Một nhà báo gần 20 năm bền bỉ viết chân dung các liệt sĩ - nhà báo

07:59 23/07/2024

Nhiều năm miệt mài trên nhiều nẻo đường của Tổ quốc, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An đã “vẽ lại” chân dung của rất nhiều nhà báo đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Cùng với ý tưởng của ông, mới đây nhất, bài vị của hơn 500 liệt sĩ - nhà báo đã được đưa vào chùa Âu Lạc, TP Vinh. Nhưng nhà báo Trần Văn Hiền vẫn còn mong muốn làm nhiều điều hơn nữa chỉ với một tâm nguyện để những cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ – nhà báo không bị lãng quên.

Chúng tôi tình cờ gặp nhà báo Trần Văn Hiền trong những ngày cuối tháng 7, trong một cuộc giao lưu, tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ - nhà báo, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ đã cận kề. Nhà báo Trần Văn Hiền nói, ông cảm thấy nhẹ lòng khi trước đó ít ngày, lễ cầu siêu và đưa bài vị của hơn 500 nhà báo - liệt sĩ đã được hoàn thành. Đây là một dấu mốc đáng nhớ trong hành trình gần 20 năm ông kiếm tìm tư liệu, viết về các liệt sĩ - nhà báo.

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An.

Nhà báo Trần Văn Hiền nói, ông cũng từng là người lính, từng suýt chết vì bom Mỹ. Trong số đồng đội của ông, có những nhà báo chiến trường, đã hy sinh từ nhiều chục năm trước. Ông luôn day dứt khi nghĩ về những người bạn, người đồng nghiệp ấy nên tự nhủ mình phải viết về họ. Người đầu tiên là nhà báo, liệt sĩ Vũ Hiến, nguyên phóng viên Báo Hải quân Việt Nam. Khi tham gia đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Hiến đã hy sinh.

Không bằng lòng với những thông tin ít ỏi về người bạn, người đồng nghiệp của mình, năm 1997, ông Hiền lặn lội về huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, gặp vợ của nhà báo Vũ Hiến là bà Nguyễn Thị Thân. Tuy nhiên, bà Thân cũng không biết chồng bà đã hy sinh như thế nào. Mãi đến khoảng năm 2000, ông mới tìm được Trung tướng Nguyễn Văn Tình, người trực tiếp chỉ huy trận đánh có nhà báo Vũ Hiến tham gia. Cùng với sự giúp đỡ của Trung tướng Nguyễn Văn Tình, ông đã hoàn thành bài viết về nhà báo Vũ Hiến với rất nhiều chi tiết về thời khắc nhà báo hy sinh - những chi tiết mà chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ được.

Sau nhà báo Vũ Hiến, ông Hiền tiếp tục dành nhiều tâm huyết để tìm kiếm thông tin và khắc hoạ chân dung về nhiều nhà báo, liệt sĩ khác, trong đó có nhà báo Nguyễn Kôn, Phạm Hồ, Phạm Thị Ngọc Huệ, hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, nhà báo Trần Văn Thông… Càng tìm hiểu, ông càng thấy day dứt. Có những đợt vào chiến trường Quảng Trị có 7 nhà báo thì có đến 6 nhà báo hy sinh.

“Nhà báo vào chiến trường xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên đã để lại toàn bộ tài sản cho người thân. Hành trang họ mang theo chỉ có chiếc máy ảnh và cây bút. Họ đã sống, chiến đấu, lao động quên mình. Hành động của họ là hành động của người anh hùng. Nhiều người ngã xuống ngay trên xe tăng, tháp pháo. Nhiều trường hợp là danh sách bí mật. Nhà báo Phạm Hồ hy sinh thầm lặng và chỉ được phát hiện khi đồng nghiệp đến thăm. Nơi an nghỉ là một gốc trầm. Mãi sau này, hài cốt của nhà báo Phạm Hồ mới được tìm về.

Cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom” của nhà báo Trần Văn Hiền viết về các nhà báo - liệt sĩ.

Cũng theo nhà báo Trần Văn Hiền, hành trình gần 20 năm tìm kiếm thông tin về các nhà báo, liệt sĩ, ông nhận thấy có nhiều nhà báo hy sinh nhưng không tìm được hài cốt. Có những nhà báo, liệt sĩ rơi vào quên lãng. Ông Hiền gọi đó là những nhà báo “hy sinh 2 lần”. “Lần thứ nhất là họ hy sinh trên chiến trường. Lần thứ 2 là họ mất đi vì bị quên lãng. Theo tôi, sự hy sinh lần thứ 2 còn day dứt, ám ảnh hơn lần hy sinh thứ nhất. Khi tôi tìm đến gia đình hai anh em nhà báo Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, những người thân của họ đã mất, không có ai thờ tự”, ông Hiền nói.

Trăn trở vì sự lãng quên với các nhà báo, liệt sĩ, ông Trần Văn Hiền nhiều lần đề xuất lập bia tưởng niệm riêng. Ông Hiền cho biết, ông đã thống kê có 146 văn nghệ sĩ, nhà báo hy sinh dọc sông Thu Bồn nên đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 dựng bia và đã được đồng ý. Bia khắc để trong khuôn viên của cơ quan này. Sau này, ông vẫn tiếp tục kiến nghị ở nhiều hội thảo, diễn đàn khác. Ông vô cùng xúc động khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam có khắc tên hơn 500 liệt sĩ, nhà báo và có một nơi trang trọng để tưởng nhớ các nhà báo này. Bản thân ông đã có nhiều bài viết về các liệt sĩ - nhà báo. Tuy nhiên, đây là công việc cần nhiều thời gian và tâm sức.

Sau gần 6 năm, ông mới viết được chân dung 24 nhà báo. Với sự hỗ trợ của Hội Nhà báo Việt Nam, ông đã xuất bản tập sách “Dáng đứng dưới tầm bom”, viết về 33 liệt sĩ - nhà báo. Nhưng ông vẫn mong muốn, những cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ - nhà báo với những di sản vô giá mà họ đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau cần được biết đến rộng rãi hơn nữa.

Ông Hiền cũng đề xuất, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam nên tổ chức một cuộc thi viết về các nhà báo, liệt sĩ, vừa để thúc đẩy mở rộng tìm kiếm, công bố thông tin, tư liệu về họ, vừa là dịp để Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thêm tài liệu bổ sung cho bảo tàng sau này, từ đó phát huy tốt hơn nữa khối di sản mà các liệt sĩ - nhà báo để lại.

Ý tưởng của nhà báo Trần Văn Hiền đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều người trong giới, trong đó có nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bà Hoa cho biết, đây là ý tưởng rất hay và hy vọng, đây sẽ là một trong các sự kiện được tổ chức trong dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hoa Nguyễn

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Khoảng 16h ngày 18/11, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh đều sinh năm 2011, học sinh trường THCS xã Hiền Quang mất tích, hiện mới tìm thấy 1 thi thể.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文