“Đất nước niềm vui”- Bản hòa ca chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Tối 17/8, tại Nhà hát Hồ Gươm (HGO), Hà Nội đã diễn ra chương trình hòa nhạc “Đất nước niềm vui” – chương trình đầu tiên trong chuỗi 3 chương trình nghệ thuật đặc biệt do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống CAND.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã đến dự chương trình.
Với 2 phần chính, chương trình nghệ thuật “Đất nước niềm vui” giới thiệu đến khán giả 11 tác phẩm âm nhạc là những nhạc phẩm đã đi cùng năm tháng của Việt Nam và tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới.
Ngay từ phút mở màn, các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới chỉ sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng người Nhật Bản – ông Honna Tetsuji đã tạo ấn tượng khó quên cho người xem với bản giao hưởng thơ của nhạc sĩ Trọng Bằng “Người về đem tới ngày vui”. Lấy cảm hứng từ câu hát "Người về đem tới ngày vui" trong ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao, bản giao hưởng không chỉ thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhạc sĩ Trọng Bằng với Bác Hồ kính yêu mà còn là tấm lòng, tình cảm của người dân Việt Nam đối với Người.
Dịp này, người yêu âm nhạc được thưởng thức Aria Đàn bầu qua ngón đàn điêu luyện của NSƯT Lệ Giang – nữ nghệ sĩ, giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người đã có hơn 30 năm gắn bó với cây đàn bầu Việt Nam và từng được ghi nhận qua nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn, nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín ở trong nước và nước ngoài.
Aria Đàn bầu là tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, mới được công bố lần đầu tiên. Tiết mục này là điểm nhấn đặc biệt trong đêm nghệ thuật “Đất nước niềm vui”. Theo đánh giá của nhạc sĩ Trần Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam thì chỉ riêng sự kết hợp giữa cây đàn bầu Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng đã làm nên sự khác biệt thú vị cho chương trình.
Cũng trong phần I của chương trình, khán giả đã thưởng thức nhiều tác phẩm âm nhạc quen thuộc của những nhạc sĩ nổi tiếng, qua phần thể hiện của những giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam hiện nay. Đó là “họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà với “Bài ca hy vọng” – một sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký và “Đất nước tình yêu” – tác phẩm giàu chất thơ với mạch cảm xúc tuôn trào từ tâm hồn thiết tha yêu đất nước của tác giả Lệ Giang.
Đó còn là NSƯT Đăng Dương với “Đất nước trọn niềm vui” - ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác năm 1975, với những giai điệu như bay lên trong ngày vui đất nước thống nhất. Mạch cảm xúc đầy hân hoan, tưng bừng của ngày vui chiến thắng được tiếp nối với ca khúc đã đi cùng năm tháng “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” – một sáng tác gắn liền với những dấu son chiến thắng của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được nhạc sĩ Chu Minh viết năm 1972, trong những ngày Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc chiến đấu với pháo đài bay B52 của Mỹ.
Ca sĩ Bùi Thị Trang mang đến chương trình khúc hoan ca về một mùa vui đẹp như mơ - “Mùa xuân đầu tiên”, tác phẩm được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1975 để “mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ”.
Phần I của chương trình khép lại với 2 tiết mục biểu diễn của giọng nữ đa năng – ca sĩ Đào Tố Loan với 2 ca khúc: “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi - bài hát ca ngợi Hà Nội, những người con của Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; “Tự nguyện”của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh – bản hùng ca về tinh thần tự nguyện dấn thân, đã đi sâu vào tâm thức lớp lớp thanh niên Việt Nam, như nhắc nhở mỗi người hãy chiến đấu cho quê hương, cho đất nước.
Phần II của chương trình là quà tặng đặc biệt dành cho những người yêu nhạc giao hưởng với phần thể hiện của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và 2 nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài: TS.NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Việt Trung.
Được giới phê bình đánh giá cao về phong cách biểu diễn thanh thoát mà vẫn say đắm mạnh mẽ cùng kỹ thuật điêu luyện xuất sắc, trong chương trình “Đất nước niềm vui”, Bùi Công Duy tiếp tục khẳng định đẳng cấp với Introduction et Rondo capriccioso, Op. 28 – một tác phẩm điển hình về chất duyên dáng, ý nhị của tác giả người Pháp Saint-Saens, dành cho violin và dàn nhạc từ năm 1863.
Nguyễn Việt Trung khép lại chương trình với nhiều dư âm đẹp và cả sự luyến tiếc của người hâm mộ với Bản concerto cho piano số 2 cung F thứ, Op. 21 - khúc nhạc nảy mầm từ tình yêu thanh xuân của nhà soạn nhạc lừng danh Frédéric Chopin, được sáng tác từ năm 1829.
Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Giám đốc HGO: Chương trình hòa nhạc “Đất nước niềm vui” chào mừng Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 18 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Đây cũng là buổi diễn đầu tiên sau khi HGO khánh thành. Ban tổ chức rất vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại biểu Hội Cựu CAND Việt Nam, người có công với đất nước; các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh tiêu biểu; bác sĩ tiêu biểu trong phòng chống dịch; nhà báo, thanh niên, sinh viên, phụ nữ, vận động viên thể thao tiêu biểu; các đồng chí lao động xuất sắc và công dân ưu tú của thủ đô Hà Nội. Hi vọng, sau thành công của chương trình, HGO sẽ thường xuyên được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý đại biểu và quý khán giả đến dự các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại đây.
TS.NSƯT Bùi Công Duy, Giáo sư danh dự Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Trong chương trình “Đất nước niềm vui”, tôi biểu diễn tác phẩm được nhà soạn nhạc người Pháp Camille Saint-Sans viết cho violin và dàn nhạc giao hưởng. Đây là một trong những tác phẩm violin khó, đòi hỏi cao về kỹ thuật lẫn sự tinh tế trong biểu cảm, thách thức mọi nghệ sĩ biểu diễn. Bên cạnh sự nỗ lực của nghệ sĩ, những điều kiện thuận lợi từ cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng của HGO hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để có thể thăng hoa trên sân khấu và khán giả được thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn nhất. Không chỉ riêng tôi và tất cả những nghệ sĩ biểu diễn trong đêm 17/8 đều rất xúc động, tự hào. Trước đây, khi biểu diễn ở những khán phòng chuẩn mực của quốc tế, chúng tôi thường mơ ước Việt Nam có một khán phòng như họ.
Với HGO, đến nay, chúng tôi có thể tự hào “khoe” với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam đã có khán phòng biểu diễn chuẩn mực, thậm chí vượt qua nhiều khán phòng đẳng cấp khác. Bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng mong ước được biểu diễn trong không gian đặc biệt này.
NSƯT Đăng Dương, Trưởng Đoàn Ca nhạc mới của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam: Ngay từ khi bước chân vào HGO, cùng các nghệ sĩ tập luyện, chuẩn bị cho đêm biểu diễn 17/8, Đăng Dương đã rất xúc động, ấn tượng trước không gian và những trang thiết bị đẳng cấp thế giới tại đây. Những nghệ sĩ hát thính phòng như Đăng Dương nói riêng, những người làm nghệ thuật nói chung, thật hạnh phúc khi có một công trình về văn hóa đẳng cấp quốc tế như HGO. Chúng tôi rất cảm ơn TP Hà Nội, Bộ Công an, đã xây dựng một nhà hát đặc biệt tại một địa điểm đặc biệt, ở ngay Trung tâm TP Hà Nội. Được hát tại HGO cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji ở một địa điểm rất đặc biệt, trong những ngày tháng rất đặc biệt như thế này là ấn tượng mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời.