Xây dựng Nghị định quản lý hoạt động triển lãm

09:11 14/12/2017
Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm.

Tờ trình của Chính phủ cho rằng: Trong đời sống văn hóa - xã hội, triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu để tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các nội dung chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức triển lãm.

Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2015, cả nước có 594 cuộc triển lãm (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố). Năm 2016, thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm.

Chính phủ đánh giá: Mặt tích cực của hoạt động triển lãm trong những năm qua là đã góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; là hoạt động hiệu quả giúp tổ chức, cá nhân trong việc công bố, phổ biến tác phẩm, sản phẩm văn hóa; góp phần gìn giữ, quảng bá những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và những giá trị nhân văn, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cũng như những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Việc quản lý, cấp phép triển lãm hiện nay được quy định tại nhiều văn bản. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống xã hội, sự hội nhập sâu, rộng của Việt Nam với thế giới, hoạt động triển lãm đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới rất đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý để điều chỉnh.

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: Thực tế là các quy định về hoạt động triển lãm hiện hành không chỉ phân tán, thiếu đồng bộ mà một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Hơn nữa, thực tế hiện nay còn có một số hoạt động triển lãm chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như: triển lãm có nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, thể dục, thể thao, gia đình, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, khoa học, công nghệ, thiết kế sáng tạo; triển lãm tổng hợp nhiều nội dung, tổng hợp nhiều hình thức trưng bày hoặc tổng hợp nhiều loại tài liệu trưng bày, không nhằm mục đích thương mại… Nhiều triển lãm có nội dung phức tạp, nhạy cảm cần thiết phải có các quy định pháp luật để điều chỉnh.

Từ những lý do trên, Ủy ban cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật để thống nhất các quy định về hoạt động triển lãm ở những văn bản khác nhau, đồng thời bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa xây dựng luật, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm, cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Về nội dung dự thảo Nghị định, cơ quan thẩm tra lưu ý: Thực tế cho thấy, có không ít triển lãm có sự đan xen giữa yếu tố thương mại và yếu tố phi thương mại; việc xác định đúng tính chất triển lãm là không đơn giản. Không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xin nhiều giấy phép triển lãm của các cơ quan khác nhau để tổ chức triển lãm, làm gia tăng thủ tục hành chính, gây tốn kém về thời gian và chi phí.

Do đó, Ủy ban cho rằng, Nghị định cần phải có một điều quy định việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cấp giấy phép trong trường hợp triển lãm có cả yếu tố thương mại và phi thương mại. Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kĩ thuật văn bản của dự thảo Nghị định.

Thừa ủy quyền trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Nội dung dự thảo chưa xin ý kiến Thủ tướng và cũng chưa được Chính phủ thảo luận. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thường vụ sẽ chỉ bàn về chủ trương ra nghị định, chứ chưa bàn về nội dung cụ thể, đợi Chính phủ bàn thảo, thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định đã được mở rộng nhiều, nên phải lưu ý, bởi nếu theo dự thảo này, Bộ Công an muốn triển lãm về vũ khí chống khủng bố sẽ phải đi xin giấy phép của Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh thì không ổn.

Đánh giá hồ sơ dự án đã được chuẩn bị khá công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “cơ bản tán thành sự cần thiết phải có Nghị định”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, khi tập thể Chính phủ chưa thảo luận và chưa có ý kiến chính thức thì chưa đúng quy định tại Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật.

“Hoạt động triển lãm tưởng đơn giản, nhưng lại động đến văn hoá tư tưởng, liên quan đến lịch sử, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, mà chưa có pháp luật quy định, cho nên không đơn giản” – ông cảnh báo. Sau khi Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở tiếp thu các đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định sẽ được trình ra Thường vụ xem xét tại phiên họp sau.

V.H.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu, mục tiêu cao nhất của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trại giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) là bảo đảm tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ; quản lý giáo dục được người phạm tội sau khi hết án phải nhận thức tốt, chấp hành tốt pháp luật, làm ăn lương thiện, không tái phạm.

Đa số ý kiến các đại biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 9/5 bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị, cần phân loại hợp lý các đối tượng áp dụng, nhất là đối với sản phẩm tự nhiên…

Với mục tiêu xây dựng quốc gia phát triển văn minh, hiện đại, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã đặt ra yêu cầu cấp thiết thực hiện cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Điều này đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm, quyết liệt trong hành động với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” với những vấn đề cụ thể sau:

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương xác định truyền thông là một phần trong công cụ quản trị, không né tránh truyền thông mà chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, đối thoại và xử lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trưa ngày 6/5/2025, nhận được tin PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã rời cõi nhân gian sau nửa năm chống chọi với bạo bệnh, tôi liền gọi điện thoại chia buồn với GS Nguyễn Lân Dũng – người anh ruột của nhà khảo cổ được mệnh danh là chuyên gia “cổ nhân học”. Quen biết PGS.TS Nguyễn Lân Cường và từ lâu được ông coi là một người bạn vong niên, với tôi đó là vinh hạnh và tôi luôn trân trọng, cảm phục ông, một nhà khoa học đúng nghĩa, luôn say mê với khảo cổ và nhiệt huyết với cuộc đời…

Ngay sau sự cố mưa gây dột lênh láng tại nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 8/5 Cơ quan Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có văn bản gửi Tổng Công ty Càng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) yêu cầu rà soát các vấn đề phát sinh trong quá trình đưa công trình vào khai thác…

Ngày 9/5, thông tin Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, UBND tỉnh sẽ bố trí một phần vận động viên của đội tuyển thể thao thành tích cao thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hoá sử dụng cơ sở tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng (TP Thanh Hoá).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.