Hậu duệ đời thứ 5 tiết lộ hành trình trở thành họa sĩ của vua Hàm Nghi

14:00 12/11/2024

Cuộc đời của vua Hàm Nghi, đặc biệt là những năm tháng bị lưu đày ở Algiers được TS Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ 5 của ông tiết lộ vào ngày 12/11, trong buổi ra mắt cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bức tranh “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim” (Algiers) của vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là hoàng đế thứ tám của vương triều Nguyễn. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1888, vua bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algiers (thủ đô của Algeria) vào năm 1889. Ông sống tại một biệt thư trên khu đồi El Biar, cách Algiers khoảng 12 km, vẫn giữ theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời vào tháng 1/1944.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã được học hội họa và điêu khắc từ những bậc thầy như họa sĩ Marius Reynaud, nhà điêu khắc Léon Fourquet và Auguste Rodin. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm với những tình cảm dành cho quê hương Việt Nam và trưng bày tại các gallery ở Paris (Pháp).

Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài nghệ thuật gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác. Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

TS Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Chia sẻ tại sự kiện, TS Amandine Dabat đã chia sẻ nhiều thông tin về vua Hàm Nghi trong những năm tháng ông bị lưu đày, về hành trình ông trở thành họa sĩ và nhà điêu khắc, những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt của ông. Vua Hàm Nghi được họa sĩ Marius Reynaud đào tạo về mỹ thuật từ năm 1889. Marius Reynad dạy ông tại nhà riêng ở Algiers, theo mô hình Trường Mỹ thuật ở Paris, hai lần một tuần trong hơn 15 năm. Ông học các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, phấn màu, nghệ thuật vẽ chân dung, nghiên cứu khỏa thân, phong cảnh, tĩnh vật, cảnh quan kiến ​​​​trúc…

Vua Hàm Nghi cũng được Léon Fourquet đào tạo về điêu khắc từ năm 1895 ở Algiers, sau đó ông được Auguste Rodin đào tạo từ năm 1899 ở Paris vào ba tháng hè. Vua Hàm Nghi đã trưng bày các tác phẩm của mình 3 lần ở Paris: Năm 1904 tại Bảo tàng Guimet (phấn màu khô); năm 1909 tại Phòng trưng bày Devambez (bản vẽ); năm 1926 tại Phòng trưng bày Mantelet - Colette Weil (12 tranh phấn màu, 38 tranh sơn dầu, 8 tác phẩm điêu khắc).

Bức tranh “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim” (Algiers) của vua Hàm Nghi.

Theo TS Amandine Dabat, trước khi sang Algiers, vua Hàm Nghi chưa am hiểu về hội hoạ phương Tây. Sau khi bị lưu đày, ông mới bắt đầu theo học nhiều bậc thầy về mỹ thuật. Ông sáng tác nhưng không bán tác phẩm mà chỉ dành tặng người thân, bạn bè, thường không ký tên lên tác phẩm. Chỉ khi nào người được tặng đề nghị tác giả ký tặng thì ông mới ký tên. Vì vậy, hiện nay có những tác phẩm của vua Hàm Nghi nhưng không để tên tác giả, có tác phẩm lại ký tên ông.

Bà Amandine Dabat cũng cho hay, vua Hàm Nghi đến với nghệ thuật, sáng tác như một cách để khoả lấp nỗi buồn đau vì bị lưu đày, xa quê hương tổ tiên. Ông đã tìm thấy trong nghệ thuật một không gian tự do mà ông không có được trong cuộc sống hàng ngày. Những điều đó được thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm của vua Hàm Nghi. Nhận xét về tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi, TS Lịch sử nghệ thuật Nora Taylor đã viết: “Phong cảnh trong tranh của Hàm Nghi được xem là sự kết nối đến nguồn cội với tư cách là một người đang khao khát trở về quê hương.” 

Hậu duệ của vua Hàm Nghi giới thiệu tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

TS Amandine Dabat cũng cho biết, bà chọn bức tranh “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” để trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau khi đã tham khảo ý kiến với gia đình. Bà cho rằng, đây là một trong những tác phẩm quan trọng của vua Hàm Nghi. Tác phẩm được ông sáng tác năm 1908, miêu tả những đồi núi xung quanh biệt thự vua Hàm Nghi sinh sống cùng gia đình tại El Biar. 

Tháng 11/2024, bức tranh được gia đình vua Hàm Nghi lựa chọn để trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm ngay tại chính quê hương của ông, đồng thời sẽ mở đường cho việc trao tặng tác phẩm khác của vua Hàm Nghi, để công chúng Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về di sản nghệ thuật của ông. Bà trao tặng bức tranh này cùng với thời điểm phát hành cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” được dịch sang tiếng Việt. Đây là cuốn sách biên soạn từ luận án tiến sĩ của Amandine Dabat. Cuốn sách này giải thích và làm rõ về cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi, những ảnh hưởng của ông, sự phát triển phong cách của ông và mối liên hệ của ông với các nghệ sĩ lớn của thời đại.

Theo TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuât Việt Nam, việc tiếp nhận và trưng bày bức tranh “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và với nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhận nghĩa cử của gia đình vua Hàm Nghi hồi hương tác phẩm hội họa của nhà vua yêu nước, đồng thời tôn vinh những tấm lòng hảo tâm hiến tặng tác phẩm nghệ thuật cho Bảo tàng. Tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

TS Amandine Dabat là chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của vua Hàm Nghi). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp với đề tài “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”. Cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger” do TS Amandine Dabat biên soạn, là công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài hoa trong thời gian ông sống lưu vong tại Pháp và Algeria.

Hoa Nguyễn

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文