Bí ẩn đường hầm trong lòng Đà Lạt

18:00 02/02/2022

Ngay cả những người sống lâu năm ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng mấy ai biết rằng trong lòng thành phố này vẫn đang tồn tại một hệ thống đường hầm bí mật. Sự xuất hiện của những đường hầm hướng vào các căn biệt thự cổ được người Pháp cho xây dựng vào đầu thế kỷ XX đã khiến nhiều người đặt ra các giả thiết. Sau hơn 75 năm tồn tại, mục đích của các đường hầm này vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Khám phá đường hầm trong lòng đất

Nếu không có con chó mực của gia đình anh Đặng Đình Hưng (SN 1972, ngụ đường Yên Thế, phường 10, TP Đà Lạt) xông xáo tiền trạm, thú thực chúng tôi không dám liều mình đi sâu vào lòng đất để thám hiểm tới ngõ ngách cuối cùng của hệ thống đường hầm đầy bí ẩn này. Thực tế cho thấy, những đường hầm sâu hun hút như vậy thường chứa rất nhiều khí độc mà nếu ngửi phải, người dù có sức khỏe đến mấy cũng khó thoát khỏi cái chết. Đó là chưa kể khả năng sập hầm, gây vùi lấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì những trận mưa dài ngày trước đó khiến nước ngầm vẫn rỉ từng giọt rớt xuống từ lớp đất pha cát.

Cửa ra vào của đường hầm trên đường Yên Thế, TP Đà Lạt.

Băng qua lớp cây bụi rậm rạp vượt quá đầu người, cửa hệ thống đường hầm bí mật trên đường Yên Thế, TP Đà Lạt hiện ra. Lối vào đường hầm um tùm rậm rạp, tọa lạc tại vị trí gần đỉnh một quả đồi, phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt ngày nay. Khu vực này vốn có rất nhiều căn biệt thự cổ dọc theo đường Hùng Vương, Yên Thế, Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt, được người Pháp cho xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là nơi sinh sống, nghỉ dưỡng cho những gia đình quan lại người Pháp thời bấy giờ. Dấu tích ở cửa ra vào đường hầm cho thấy nó đã được tu sửa, xây dựng lại bằng đá chẻ xanh với các bậc lên xuống được xây dựng khá bài bản sau khi chủ nhân khu đất cho chỉnh trang lại khu vực này.

Xuống hết 14 bậc đá, cửa đường hầm bị án ngữ bởi một tảng đá lớn từ bên trên đỉnh đầu. Để vào sâu bên trong buộc phải co gập người ở mức thấp nhất có thể. Nhiều khả năng trước đây vị trí này không nhỏ hẹp và di chuyển khó khăn như ngày nay. Thời gian đằng đẵng đã khiến một lượng lớn đất bùn theo nước mưa chảy về khu vực này làm cửa ra vào của hệ thống đường hầm bí mật bị vùi lấp đáng kể. Đi sâu vào bên trong, cách cửa ra vào khoảng 50m có một nhánh rẽ trái. Nhánh này tiếp tục đi sâu và chia thành một số nhánh khác. Càng vào sâu theo hướng đường hầm chính, không khí càng ngột ngạt, ẩm mốc và khó thở. Trục hầm chính có chiều cao trung bình 2m, rộng khoảng 1,5m, đi thẳng ra phía đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, hướng tới một số căn biệt thự cổ thuộc mặt tiền đường Hùng Vương và Yên Thế. Càng đi sâu vào bên trong, hệ thống đường hầm xuất hiện nhiều vị trí bị sạt lở mạnh, đất đá đã vùi lấp nhiều điểm, trông rất nguy hiểm. Cách miệng đường hầm chính khoảng 100m tiếp tục có nhánh rẽ sang phía tay phải, xuyên qua các lớp đá ngầm trong lòng đất.

Bên trong đường hầm.

Tại nhánh này, đi sâu vào gần 100m nữa lại có một số nhánh khác đã bị đất đá vùi lấp không thể di chuyển được nữa. Ở vị trí này, xuất hiện hàng nghìn con dơi có sải cánh rộng hơn 30cm đậu thành từng bầy trên đỉnh đường hầm, bám chặt vào lớp đá ngầm. Con người xuất hiện nơi đây không được lũ dơi hoan nghênh, nhất là sự khuấy động của con chó mực của gia đình anh Đặng Đình Hưng. Bầy dơi có kích thước khổng lồ lên tới hàng nghìn con tung bay nháo nhác, đâm loạn xạ vào cả chúng tôi. Dưới đất, phân dơi tạo thành từng tảng lớn đen xịt khiến con mực thích thú dùng mũi đánh hơi để phân biệt mùi vị.

Có con chó mực tiền trạm, thực sự chúng tôi mới có đủ dũng khí để khám phá trọn vẹn hệ thống đường hầm này tại những vị trí có thể di chuyển được. Tại nhánh đường hầm trên, nhiều vị trí tiếp tục bị sạt lở, vùi lấp khá nhiều. Dấu tích còn in lại trên các đường hầm cho thấy việc đào đường hầm được chủ nhân thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Hình lưỡi xà beng vẫn còn in rất rõ trong đường hầm mặc dù đã tồn tại ngót trăm năm dưới lòng đất ẩm ướt với đầy rẫy những biến cố của lịch sử. Càng đi sâu vào bên trong, các đường hầm này dù là nhánh phụ và đã bị sập, vùi lấp nhiều vị trí nhưng vẫn còn rộng rãi, việc đi lại khá thoải mái. Phải mất khoảng một tiếng đồng hồ với sự xông xáo tiền trạm của con chó mực chúng tôi mới đi hết được hệ thống đường hầm trên đường Yên Thế, TP Đà Lạt, vốn vẫn đang chứa đựng nhiều điều bí mật chưa thể giải mã.

Đi sâu vào bên trong đường hầm, hàng nghìn con dơi đậu kín nóc hầm.

Ngoài đường hầm chính chạy thẳng ra đường Hùng Vương, hướng tới một số căn biệt thự cổ, nay là Cung Nam phương Hoàng Hậu, Nhà sáng tác Đà Lạt, các nhánh đường hầm khác cũng đều hướng tới các căn biệt thự cổ trong khu vực vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Đó là các căn biệt thự trên đường Yên Thế, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám… Nhiều người tương truyền rằng, hệ thống đường hầm này còn kéo dài tới các căn biệt thự trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo ngày nay, nhánh còn lại thông vào tới Dinh 1 trên đường Trần Quang Diệu, TP Đà Lạt. Các địa điểm trên cách cửa đường hầm này khoảng 1km.

Tuy nhiên, qua thực tế khám phá của chúng tôi, hệ thống đường hầm bí mật trên đường Yên Thế, phường 10, TP Đà Lạt ngày nay, chỉ hướng tới các căn biệt thự quanh khu vực này, bán kính trong vòng khoảng 150m.

Mục đích của đường hầm là gì?

Đến nay, những người sống gần cửa đường hầm bí mật cuối đường Yên Thế, TP Đà Lạt, không ai biết rõ hệ thống đường hầm này xuất hiện cụ thể từ khi nào. Nhiều người lớn tuổi ở Đà Lạt kể lại, đường hầm này được quân đội Nhật cho đào vào thời điểm Nhật – Pháp còn tranh giành thuộc địa ở Đông Dương vào những năm đầu thế kỷ XX. Từ khi phát hiện ra Đà Lạt (1893) đến năm 1945, người Pháp đã đưa ra nhiều đồ án thiết kế Đà Lạt của các kiến trúc sư nổi tiếng nhằm biến nơi đây thành trung tâm hành chính và nghỉ dưỡng ở Đông Dương. Vùng đất này nhanh chóng trở thành nơi tập trung khá nhiều tướng lĩnh và các quan chức cao cấp trong quân đội Pháp tới làm việc hoặc cùng gia đình từ Sài Gòn lên nghỉ mát vào mùa hè. Cũng trong thời điểm trên, một loạt dinh thự được người Pháp tăng cường cho xây dựng ở Đà Lạt nhằm biến nơi đây thành thiên đường nghỉ dưỡng mùa hè cho những người giàu có và quan chức người Pháp không có điều kiện về chính quốc nghỉ dưỡng.

Dơi đậu đen trong đường hầm.

Nhiều người cho rằng, trước ngày tiến hành đảo chính Pháp, phát xít Nhật đã bí mật cho đào một hệ thống đường hầm xuất phát từ lưng chừng một quả đồi thông (phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt ngày nay) tiến thẳng vào Dinh 1 và Dinh 2 rồi rẽ nhánh qua các căn biệt thự số 11, 16, 18, 26… (trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, TP Đà Lạt ngày nay), vốn là nơi ở và làm việc của những nhà cầm quyền người Pháp. Mục đích là bất ngờ chui lên từ các đường hầm, bắt sống toàn bộ cơ quan chỉ huy của thực dân Pháp đang đóng quân và nghỉ mát tại đây.  

Tuy nhiên, một cách giải thích khác về đường hầm này cũng rất đáng được chú ý. Theo cụ Đào Văn Ơn (SN 1928) sinh sống gần đường hầm trên đường Yên Thế, phường 10, TP Đà Lạt, quân Nhật tiến hành đảo chính thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương vào ngày 9/3/1945 nhưng thực chất tại Đà Lạt, các quan lại người Pháp đã trở thành tù binh hoặc “bù nhìn” cho quân Nhật từ trước đó rất lâu. Đến cuối năm 1944, hầu hết quân lính và quan lại người Pháp tại Đà Lạt đều đã bị bắt giam, phát xít Nhật đã toàn quyền quyết định mọi vấn đề trên vùng lãnh thổ này. Theo cụ Ơn, quân Nhật cho đào hệ thống đường hầm trên đường Yên Thế, TP Đà Lạt ngày nay hoàn toàn công khai. Toàn bộ đất đá lấy ra từ đường hầm được đổ thẳng xuống thung lũng phía dưới, trước miệng cửa đường hầm. Qua thời gian, nước mưa đã cuốn trôi một lượng lớn đất đá được lấy ra từ đường hầm này về hướng huyện Đức Trọng ngày nay theo dòng chảy của suối Prenn.

Nhiều vị trí trong đường hầm đã bị sạt lở.

Cụ Ơn cho rằng, mục đích người Nhật đào hệ thống đường hầm hướng tới các căn biệt thự tại đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Yên Thế, Hoàng Hoa Thám… TP Đà Lạt không phải để bắt sống các quan lại người Pháp trong bộ máy hành chính, quân đội, giống như mọi người lâu nay vẫn nghĩ. Thực chất, trước khi cho đào những đường hầm này, phát xít Nhật đã thay quân đội Pháp làm chủ Đà Lạt từ rất lâu. Cụ Ơn phán đoán rằng, do biết trước quân Đồng Minh sẽ phản công trở lại sau khi bị trục phát xít đánh bại ở nhiều mặt trận trên thế giới, nhất là khi hay tin Mỹ sẽ dùng bom nguyên tử ném vào nước Nhật và những nơi có quân Nhật chiếm đóng để kết thúc chiến tranh thì một kế hoạch xây dựng đường hầm tại Đà Lạt lập tức được quân Nhật phác thảo.

Vào khoảng nửa cuối năm 1944, kế hoạch trên được người Nhật hiện thực hóa. Phát xít Nhật đã điều động tù binh bắt được của quân Đồng Minh từ nhiều nơi đưa lên Đà Lạt bằng đường tàu hỏa để làm việc khổ sai. Công việc chính hằng ngày của những tù binh là xây dựng đường sá, chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật, phục vụ chiến tranh. Người đào các đường hầm này không ai khác cũng chính là những tù binh trên. Việc đào hệ thống hầm trong lòng đất hướng tới các căn biệt thự cổ trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Yên Thế, Hoàng Hoa Thám… TP Đà Lạt ngày nay được người Nhật hoàn tất sau khoảng 7 tháng triển khai với sự góp sức của hàng nghìn tù binh bắt được của quân Đồng Minh.

Đường hầm dài hàng trăm mét, chia thành nhiều nhánh ăn sâu vào lòng đất.

Như vậy, đến nay đang tồn tại hai hướng giải thích về mục đích của các đường hầm bí mật ở TP Đà Lạt. Tất cả các luồng ý kiến đều xác nhận, hệ thống đường hầm tại đường Yên Thế do người Nhật cho đào vào những năm đầu thế kỷ XX. 

Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, mục đích đào các đường hầm này theo cách giải thích của cụ Phạm Văn Ơn có phần thuyết phục hơn. Bởi lẽ, việc đào hệ thống đường hầm xuyên qua lòng đất bằng cách thủ công lúc bấy giờ với chiều dài hàng trăm mét không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Để đào được những đường hầm xuyên qua các lớp địa chất phức tạp phải cần rất nhiều người, do đó không thể đảm bảo yếu tố bí mật. Như vậy, nếu phát xít Nhật cho đào đường hầm trong điều kiện bí mật quân sự khi quân đội Pháp vẫn đang nắm quyền kiểm soát Đà Lạt là rất khó có thể xảy ra. Hơn nữa, với hệ thống đường hầm lớn như vậy, một khối lượng đất đá khổng lồ đã phải chuyển ra ngoài, đổ xuống các khu vực gần đó. Điều này không thể người Pháp không biết nếu họ đang là người toàn quyền kiểm soát Đà Lạt lúc bấy giờ.

Khắc Lịch

Greenland có thể trở thành một quốc gia độc lập nếu người dân muốn, nhưng không thể trở thành một tiểu bang của Mỹ, Ngoại trưởng Đan Mạch nhấn mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo gần Bắc Cực này.

Thành công của thể thao Việt Nam trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của các VĐV nhập tịch hoàn toàn gốc nước ngoài và VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam làm việc có thể sẽ thúc đẩy thêm cách chọn lựa nhân sự của nhiều đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì hệ thống đào tạo trẻ trong nước vẫn cần được giữ vững, xem trọng.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文