Đánh thức giá trị văn hóa truyền thống qua Tết Trung thu
Sau nhiều năm tưởng chừng bị rơi vào quên lãng, nhiều giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền đã không chỉ còn trong hoài niệm mà đang tích cực lan tỏa trong cộng đồng. Với nhiều nỗ lực và cả sự bền bỉ, đến nay, nhiều di tích, địa chỉ tại Thủ đô Hà Nội đã trở thành điểm đến quen thuộc với người dân và du khách mỗi mùa Trung thu hàng năm.
Những ngày này, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, các cán bộ công nhân viên của Trung tâm cùng nhiều đơn vị, nghệ nhân đang tất bật hoàn thiện nốt các hoạt động trang trí, chuẩn bị các nội dung hoạt động cho mùa Trung thu 2023.
Dự kiến, trong dịp Tết Trung thu năm nay, tại các điểm di sản trong khu phố cổ và không gian bích họa phố Phùng Hưng, Hà Nội sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, giàu tính trải nghiệm. Bên cạnh các hoạt động thường niên như tổ chức giới thiệu các đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, múa Lân – Sư – Rồng, năm nay, người dân và du khách có dịp tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu ở hoàng cung và không khí Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa, thông qua triển lãm ảnh và tư liệu lưu trữ “Trở về Trung thu xưa”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cũng trở lại Hà Nội, phối hợp cùng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức giới thiệu không gian đón Tết Trung thu, đặc biệt là trưng bày mâm ngũ quả đúng chuẩn của người Hà Nội xưa tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây…
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho hay, hiện nay, các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng đã trở thành nơi vui Tết Trung thu của đông đảo người dân và du khách. Kết quả này là hành trình của gần 20 năm đơn vị cần mẫn phối hợp với nhiều đơn vị, nhiều nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề truyền thống nổi tiếng nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, nhất là các giá trị văn hóa gắn liền với mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Ban tổ chức mong muốn nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng di sản đó.
Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tết Trung thu 2023 cũng sẵn sàng với chuỗi hoạt động “Ký ức mùa trăng 2023”. Bà Tăng Thu Hà – Trưởng ban tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên chuỗi sự kiện tương tác, trải nghiệm giáo dục di sản “Ký ức mùa trăng” có nhiều hoạt động, với thời gian kéo dài nhất tại khu vực Hồ Văn - di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ 23/9 – 1/10). Thông qua các hoạt động vui đón trung thu, Ban Tổ chức giới thiệu đón Tết trung thu theo nghi lễ truyền thống, đan xen các hoạt động và sản phẩm văn hóa hiện đại. Ở đó, nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền và hòa quyện với các hoạt động văn hóa hiện đại, giúp bảo tồn và khẳng định sức sống một cách bền bỉ, dung hòa. Nổi bật nhất là trải nghiệm “Cá chép vượt vũ môn”; giao lưu ảnh chủ đề “Tôi yêu Hồ Văn” với không gian văn hóa Việt Nam gắn với nhiều tích xưa; các góc check-in xanh mướt, hàng ngàn đèn lồng lung linh, chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề trung thu dành cho trẻ em…
Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, không khí Tết Trung thu tràn ngập. Mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến Trung thu nhưng nhiều du khách đã tranh thủ đến, ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất. Trao đổi với chúng tôi, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) và Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đều cho biết, hơn 20 năm trước, nghề làm đồ chơi Trung thu của gia đình nói riêng, làng nghề nói chung không cạnh tranh được với đồ chơi ngoại nhập nên mai một dần. Dịp Tết Trung thu năm 2007, họ được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời đến giới thiệu về đồ chơi truyền thống cho du khách nhưng không có nhiều người quan tâm nên mỗi nghệ nhân bán được chưa đầy 10 chiếc cho khách. Tuy nhiên, các năm sau đó, Bảo tàng vẫn kiên trì mời, hỗ trợ kinh phí đi lại. Yêu và tiếc vốn quý của cha ông, cứ đến dịp Tết Trung thu hàng năm, hai nghệ nhân lại đến Bảo tàng giao lưu với khách. Sau với nhiều nỗ lực, đến nay, đồ chơi truyền thống của các nghệ nhân này được nhiều du khách đón nhận và họ cũng là khách mời thường xuyên của nhiều đơn vị và trường học vào dịp Tết Trung thu.
TS Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng cho biết, suốt 20 năm qua, Bảo tàng luôn đồng hành với các nghệ nhân để nghiên cứu, tìm tòi cách thức gìn giữ đồ chơi truyền thống. Các chương trình vui Tết Trung thu của Bảo tàng luôn duy trì giới thiệu mảng hoạt động gắn với các nghệ nhân dân gian làm đồ chơi Trung thu như hướng dẫn trẻ em, khách tham quan làm đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… Nhiều hoạt động phát huy giá trị văn hóa truyền thống khác cũng liên tục được duy trì trong dịp này như tổ chức các trò chơi dân gian, học những bài hát đồng dao thông qua chơi trò chơi rồng rắn lên mây, chơi chuyền, trải nghiệm thử tài múa lân, rước đèn trung thu, thử làm bánh cốm, bánh dẻo… Sau nhiều năm, đến nay, Bảo tàng đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách mỗi dịp Tết Trung thu.
Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết, để hấp dẫn du khách, chương trình mỗi năm mỗi đổi mới, phù hợp với đời sống đương đại. “Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ sẽ mang đến một trải nghiệm mới và hào hứng cho các bạn trẻ”, ông Quang chia sẻ.