Nhiều băn khoăn về tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ nhân

07:08 23/08/2023

Nhận thấy những bất cập của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 (Nghị định 62) về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 62. Mặc dù đã có những điều chỉnh nhưng dự thảo Nghị định lần này vẫn có những điểm còn băn khoăn với nhiều người.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí bắt buộc phải đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mới được phong danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú là chưa phù hợp với thực tế. Bởi từ bao đời nay, nhiều loại hình di sản luôn ở mức nguy cơ báo động khi không có người kế tục.

Phân tích rõ hơn về điều này, Nghệ nhân ưu tú (ca trù) Phương Hồng cho rằng, có những nghệ nhân giỏi thực hành, biểu diễn nhưng lại không có phương pháp sư phạm để truyền dạy thì việc không có học trò cũng là chuyện bình thường.

“Quy định này rất chung chung chưa cụ thể số lượng đào tạo là bao nhiêu người và khi xét rất dễ gây những tranh cãi không đáng có. Hơn nữa, quy định này có thể tạo ra những kẽ hở để các dịch vụ ăn theo như việc mở lớp dạy, tập huấn ngắn hạn tràn lan phát triển”, nghệ nhân ưu tú Phương Hồng trăn trở.

Chung sự băn khoăn đó, Nghệ nhân ưu tú tuồng Ngọc Huyền cho rằng, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác nhau thì tính chất truyền dạy cũng khác nhau, có khi học trò rất đông nhưng có khi chỉ 1 - 2 người. Mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể có đặc điểm khác nhau, không thể lấy số lượng loại hình này áp lên loại hình kia. Hiện nay, giới trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng nói riêng và sân khấu truyền thống nói chung nên việc tìm người đào tạo là rất khó, trong khi đó ở lĩnh vực nặn tò he, sáo diều… thì nhiều người theo học hơn.

Tiêu chí phải có “giải thưởng” cũng khiến nhiều nghệ nhân băn khoăn. vì có thể sẽ khiến nhiều nghệ nhân thiệt thòi. Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cho rằng, môi trường xã hội có bao nhiêu cơ hội cho hoạt động di sản để người thực hành có được “giải thưởng” mà làm hồ sơ nghệ nhân? Chưa kể với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền mang tính đặc thù, thế nào gọi là “thành tích” để họ phấn đấu? Ví dụ với nghệ nhân hát, kể trường ca các tộc Tây Nguyên, hiện nay chỉ còn số lượng đếm trên đầu ngón tay, việc kêu gọi thanh niên nghe họ hát đã khó chứ chưa nói đến việc có học trò theo nghiệp rồi với những nghệ nhân lão thành tìm đâu ra cái gọi “giải thưởng” để được phong tặng danh hiệu?

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng, để được xét phong danh hiệu nghệ nhân phải làm “Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu” rồi đi kèm là các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ và các giấy tờ khác liên quan đến huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen… sẽ gây khó khăn cho các nghệ nhân, bởi họ đều là người cao tuổi, nhất là nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số còn chưa biết chữ.

Nhiều người mong muốn việc xét phong Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân phải thật sự công tâm, khách quan, tránh bỏ sót những nghệ nhân có nhiều cống hiến.

Cũng đề cập đến những hạn chế trong dự thảo Nghị định, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, tiêu chí mặc định rằng muốn trở thành “Nghệ nhân nhân dân”, người thực hành di sản buộc phải đạt danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trước đó là chưa hợp lý. Như vậy, sẽ tạo ra sự bất cập với lớp nghệ nhân ở tuổi 80-90 muốn trở thành cấp “nhân dân” phải qua vòng “ưu tú”. “Bên cạnh đó, việc chi trả lương cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn được phong tặng chưa kịp thời. Như tại đợt xét phong lần thứ 3 đã diễn ra cách đây gần 1 năm nhưng cho đến nay có những nghệ nhân tại một số địa phương chưa nhận được tiền”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ nói.

Liên quan đến quy định thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên đối với Nghệ nhân nhân dân và thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên đối với Nghệ nhân ưu tú, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng chưa thuyết phục. “Một công chức Nhà nước về hưu nếu phải hoạt động 15 năm mới được công nhận Nghệ nhân ưu tú thì lâu quá, lúc đó họ đã quá cao tuổi hoặc đã mất. Hơn nữa, chúng ta không nên xét về mặt thời gian mà phải xét về mặt chất lượng họ đã hoạt động thế nào, có đóng góp ra sao…”, TS Trần Hữu Sơn lưu ý.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành cũng như xin ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định trên tinh thần cầu thị, khách quan, ngày càng chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu, tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ nhân có nhiều cống hiến. Theo dự kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào tháng 10 tới”.

Ngô Khiêm

Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) xác định, 7 người thợ xây sử dụng thang máy tự chế dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng đi từ tầng 4 xuống tầng 1, khi đi đến tầng 2 (cách mặt đất khoảng 3m) thì thang máy bị rơi tự do, dẫn đến cả 7 người bị thương.

Công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng Đào Văn Chinh, SN 1988, trú tại Tổ 2, khối 9, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc để điều tra làm rõ về các hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, khoảng đêm 18 và ngày 19/5, vùng hội tụ gió trên cao khả năng hoạt động mạnh trở lại. Và từ ngày 19-23/5, miền Bắc sẽ có mưa dông, có nơi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, trong đợt tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng mới đây của đơn vị, tại các tiểu khu 638S và 642 nằm trên địa bàn xã Hướng Sơn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đã phát hiện nhiều loại bom đạn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên ngòi nổ.

Ngày 17/5, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ Dương Quốc Quân (SN 1997), Dương Triệu Phú (em ruột Quân, SN 2004, cùng ngụ huyện Lấp Vò) và Tiêu Thái Hưng (cậu vợ Quân, SN 1993, ngụ huyện Lai Vung) để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng Internet.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文