, NSƯT Hà Thị Cầu), dịp này, người yêu thích hát xẩm có dịp biết thêm khá nhiều “cây đa cây đề” khác của “làng” xẩm: cụ trùm Vũ Đức Sắc ở Hà Bắc một thời, cụ trùm Khoản ở Hải Dương. Cụ Lê Thị Tứ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, sinh năm 1913 vẫn còn minh mẫn dù sức khỏe đã yếu.

Cụ Nguyễn Thị Lạt ở Tứ Kỳ, Hải Dương là một phát hiện mới thú vị của những người đam mê hát xẩm. Bởi lẽ, cụ Lạt sinh năm 1923, sở hữu vốn lời ca về xẩm phong phú, dù đã 95 tuổi, cụ vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh. Khoảng 75 năm về trước cụ đã dắt người anh trai khiếm thị đi hát xẩm và từng tiếp xúc với rất nhiều “huyền thoại của làng xẩm” như các trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình), Nguyễn Văn Tự và Lý Văn An (Hải Phòng)...

Cụ Lạt là một trong không nhiều những “kho tư liệu sống” về nghệ thuật hát xẩm còn lại hiện nay. Có khá nhiều nghệ nhân hát xẩm hiện nay đã được phong tặng danh hiệu, trong đó phải kể đến các nghệ nhân Đỗ Tùng, Tô Quốc Phương, Lê Minh Sen, Đào Bạch Linh…

Cũng từ sự kiện này, người yêu thích nghệ thuật hát xẩm biết thêm nhiều nghệ nhân "ẩn mình" ở các làng quê. Đó là những người vẫn miệt mài thực hành truyền dạy và biểu diễn hát xẩm, dù chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận, con gái của nghệ nhân hát xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu, ông Lê Văn Vượng của chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác…

Đưa Xẩm gần hơn với công chúng

Đội ngũ nghệ sĩ hát xẩm chuyên nghiệp trên các sân khấu chuyên nghiệp hiện nay có khá nhiều tên tuổi nổi tiếng và quen thuộc với công chúng.  Đó là NSND Xuân Hoạch, một trong số các gương mặt không thể không nhắc đến của “làng” xẩm đương đại với các thành tựu như phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt..., sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay sẽ trực tiếp trao đổi và trình diễn phục vụ công chúng.

NSND Xuân Hoạch – một trong số các “cây đa cây đề” hiện nay trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung  và hát Xẩm nói riêng.

Ngoài ra còn có khá nhiều tên tuổi khác như NSƯT Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình, NSƯT Thúy Đạt…

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết, trong sự kiện “Nghệ thuật hát  xẩm – Từ hè đường đến sân khấu”, đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sẽ cùng giao lưu, biểu diễn minh họa, trao đổi nhằm giúp công chúng hiểu bộ môn nghệ thuật hát xẩm với những đặc trưng cơ bản nhất, từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình, khám phá từng chặng đường phát triển của xẩm… Đây là chương trình được tổ chức với mục đích  tôn vinh hát xẩm nhưng cũng là một trong các nỗ lực lớn của những người đam mê nghệ thuật truyền thống nhằm đưa hát xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung đến gần hơn với công chúng.

Thực tế, vài năm gần đây, ngay tại thủ đô Hà Nội, người yêu thích hát xẩm đã có dịp khám phá nghệ thuật độc đáo này khá thường xuyên với nhiều chương trình được thực hiện bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong những nhóm tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống do họ tự tập hợp và thành lập. Trong đó, nổi bật và tích cực, tổ chức nhiều chương trình thành công có nhóm Đông kinh cổ nhạc, Xẩm Hà thành… 

Từ hình thức đàn hát dân gian của người nghèo, xẩm còn hiện diện trong đời sống đương đại bằng những sản phẩm âm nhạc mang bóng dáng của công nghiệp giải trí, được phát hành rộng rãi như các MV… Từ đây, những giai điệu truyền thống từng một thời đối diện với nguy cơ thất truyền lại vang lên trong những chương trình, sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp. Cùng với các bài xẩm “vang bóng một thời” như “Xẩm thập ân”, “Xẩm tàu điện”, “Xẩm nhà tơ”…, không ít tác phẩm xẩm cách tân do các nghệ sĩ và chính công chúng yêu xẩm sáng tác được phổ biến, tạo đời sống mới cho hát xẩm.

Những sáng tác mới, cách tân có ca từ gần gũi, phản ánh cuộc sống và công việc của con người hiện đại như "Xẩm trà đá", "Xẩm chứng khoán"… Các MV Xẩm cũng được thực hiện theo phong cách nhạc trẻ hiện đại, cũng với mong muốn khoác cho xẩm một màu sắc mới, để phù hợp với khán giả ngày nay, đặc biệt là khán giả trẻ.

Trao đổi về nghệ thuật hát xẩm trong đời sống đương đại, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm Chiếu xẩm Hải Phòng cho biết, hiện nay, người quan tâm đến hát xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung ngày càng nhiều hơn. Đây là xu hướng tất yếu của cuộc sống. Bởi lẽ, đời sống càng cao, người ta càng tìm về giá trị văn hóa truyền thống – những giá trị làm nên bản sắc riêng, giá trị riêng có của từng cộng đồng, địa phương và xa hơn nữa là dân tộc, đất nước. Trong dòng chảy chung này thì nhu cầu tìm về với hát xẩm, với giá trị của nghệ thuật truyền thống độc đáo cũng ngày càng cao hơn.

Đó không chỉ là những chương trình, tiết mục ngắn trình diễn trên sân khấu hay đưa vào các vở diễn nào đó mà còn là các chương trình chuyên sâu, đòi hỏi trình độ của người biểu diễn và người thưởng thức đều cao hơn với những làn điệu, bài bản cổ hơn. Tuy nhiên, để người biểu diễn có thể sống được bằng nghề hay không thì còn là câu chuyện dài.

Gian nan nghệ sĩ tay ngang

Như với Chiếu xẩm Hải Phòng hiện nay, thường xuyên sinh hoạt có 20 thành viên. Họ không là nghệ nhân hát xẩm kiếm sống như xưa mà đều là những người làm công việc không liên quan đến nghệ thuật. Có người là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, có người là cán bộ về hưu, có những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tất cả đều có điểm chung là yêu thích hát xẩm.

Nghệ nhân Bá Linh (Đào Bạch Linh), Chủ nhiệm chiếu Xẩm Hải Phòng cho biết, các buổi tập luyện, truyền dạy hát Xẩm được tổ chức thường xuyên, thu hút khá đông người tham gia.

Để đáp ứng nhu cầu trong cộng đồng tại địa phương, mỗi tuần, nghệ nhân Đào Bạch Linh đều tổ chức 3 đến 4 buổi truyền dạy, sinh hoạt hát xẩm tại nhà song hiếm có buổi sinh hoạt nào vắng người dự. Nhưng, nghệ nhân này cũng cho biết, vài năm gần đây, mặc dù Chiếu xẩm Hải Phòng được mời biểu diễn khá thường xuyên tại các sự kiện lễ hội, chương trình biểu diễn lớn nhỏ song thù lao biểu diễn chưa thể là nguồn thu chính để các thành viên trang trải cuộc sống.

Với các sự kiện mang tính cộng đồng, như  “Nghệ thuật hát xẩm – Từ hè đường đến sân khấu” tại Hà Nội, cả ban tổ chức lẫn các thành viên các hội, nhóm đều tự túc kinh phí. Sự động viên, có chăng là niềm vui chung và tinh thần tích cực từ từng thành viên.

Thực trạng hoạt động của Chiếu xẩm Hải Phòng nói trên không phải là một ngoại lệ cá biệt. Bởi lẽ, ngay tại thủ đô Hà Nội, một nhóm xẩm có sự chung sức của đông đảo nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn nhạc sĩ nổi tiếng như Xẩm Hà Thành thì hoạt động vẫn chủ yếu theo tinh thần vì đam mê là chính. Câu chuyện thù lao đủ sống được nhờ nghề vẫn như… “truyện dài nhiều tập”, dù rằng, mỗi chương trình, mỗi MV đều có sự hỗ trợ của các đơn vị, kể cả truyền thông với tinh thần ủng hộ phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Nhóm Đình làng Việt cũng cho hay, không riêng gì với xẩm mà với các hoạt động nhằm bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, thông thường, kinh phí tổ chức đều do các thành viên và những người yêu nghệ thuật truyền thống từ khắp các địa phương ủng hộ.

Nhưng không vì thế mà ban tổ chức không có những tiêu chí khắt khe với các nghệ sỹ, nghệ nhân, đảm bảo tối đa yếu tố gốc từ trang phục, đạo cụ đến hình thức diễn xướng, tính học thuật. Ở một chiều kích khác, ấn tượng để lại của chương trình với công chúng, việc quy tụ được những nghệ sĩ, nghệ nhân và khán giả yêu nghệ thuật truyền thống lại niềm động viên khó có gì đánh đổi được.

Minh Hải

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文