Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”:

Bản hùng ca vang mãi

21:06 02/05/2024

Tối 2/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.

Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cựu chiến binh, các nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ có nhiều cống hiến và có tác phẩm nghệ thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ, đông đảo khán giả ở trong và ngoài lực lượng CAND.

Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Cục Công tác đảng và công tác chính trị chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND – kênh ANTV.

Với sự tham gia của 300 nghệ sĩ, “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” cũng là chương trình có nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc về Điện Biên Phủ được viết ngay trên chiến trường hoặc giai đoạn sau này cùng được phối khí mới cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, dàn nhạc kèn biểu diễn.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa các nghệ sĩ sau chương trình.

Trong chương trình, câu chuyện lịch sử về Điện Biên Phủ được “kể” bằng âm nhạc một cách hoành tráng và mới lạ. Ngay từ phút mở màn, khán giả có dịp xem, nghe lại “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là tác phẩm đã vô cùng quen thuộc với bất kỳ người Việt Nam nào. Nhưng có lẽ, đây cũng là lần đầu tiên, tại Nhà hát Hồ Gươm, người yêu âm nhạc có dịp thưởng thức tác phẩm này qua phần thể hiện của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi – con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – người phối khí “Tiến quân ca” cho chương trình lần này, đây là bản phối cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng 4 bè, đồng thời là bản hoàn chỉnh nhất, có sự cân bằng giữa giai điệu và phần hòa thanh, phần đệm và bè trầm… nhằm tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn trong chương trình.

Ngay sau “Tiến quân ca”, không gian Nhà hát Hồ Gươm ngập tràn không khí hân hoan, tưng bừng, mừng chiến thắng với tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” – một sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tác phẩm này từng được trao giải Nhì tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954, cũng rất quen thuộc với số đông công chúng.

Chương trình lần này sử dụng bản phối đặc biệt của nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân dành cho dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, bản phối mới có nhiều sáng tạo, nhất là phần đầu và phần cuối của tác phẩm, nhằm phát huy hết tính năng của dàn nhạc kèn, tạo nên bầu không khí đặc biệt của ngày chiến thắng. Đó không chỉ là chiến thắng của riêng chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn là chiến thắng của toàn dân tộc.

Giọng ca đa năng Đào Tố Loan biểu diễn cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng tác phẩm "Quê tôi giải phóng".

Cũng ngay trong phần I của chương trình, người xem có dịp thưởng thức hai sáng tác khác đã từng được trao giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất nhưng ít được biểu diễn: “Quê tôi giải phóng” của nhạc sĩ Văn Chung  và “Mùa lúa chín” của nhạc sĩ Hoàng Việt. 

Bài hát “Hò kéo pháo” – tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân, từng được trao giải Nhất tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 trở nên quen mà lạ với bản phối của nhạc sĩ Trọng Đài, được thể hiện bởi NSƯT Huy Đức và dàn đại hợp xướng lên đến 60 người.

Dịp này, khán giả cũng gặp lại ca sĩ Phạm Thu Hà – “họa mi bán cổ điển” với ca khúc quen thuộc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Tốp ca nam Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng tái xuất với ca khúc “Bác đang cùng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục.

Ca sĩ Phạm Thu Hà cùng dàn nhạc biểu diễn tác phẩm "Biết ơn chị Võ Thị Sáu".

Tại phần II của chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, các nghệ sĩ tiếp tục đưa khán giả lần giở lại một trang trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm âm nhạc đặc biệt khác. Trong đó, bản Fantasie trên chủ đề “Mừng chiến thắng Tây Bắc” – tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, từng đạt giải Nhì tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954, đã mang đến nhiều bất ngờ với người yêu âm nhạc. Đây cũng là kết quả “gặp gỡ” của nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, nhà soạn nhạc tài năng đến từ Macedonia - Diran Tavityan  đã viết bản Fantasie trên chủ đề “Mừng chiến thắng Tây Bắc” cho piano và dàn nhạc, như một lời cảm kích trước lịch sử và con người của dân tộc Việt Nam. Biểu diễn tác phẩm này có nữ nghệ sĩ piano tài năng Bích Trà – con gái của NSND Trà Giang.

Tốp ca nam của Nhà hát Ca múa nhạc CAND tái xuất trong chương trình với tác phẩm "Bác đang cùng chúng cháu hành quân".

Cũng trong phần II của chương trình, khán giả tiếp tục “gặp lại” những cây đa, cây đề của âm nhạc cách mạng:  Nhạc sĩ Hoàng Vân với tác phẩm “Người chiến sĩ ấy” và nhạc sĩ Đỗ Nhuận với “Du kích sông Thao”.

Người yêu âm nhạc còn có dịp thưởng thức tác phẩm giao hưởng - hợp xướng “Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Hoàng Vân tại Nhà hát Hồ Gươm, với dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng lớn. Tiết mục hoành tráng và ấn tượng này cũng đồng thời khép lại chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định, bằng ngôn ngữ âm nhạc, về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ - trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Dàn đại hợp xướng tạo điểm nhấn khác biệt cho chương trình "Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên".

Sau thành công của đêm thứ nhất, chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 3/5.

Đại tướng Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm trước giờ diễn ra chương trình.

Cùng với chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, tại Nhà hát Hồ Gươm, Ban tổ chức triển lãm khoảng 20 tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Đây là các tác phẩm được ông vẽ trong những tháng ngày cùng các họa sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, các ký họa của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động. Khả năng tạo hình của ông bắt được kịp vẻ đẹp những hình tượng của người lính Điện Biên, của anh Bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Con mắt biết tìm vẻ đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà thế hệ hôm nay nhìn lại vẫn thấy xúc động vì đấy là những khoảnh khắc không thể có lần thứ hai. Vì vậy, có thể nói, bộ ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian.

Chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, ông Trần Hải Đăng chỉ đạo nội dung và cố vấn nghệ thuật; NSƯT Trịnh Tùng Linh, NSƯT Phan Mạnh Đức, Trung tá, NSƯT Trần Thị Út Lan, Thượng tá, NSƯT Trịnh Anh Thông chỉ đạo nghệ thuật; Tiến sĩ Lê Y Linh viết kịch bản; nhạc trưởng Lê Phi Phi tổng đạo diễn và chỉ huy dàn nhạc. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ piano Bích Trà, NSƯT Nguyễn Huy Đức, Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Đỗ Vũ Lan Nhung, Nguyễn Anh Vũ, Lê Kim Long, Nguyễn Trường Linh, Tuyết Mai, nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc CAND, Đoàn Nghi lễ CAND.

Hoa Nguyễn - Nguyễn Thắng

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

Tối 4/1, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Chương trình “Người truyền lửa” năm 2025 với chủ đề “Lửa ấm Cao Nguyên”.

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文