Gần 40 đoàn khách quốc tế tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Thông tin từ Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến ngày 2/3, đã có 37 đoàn khách quốc tế với 229 người xác nhận tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10/3 đến 14/3.
Theo đó, đến thời điểm này đã có đại diện các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Australia, Mông Cổ, Morocco, Angola, Saudi Arabia tại Việt Nam; các Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, Campuchia, Cuba, Nga tại TP. Hồ Chí Minh; Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng. Lễ hội còn có sự tham dự của đoàn chính quyền các tỉnh Orkhon (Mông Cổ), Mondulkiri (Campuchia), Jeollabuk (Hàn Quốc) và Salavan, Champasak, Attapeu, Sekong (Lào) cùng các tổ chức, hiệp hội, cơ quan báo chí, doanh nghiệp quốc tế.
Bên cạnh đó, đã có 2 đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Lào), Jeollabuk (Hàn Quốc) đăng ký tham gia lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Dự kiến tối 11/3, Đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Lào) sẽ biểu diễn tại huyện Buôn Đôn, Đoàn nghệ thuật tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) sẽ biểu diễn tại huyện Lắk.
Theo Ban tổ chức, dự kiến các đoàn khách quốc tế sẽ tham dự các hoạt động chính như: lễ khai mạc, hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê, lễ hội đường phố, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới” và triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”, lễ bế mạc.
Các đoàn cũng sẽ tham quan mô hình trồng sầu riêng tại huyện Cư M’Gar và mô hình sản xuất, chế biến cà phê tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên; một số khu, địa điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk, như: buôn Ako Dhông, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu Du lịch sinh thái Ko Tam...
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cho biết, phát huy tính ưu việt, tiếp nối giá trị của 7 kỳ trước, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, các hoạt động được tổ chức có chiều sâu, nhiều hoạt động mới, chú trọng đến nội hàm cũng như giá trị văn hóa cà phê.
Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.