Cấp thiết chuyển đổi số để phục hồi, phát triển du lịch
Đại dịch COVID-19 đòi hỏi chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch càng trở nên cấp thiết. Ứng dụng công nghệ số không thể nằm trong kế hoạch phấn đấu mà là điều kiện bắt buộc phải triển khai và được đẩy nhanh hơn ở doanh nghiệp du lịch hiện nay.
Áp dụng công nghệ số rộng rãi, phổ biến hơn
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, ảnh hưởng của đại dịch đã hình thành ra nhiều rào cản, khó khăn cho việc di chuyển của du khách, từ đó dần dần hình thành một loại tour du lịch dựa chủ yếu vào nền tảng công nghệ 4.0. Đó là cung cấp những tour du lịch online cho khách du lịch quốc tế bằng việc thiết lập hành trình du lịch gồm một số điểm dừng trong một khung giờ nhất định. Khách ở nhà có thể truy cập vào nhóm online và hướng dẫn viên đi qua từng điểm và giới thiệu về điểm du lịch. Hướng dẫn viên và khách tương tác trên mạng internet, tuy không thể tối ưu chất lượng trải nghiệm của du khách nhưng đã giải quyết được phần nào nhu cầu du lịch.
Hoạt động du lịch sử dụng công nghệ thực tế ảo giúp cho khách có thể trải nghiệm các điểm du lịch trước khi có chuyến đi du lịch thực tế. Phát triển sản phẩm du lịch trên nền tảng công nghệ 4.0 còn có thể triển khai ở nhiều khâu dịch vụ làm tăng trải nhiệm hay cảm nhận của du khách về giá trị văn hóa hay tự nhiên của điểm tham quan, đặc biệt là giúp cho việc cá nhân hóa sản phẩm du lịch cho từng đối tượng, nhóm khách cụ thể.
"Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, hàm lượng công nghệ ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… vào sản phẩm du lịch ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch số ra đời và kết hợp hài hòa với sản phẩm du lịch truyền thống làm tăng giá trị chuyến đi du lịch của du khách, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch có những sản phẩm hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả kinh doanh", ông Phùng Quang Thắng nhận định.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cũng nhận định, công nghệ số được áp dụng rộng rãi hơn và có phần quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp cung ứng và tổ chức thực hiện dịch vụ. Từ trước khi COVID-19 xuất hiện, chuyển đổi số đã là chủ đề được ngành du lịch rất quan tâm và xác định là hướng đi tất yếu nếu muốn phát triển. Đại dịch xảy ra, những yêu cầu mới nhằm phòng ngừa dịch bệnh khiến cho vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Yêu cầu hạn chế tiếp xúc, không tiếp xúc trực tiếp, một chạm chỉ có thể được thực hiện thông qua công nghệ số.
Ngoài các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục thông thường như trước đây, ngày nay các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở cung ứng dịch vụ đã bổ sung thêm nhiều yêu cầu về chứng nhận tiêm vaccine, yêu cầu khai báo y tế, quét mã QR, theo dõi di chuyển, tiếp xúc với các app chuyên ngành. Để đáp ứng các vấn đề này, chỉ có công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số mới có thể thực hiện một cách nhanh chóng và giản tiện cho du khách.
Thúc đẩy chuyển đổi số để phục hồi, phát triển du lịch trong "tình hình mới"
Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, du lịch ngày càng được cá nhân hóa, không theo các sản phẩm có sẵn, truyền thống mà được xây dựng tới từng khách hàng, nhóm khách hàng khiến khối lượng công việc rất lớn. Không gian và thời gian rất rộng, rất mở nên việc quản trị cơ sở dữ liệu rất phức tạp cần phải cập nhật liên tục và cách làm thủ công khó có thể đáp ứng được mà cần thiết phải áp dụng công nghệ số, công nghệ AI, big data để tự động hóa tương tác với khách hàng, đánh giá, dự đoán các nhu cầu của khách hàng để đưa ra các phương án tư vấn tự động nhanh chóng, phù hợp.
Với những sản phẩm du lịch được chuyên môn hóa cao, nhu cầu về thông tin, nhu cầu về tìm hiểu sâu đối với từng chủ đề, từng lĩnh vực của du khách rất khắt khe. Cách truyền đạt trực tiếp theo các kênh và phương pháp thông thường sẽ không đáp ứng được yêu cầu mà cần phải ứng dụng công nghệ, bổ sung vào sản phẩm dịch vụ các dữ liệu được số hóa, công nghệ thực tế ảo nhằm tái hiện và bổ sung các thông tin; thuyết minh tự động, hướng dẫn viên, chuyên gia tư vấn từ xa và các quá trình tương tác trước và sau tours.
Khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu của ngành Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Để góp phần đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý như ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", "Hướng dẫn Du lịch Việt Nam", "Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID- 19"…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Phúc cũng cho rằng, công tác chuyển đối số trong ngành Du lịch chưa nhận thức đồng bộ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đặc biệt là khách hàng và doanh nghiệp, thiếu nguồn lực, hạn chế về kiến thức, trình độ… Để thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Ngành Du lịch nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, các hoạt động giao dịch trên môi trường số, các quy tắc ứng xử trên mạng internet… trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch.