Ban Chuyên đề, Báo CAND nhận Bằng chứng nhận Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Ban Chuyên đề, Báo CAND - 1 trong 11 đơn vị nhận Bằng chứng nhận Tặng thưởng là đơn vị có nhiều đóng góp cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2022 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Tối 6/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2022. Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Qua 8 lần xét Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thì đây đã trở thành sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của giới văn hóa, văn nghệ cả nước, bao gồm các lực lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tặng thưởng hằng năm của Hội đồng ngày càng có chất lượng cao hơn, có sức thuyết phục và sức lan tỏa sâu rộng hơn, thực sự là một tặng thưởng danh giá và uy tín mang tầm quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thông tin, đợt xét Tặng thưởng lần thứ 9 có 87 công trình, sách, bài viết được lựa chọn từ các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương; các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí gửi đến Hội đồng và được tiếp tục sàng lọc, thẩm định qua quy trình 4 bước sơ khảo và chung khảo, trong số đó có 16 công trình, tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn hóa nói chung; 31 công trình, tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật; 40 công trình, tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học.
Như vậy, số lượng công trình, tác phẩm tham dự xét Tặng thưởng ở 2 lĩnh vực văn học và nghệ thuật tương đương nhau, thu hẹp đáng kể khoảng cách so với các năm trước. Có 9/19 công trình, tác phẩm nghệ thuật được Tặng thưởng, chiếm tỷ lệ 47,3%. Có nhiều hơn các công trình, tác phẩm thuộc về các loại hình nghệ thuật như hội họa, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh, nhất là lĩnh vực kiến trúc; có nhiều hơn các gương mặt trẻ, mới, hiện diện trong danh sách được xét và trao Tặng thưởng.
Tặng thưởng lần này có sự tiếp nối giữa các thế hệ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, gần như là sự “trao truyền” giá trị, tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm của thế hệ trước dành cho thế hệ tiếp theo, những người trẻ dần đông đảo hơn, tự tin hơn, vững tay bút hơn. Đề tài, nội dung, tiêu điểm của các công trình, tác phẩm được Tặng thưởng năm nay đều bám sát sự vận động của văn học, nghệ thuật nước nhà. Phần lớn các công trình, tác phẩm được tặng thưởng lần này đều đạt mức cao về giá trị học thuật, nghệ thuật, có đóng góp mới và thiết thực về lý luận và thực tiễn.
Bên cạnh những ưu điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng thẳng thắn cho rằng, trong số 87 tác phẩm tham dự xét Tặng thưởng, không ít tác phẩm chỉ mới dừng lại ở góc độ lý luận cơ bản và phản ánh thực tiễn một cách chung chung, hướng nghiên cứu còn dàn trải; phần phân tích, lý giải thiếu chiều sâu cần thiết. Chưa nhiều các công trình, tác phẩm có được tính hệ thống, tính chuyên khảo, chuyên sâu; một số cuốn sách chỉ là sự tập hợp, tuyển chọn cơ học các bài viết riêng lẻ, thiếu tính logic, tính kết nối, thiếu chiều sâu lý luận.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao Tặng thưởng các mức A, B, C, Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Theo đó, Tặng thưởng mức A trao cho GS.TS. NGND Mã Giang Lân với tác phẩm “Thơ – quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” (sách); mức B trao cho NSND Trần Minh Ngọc với tác phẩm “Cải lương Sài Gòn 1955-1975” (sách), GS.TS Trần Đăng Suyền với tác phẩm “Những tượng đài và hiện tượng văn chương Việt Nam hiện đại” (sách), PGS.TS Hồ Thế Hà với tác phẩm “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” (sách), nhà báo Đoàn Hải Yến và các cộng sự với tác phẩm “Những mạch nguồn phù sa” (phim phóng sự tài liệu).
Xúc động khi nhận được Tặng thưởng cao nhất tại buổi lễ, GS.TS.NGND Mã Giang Lân cho biết, đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là khẳng định công sức lao động của ông qua nhiều năm khi nghiên cứu về thơ. “Trong công trình của mình, tôi đã nhìn lại, soi lại thơ Việt Nam, có những vấn đề tôi đánh giá lại về thơ, nhất là về thơ mới. Tôi cũng đã khẳng định giá trị đặc sắc của thơ trong 30 năm trong chiến tranh (1945-1975)”, GS.TS. NGND Mã Giang Lân chia sẻ.
Chia sẻ với PV Báo CAND bên lề lễ trao giải, Thượng tá, nhà văn Như Bình, Trưởng Ban Chuyên đề, Báo CAND cho biết, Ban Chuyên đề, Báo CAND có 3 chuyên đề: Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới tuần, An ninh Thế giới giữa và cuối tháng. “Gần như tất cả lĩnh vực đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật đều có tuyến bài sâu, kỹ, rộng đăng trên 3 chuyên đề, đặc biệt trên chuyên đề Văn nghệ Công an.
“Vấn đề văn học nghệ thuật trong nước, nhất là mảng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của chúng tôi rất mạnh. Chúng tôi tập hợp được các cây bút đã thành danh trên văn đàn để có những tác phẩm phê bình, lý luận về tác phẩm văn học, nghệ thuật đang được công chúng quan tâm. Là một thư ký tòa soạn của chuyên đề Văn nghệ Công an, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào về tờ báo của mình và chúng tôi đã được ghi nhận”, Thượng tá, nhà văn Như Bình nhấn mạnh.