Bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch
Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống (NTT) gắn với phát triển du lịch, chính quyền TP Huế đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp...
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Huế có thêm nhiều nghề và làng NTT với những sản phẩm nghề nổi tiếng như: bánh tráng, bánh ướt; đúc đồng; kim hoàn; pháp lam, hương trầm; hoa giấy, tranh làng Sình… Trong đó, có 3 nghề và 7 làng nghề được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là nghề và làng NTT, gồm hương trầm (Thuỷ Xuân), bánh tráng - bánh ướt Lựu Bảo (Hương Hồ), bánh chưng bánh tét (Phú Dương), đúc đồng (Phường Đúc), hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu)…
Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay, làng nghề bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo, phường Hương Hồ (TP Huế) vẫn giữ lửa nghề và ngày càng phát triển với gần 100 hộ dân tham gia chế biến và kinh doanh. Sau khi UBND tỉnh có quyết định công nhận là nghề tryền thống, sản phẩm làng nghề này càng khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Thời gian qua, mặc dù TP Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề song do kết cấu hạ tầng các làng nghề, đặc biệt là giao thông xuống cấp; các làng nghề gắn với phát triển du lịch chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: bãi đỗ xe, khu vệ sinh, nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông, đội ngũ hướng dẫn viên… nên nhiều sản phẩm làng nghề vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng NTT trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã, phường mới sáp nhập vào thành phố, sắp tới TP Huế triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ với các định hướng phát triển hợp lý, trong đó tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan trong phát triển nghề, làng NTT; gắn việc phát triển nghề và làng NTT với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đặc biệt, chú trọng phát triển nghề và làng NTT với phát triển du lịch, với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, cách trung tâm TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, làng nghề hương trầm Thủy Xuân lúc nào cũng tấp nập du khách trong nước và quốc tế. Làng nghề này được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là nghề truyền thống vào cuối năm 2021.
Là một trong những người đầu tiên vừa làm hương trầm vừa kết hợp làm du lịch, bà Tôn Nữ Mộng Hoa chia sẻ: “Trước đây, có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan và xem thao diễn nghề. Nhiều du khách thích thú với khung cảnh nhiều bó chân hương rực rỡ sắc màu được trưng bày trải khắp cả tuyến đường; rồi họ tranh nhau chụp ảnh, liên tục thay trang phục và tạo dáng… Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng ngoài làm hương để kiếm tiền thì việc tạo không gian cho du khách chụp hình cũng là cách để tăng thêm thu nhập. Sau đó, tôi đưa các bó chân hương nhiều màu sắc ra bày trí ở phía trước gian hàng sao cho bắt mắt. Ai đi tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh thấy đẹp đều ghé vào gian hàng để chụp hình, nhiều người trong làng thấy thế cũng làm theo nên giờ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách”.
Tương tự, tại cơ sở Trà-Bánh & Thủ công Mạ`s House ở phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh (TP Huế), du khách có dịp trải nghiệm với các hoạt động làm các loại bánh truyền thống như: bánh pháp lam, bánh in, bánh bèo, nậm, lọc và cùng với các thợ thủ công thao diễn nghề truyền thống, như thêu, đan móc, xếp giấy...
Theo chủ cơ sở này, phố cổ Bao Vinh từng được nhiều người biết đến là một khu phố cổ kính với nhiều kiến trúc độc đáo, giàu giá trị văn hóa và lịch sử nhất của Cố đô Huế. Xuất phát từ ý tưởng quảng bá cho phố cổ Bao Vinh để nhiều người dân và du khách biết đến địa điểm này, cơ sở đã hình thành không gian trải nghiệm nhằm giới thiệu các ngành nghề truyền thống Huế. Qua đó, giúp du khách am hiểu nhiều hơn về các nghề thủ công truyền thống, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm làng nghề.
Theo lãnh đạo UBND TP Huế, qua 8 kỳ Festival nghề truyền thống Huế đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế cũng như đưa các làng nghề trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong lòng du khách. Hiệp hội Festival châu Á cũng đã công nhận Festival Nghề truyền thống Huế là Festival tiêu biểu của châu Á.
Được biết, kể từ khi Đề án xây dựng “Huế - Thành phố Festival” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, TP Huế đã không ngừng nâng cao năng lực tổ chức, thể hiện tính chuyên nghiệp từ các khâu xây dựng kịch bản lễ hội, định hướng mẫu mã và chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống… mang đến những kỳ lễ hội hấp dẫn, chất lượng. Qua đó, phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố bền vững về môi trường ASEAN, thành phố xanh quốc gia nhằm “giữ chân” du khách với mảnh đất Cố đô, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch miền Trung nói riêng và cả nước nói chung…