Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Mảng khó vẫn... chờ người sau!
Sau 12 ngày diễn ra liên tục tại TP Hải Phòng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã chính thức khép lại với lễ bế mạc và trao giải vào ngày 17/11. Trên 100 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giải thưởng khác đã được trao cho các đơn vị, cá nhân. Tuy nhiên, Liên hoan cũng cho thấy nhiều vấn đề của sân khấu Kịch hiện nay.
Nổi trội về kịch lịch sử, kịch về chiến tranh và hậu chiến
Được tổ chức sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức thành công tại Hải Phòng đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ sân khấu Kịch nói. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tổ chức liên hoan, qua những hình tượng trên sân khấu, chúng ta cảm nhận sâu sắc lòng yêu nghề từ các diễn viên. Họ đã biết gạt những vấn đề mưu sinh hằng ngày để đến với liên hoan bằng tất cả sự đam mê.
Tuy nhiên, điểm lại 20 tác phẩm dự liên hoan lần này, người trong và ngoài nghề không khó để nhận thấy, tác phẩm là kịch lịch sử, kịch về chiến tranh và thời hậu chiến chiếm số lượng lớn. Theo NSND Trần Minh Ngọc, tại liên hoan, có khá nhiều vở diễn thành công về chiến tranh và hậu chiến. Nếu “Thiên định” của Đoàn Kịch Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của người Mỹ đối với người dân Việt Nam thì “Hố đen” của Nhà hát Kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị cuốn vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen.
Vở “Con đò của mẹ” của Nhà hát CAND, vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là những tác phẩm thành công, khai thác về đề tài chiến tranh. Mảng kịch lịch sử có những tìm tòi thú vị như “Làm vua” (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật vua và hoàng hậu. “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam) là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung là một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ với những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cơ nghiệp nhà Trần. Văn học cũng được sân khấu hóa thành công với “Hoạn Thư ghen” - một tác phẩm kịch thơ được sáng tác từ truyện Kiều của Nguyễn Du và “Chí Phèo – Thị Nở” có cuộc sống thực, trở thành hình tượng nghệ thuật sân khấu.
Chưa khai thác sâu những vấn đề nóng bỏng của xã hội
NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đánh giá, các vở diễn về đời sống đương đại với những bức xúc, khiến người xem phải nghĩ ngợi, trăn trở, đối thoại để tìm câu trả lời còn ít. Tại liên hoan, khán giả cũng có một số vở diễn về đời sống đương đại như “Ngược chiều gió” của Nhà hát Tuổi trẻ khai thác xung đột giữa các thế hệ trong gia đình, hay “Đường chân trời” của Đoàn Kịch Hải Phòng nói về người phụ nữ trong xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc… Về mảng đề tài mang tính thời sự như chống tham nhũng, tiêu cực, liên hoan có “Vầng sáng” của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, “Trái tim thành phố” của Nhà hát CAND, “Tình bạn và công lý” của sân khấu Phú Thọ…
Các vở diễn này đã được đánh giá là khá thành công nhưng chưa khiến người trong nghề và khán giả thỏa mãn. Trong khi đó, dựng vở về mảng đề tài này đang bị cho là khó. Ngay NSND Lê Hùng, đạo diễn kỳ cựu, nổi danh làng kịch Việt nhiều chục năm, khi dựng vở “Trái tim thành phố” của Nhà hát CAND cũng từng chia sẻ rằng, làm kịch về chống tham nhũng, nhất là tham nhũng đất đai rất khó. Đây là vấn đề “nóng”, được nhiều người quan tâm, nhưng đưa lên sân khấu kịch là thách thức lớn. Nhiều chi tiết đạo diễn muốn đưa lên sân khấu nhưng cuối cùng lại bỏ vì lo vở diễn sẽ khó qua được Hội đồng kiểm duyệt.
Riêng vở “Trái tim thành phố”, ông đã phải đảo đi đảo lại tới 4 lần mới có được bản dựng trong ngày tổng duyệt. Đến khi đưa đến liên hoan, vở diễn tiếp tục được cắt gọt, chỉnh sửa rất nhiều, thậm chí bỏ cả một đoạn dài đã được dựng, tập luyện thành thục trước đó. Về vấn đề này, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng chia sẻ rằng, rất khó tìm được kịch bản có chất lượng như mong muốn về mảng đề tài nói trên…
Thực tế, việc thiếu vắng những tác phẩm khai thác những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương đại không khiến người trong nghề bất ngờ. Như chia sẻ của tác giả Nguyễn Hiếu trong dịp kỷ niệm 100 năm Kịch nói Việt Nam mới đây, rất nhiều năm qua, kịch mục của chúng ta hầu hết không phản ánh những gì đang được xã hội quan tâm.
Nói như NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là kịch của ta trong thời gian qua bỏ qua mâu thuẫn lớn mà chỉ phản ánh những mâu thuẫn nhỏ, rồi quay về đề tài lịch sử của những ông hoàng bà chúa. Trong khi đó, những vấn đề đang được xã hội quan tâm như cuộc đấu tranh chống tham nhũng và biết bao điều cần thiết khác của xã hội vẫn bị sân khấu thờ ơ, lảng tránh.