Đạo diễn Xuân Phượng trở thành nhà văn ở tuổi 94
Ghi dấu ấn với tác phẩm “Gánh gánh gồng gồng” kể về chuyện đời mình, đạo diễn Xuân Phượng vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cùng với 28 hội viên khác. Ở tuổi 94, hội viên mới toanh này được xem là nhà văn cao tuổi nhất của lực lượng nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Ngày 10/1, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tổng kết - Trao giải thưởng văn học và Kết nạp hội viên mới. Báo cáo tổng kết tại buổi lễ, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian qua, đội ngũ nhà văn Thành phố đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị, gần gũi với hơi thở cuộc sống, tạo tiếng vang với văn đàn cả nước, lan tỏa với ý nghĩa vô giá. Hội đã tổ chức nhiều cuộc thi, trại sáng tác nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của người cầm bút như: cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”, cuộc thi bút ký văn học “Những hy sinh thầm lặng”, cuộc thi Truyện ngắn hay 2022… Điều này không chỉ tạo không khí cho các tác giả sáng tác mà còn là cầu nối mang đến những giá trị lan tỏa cho tác phẩm.
Trong năm 2022, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đón tin vui khi tám thành viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam gồm: nhà báo - nhà văn Nguyễn Hồng Lam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn Tống Phước Bảo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nhà thơ Ngô Thị Hạnh...
Tại buổi lễ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã kết nạp thêm 29 hội viên mới gồm: đạo diễn Xuân Phượng, nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà văn Dương Thành Truyền, nhà thơ Trần Kim Dung, nhà lý luận và phê bình Nguyễn Tiến Dũng, dịch giả Phan Thu Vân, nhà thơ Đinh Nho Tuấn, dịch giả Hoàng Bá Vy…
Trở thành thành viên mới của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Xuân Phượng xúc động chia sẻ: “Cầm bút là một cái nghề quá đẹp. Cái nghề này là một cái nghiệp mà khi chúng ta đã dính vào rồi thì phải cố gắng đến cùng. Bởi vì chỉ có đi đến cùng thì chúng ta mới nhận được một cái thương ngắn ngủi tình người mà đẹp vô cùng của cuộc sống”.
Dịp này, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh còn tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm 2022. Theo đó, giải thưởng văn học được trao cho trường ca “Những ngọn khói về trời” của nhà thơ Bùi Phan Thảo, giải Văn học thiếu nhi cho tác phẩm “Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào” của nhà văn Võ Thu Hương, giải Cống hiến thuộc về nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Các tác phẩm được tặng thưởng của Hội gồm: truyện ký “Bản tình ca khúc khuỷu” của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, tập thơ “Phút bù giờ” của Minh Đan, truyện ký “Tôi được sống” của Nguyễn Ngọc Hiến, tiểu thuyết “Dòng biên viễn” của Hồ Thị Ngọc Hoài, tập truyện “Muội tro” của Võ Chí Nhất, tập thơ “Tôi em và Một…” của Trần Trí Thông, trường ca “Corona” của Xuân Trường, tập thơ “Ngàn tiếng đời ấp ủ” của Đinh Nho Tuấn.
Ngoài việc tăng cường chất lượng chuyên môn, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ để dần dần “trẻ hóa” đội ngũ hội viên. Cụ thể, Hội tăng cường mở rộng các chuyến đi thực tế sáng tác, mở trại sáng tác, tổ chức các buổi tọa đàm về nghề, các buổi giới thiệu tác giả và tác phẩm mới.