Long trọng khánh thành Nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế
Ngày 9/7, Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm (40 - 40A Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Dự lễ khánh thành có các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng… cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Nhà hát Opera hoàng gia Versailles, các hội văn học nghệ thuật, đông đảo nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng CAND.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Văn hoá có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo qua các thời kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của văn hoá, xác định văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Các Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc đều khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển đất nước.
“Chúng ta vừa kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hoá của Đảng. Chúng ta xác định văn hoá gắn với dân tộc, khoa học, đại chúng. Càng nghiên cứu Đề cương về văn hoá, càng thấy tầm nhìn của các vị lãnh đạo. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về văn hoá chỉ gói gọn trong mấy chữ nhưng hết sức sâu sắc. Văn hoá phải đi đôi với dân tộc, với khoa học. Văn hoá phải đại chúng. Mọi người phải được hưởng thụ văn hoá. Văn hoá có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách dân tộc ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, đất nước ta phát triển dựa vào nội lực là cơ bản. Quyết định cho nội lực của đất nước có 3 trụ cột chính: con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng. Con người vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực,vừa là trung tâm, vừa là chủ thể phát triển đất nước. Chúng ta không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà tất cả phải bổ sung, hòa quyện với nhau để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, văn hoá là bản sắc dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Hiện nay, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các công trình kinh tế chính trị xã hội, chúng ta đang quan tâm phát triển các thiết chế văn hoá, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, trình độ hưởng thụ văn hoá của nhân dân, qua đó thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, của quốc gia, dân tộc. Việc đầu tư xây dựng Nhà hát Hồ Gươm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa và cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Công trình không chỉ có ý nghĩa riêng cho lực lượng CAND, TP Hà Nội mà có ý nghĩa đối với việc cụ thể hóa đường lối của Đảng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, trong đó có lực lượng CAND.
“Tôi hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Công an và TP Hà Nội đã sắp xếp bố trí kinh phí xây dựng công trình văn hoá - Nhà hát Hồ Gươm bằng nhiều hình thức khác nhau. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước. Đây là một thiết chế văn hoá với không gian văn hoá nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống; có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; có kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hoá của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hoà bình. Có thể nói, đây là một trong những công trình kiến trúc văn hoá mang tính biểu tượng của lực lượng CAND và góp phần tô thắm biểu tượng của TP Hà Nội. Chúng ta thấy kết hợp giữa tính dân tộc với sự hội nhập quốc tế, truyền thống dân tộc với tinh hoa nhân loại trong quá trình thiết kế, xây dựng, thi công, đặc biệt là kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, kiến trúc, hội hoạ. Tôi thấy sự hoà quyện rất rõ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc hoàn thành xây dựng một công trình quy mô hiện đại như Nhà hát Hồ Gươm sau hai năm khởi công trong điều kiện đại dịch COVID-19 thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Công an, các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội, sự nỗ lực của các nhà thầu, thi công, để đảm bảo tiến độ chất lượng, công trình. Thủ tướng đồng thời đánh giá cao các nhà tư vấn đã trăn trở, cống hiến vì nghệ thuật, tìm ra giải pháp tốt nhất về mặt kiến trúc, nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng, hoà quyện giữa tính dân tộc và tính hiện đại.
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng đề nghị, sau khi công trình Nhà hát Hồ Gươm hoàn thành, cần tăng cường giao lưu giữa nhà hát trong nước và quốc tế mang đến những màn biểu diễn, góp phần nâng cao tinh thần vật chất của người dân. Nhà hát là nơi đào tạo, huấn luyện, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam đến bạn bè quốc tế; nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND, nhất là những người làm nghệ thuật. Nhà hát luôn sáng đèn vì nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ CAND và bạn bè quốc tế.
Tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm đã thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng chí Bộ trưởng cũng cho biết, những nội dung phát biểu của Thủ tướng, Ban tổ chức sẽ tiếp thu, triển khai thực hiện và tổ chức hoạt động, phát huy thật tốt giá trị của Nhà hát Hồ Gươm; đảm bảo lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước và bạn bè quốc tế.
Khẳng định công trình là tình cảm của lực lượng CAND với nhân dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, dịp này, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn đồng hành cũng Bộ Công an trong quá trình xây dựng Nhà hát Hồ Gươm, các cơ quan doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn thành công trình đúng tiến độ, cảm ơn các nghệ sĩ trong và ngoài nước đã đồng hành và tiếp tục sử dụng hiệu quả Nhà hát Hồ Gươm trong thời gian tới...
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Công an đã tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai dự án Nhà hát Hồ Gươm. Lãnh đạo Nhà hát Hồ gươm và Nhà hát Opera hoàng gia Versailles đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Ngay sau lễ khánh thành, các đại biểu và khán giả đã có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời cùng một số nghệ sĩ Nhà hát Opera hoàng gia Versailles, Nhà hát Ca múa nhạc CAND biểu diễn.
Với quy mô 5.000m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa giàu giá trị văn hóa bậc nhất của thủ đô Hà Nội, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ các điều kiện để trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, nơi đón các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn.
Nhà hát Hồ Gươm tạo ấn tượng bởi phong cách thiết kế theo lối kiến trúc tân cổ điển. Nhà hát có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật, các công trình phụ trợ khác.
Nhà hát toát lên chất châu Âu xưa, sang trọng và lộng lẫy từ 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà. Phương án chiếu sáng trần sảnh chính nhà hát lấy ý tưởng từ bầu trời đầy sao đêm với dàn đèn lộng lẫy khiến nhà hát về đêm lung linh đúng nghĩa một thánh đường nghệ thuật đến từ phương Tây.
Tuy nhiên, từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam, qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như: mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc, các họa tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… Đặc biệt ấn tượng là bức phù điêu “Huyền thoại Hồ Gươm” đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn vận hành tối thượng của một nhà hát đa năng đẳng cấp, Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng kĩ thuật tối tân, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu… Nhà hát có khả năng đáp ứng yêu cầu biểu diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, bale-múa, biểu diễn ca múa nhạc, hội thảo, show truyền hình... Các trang thiết bị âm thanh đều được đặt hàng riêng, tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại nhất thế giới.
Nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế đã khẳng định tâm huyết của Bộ Công an và TP Hà Nội trong việc kiến tạo nên một thiết chế văn hoá đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giáo dục thẩm mỹ không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND mà còn cho người dân Thủ đô cũng như cả nước. Tương lai không xa, Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành công trình biểu tượng về văn hóa, biểu tượng của du lịch Thủ đô và Việt Nam.