Đêm tự tình giữa đại ngàn Trường Sơn
Đêm 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy te te, 18 bản của người Ma Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình lại náo nức tổ chức“Lễ hội đập trống”để mừng mùa trăng mới.
Lễ hội độc đáo này được người Ma Coong tổ chức mỗi năm một lần để cầu cho bốn mùa mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, đồng thời khi những tiếng trống cất lên rộn rã, thúc giục trong đêm khuya giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhiều người đã tìm được bạn tình…
Đồng bào Ma Coong sống biệt lập trong thung lũng Trường Sơn ở khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đây, đời sống của bà con hoàn toàn dựa vào tự nhiên, cuộc sống “săn bắt, hái lượm” đeo đẳng tộc người này trong hành trình dài. Với sự chăm lo hết mình của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người dân, giờ đây đời sống của tộc người Ma Coong ngày một khởi sắc, trẻ em đã được đến trường, người Ma Coong ốm đau đã biết tìm đến trạm y tế xã. Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, bà con tộc người Ma Coong lại náo nức chuẩn bị cho “Lễ hội đập trống”, một lễ hội văn hoá truyền thống độc đáo thu hút đông đảo khách phương xa.
Đêm bên ánh lửa bập bùng, cái rét miền sơn cước níu chúng tôi ngồi xích lại gần nhau hơn. Và câu chuyện về “Lễ hội đập trống” được già làng Đinh Xon kể lúc to lúc nhỏ như tiếng suối chảy bên cạnh nhà sàn. Ngày xưa, nói là xưa nhưng Đinh Xon không biết, người Ma Coong không biết từ lúc nào chỉ nghe người trước kể lại cho người sau, ở Ma Coong xuất hiện con khỉ vàng và mỗi lần đến mùa thu hoạch của bà con thì nó lại nẫng tay trên các loại hoa màu. Già làng và dân bản họp nhau lại tổ chức đánh chiêng, trống để đánh đuổi con khỉ. Từ đó về sau, mùa màng của bà con bội thu và không bị phá hoại nữa. Tưởng nhớ già làng và các thế hệ đi trước, nên người Ma Coong mỗi năm tổ chức lễ hội một lần để tri ân. Và “Lễ hội đập trống” ngày một được tổ chức lớn hơn với nhiều nghi thức độc đáo hơn.
Khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy, ánh trăng rằm chênh chếch về bên thung lũng Trường Sơn, 18 bản làng người Ma Coong dắt díu nhau men theo lòng suối, men theo đường rừng về tham gia “Lễ hội đập trống”. Nhiều người Ma Coong sinh sống bên kia núi Trường Sơn ở nước bạn Lào cũng tìm đến chung vui. Trước lễ khoảng chục ngày, chính quyền địa phương và bà con dân bản đã tìm một khoảng đất rộng lớn, tương đối bằng phẳng ngay trước nhà sàn truyền thống của bản để tổ chức lễ hội. Bà con dân bản chuẩn bị mâm lễ với những đồ ăn, thức uống gần gũi với họ hàng ngày như xôi, thịt gà, rượu hiêng, ngọn mây, thân cây đoác… để cũng thần linh. Những người có nhiều công lao với bà con dân bản trong năm được chọn làm chủ lễ. Khi ánh trăng rằm lên đến đỉnh đầu, sáng vằng vặc chiếu khắp bản làng, núi rừng, người Ma Coong lặng thầm hành lễ. Lúc này trời đất và lòng người như giao hoà để hướng đến một năm mới tốt tươi cho mùa màng, và sức khoẻ cho mọi người.
Khi phần lễ kết thúc, cả núi rừng vang lừng tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo của bà con dân bản. Tiếng trống như dội vào đá, như xé toang không gian âm u của núi rừng. Những vò rượu lớn được mang ra, lúc này bà con dân bản và khách đến tham gia lễ hội như được hoà vào men say của rượu cần, rượu hiêng. Tiếng trống càng thúc giục, thì trai tráng và thiếu nữ của bàn làng càng háo hức. Người Ma Coong quan niệm phải đánh làm sao để trống bị vỡ trước khi trời sáng thì dân bản mới gặp may mắn trong năm. Và khi mặt trống vỡ, thì những đôi trai gái đang yêu nhau, thích nhau trong đêm lễ hội hoặc những cặp đôi không đến được với nhau họ được phép dắt tay nhau ra bờ suối, vào rừng trò chuyện, tâm sự, thổ lộ tình yêu hay dành cho nhau những âu yếm yêu thương…
Giữa núi rừng Trường Sơn, người ta dành cho nhau một đêm không có sự ghen tuông, giận hờn, chỉ có tình yêu nồng nàn đôi lứa. Và khi mặt trăng lặn dần về cuối trời xa, ánh mặt trời bắt đầu ló rạng, các cặp đôi bịn rịn chia tay nhau hẹn “Lễ hội đập trống” năm sau gặp lại. Từ đêm tự tình giữa đại ngàn Trường Sơn trong “Lễ hội đập trống” nhiều người đã nên vợ nên chồng. Nhiều cặp yêu nhau không đến được với nhau, họ đã dành cho nhau những tâm sự thầm kín, chất chứa trong lòng để rồi sau đó mỗi người về nhà mình lại sống tốt hơn, yêu thương hơn đối với người bạn đời bên cạnh…
Tiến sỹ Nguyễn Văn Trung, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, người nhiều năm gắn bó tìm hiểu về phong tục, tập quá của người Ma Coong cho rằng: Người Ma Coong đến với “lễ hội đập trống” cũng như bao tộc người người khác đến với lễ hội của riêng mình. Ở đó, họ muốn thể hiện mình với mọi người, nhất là được giao lưu chia sẻ với nhau, vì lễ hội đập trống là nơi thể hiện rõ tinh thần cộng đồng, biểu dương sức mạnh đoàn kết… Tất cả đều được thể hiện tập trung qua biểu tượng trống trong lễ hội cũng như trong đời sống của họ.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội là sự hòa quyện với nhau giữa con người với thiên nhiên, toát lên vẽ đẹp tự nhiên, độc đáo của bà con đồng bào dân tộc Ma Coong ở phía Tây tỉnh Quảng Bình.