NSND Đặng Thái Sơn xúc động tiễn biệt thân mẫu bằng tiếng dương cầm
Trong tang lễ nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân (NS.NGND) Thái Thị Liên tại Hà Nội, NSND Đặng Thái Sơn đã độc tấu “Hành khúc tang lễ” của Chopin để tiễn đưa thân mẫu về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngày 4/2, tang lễ NS. NGND Thái Thị Liên đã được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng gia đình tổ chức trang trọng tại Hà Nội.
Những người đến viếng NS.NGND đều dành những lời trân trọng nhất về bà. Ghi trong sổ tang, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã thay mặt lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ lòng thương tiếc, sự trân trọng và cảm ơn sâu sắc với những đóng góp của nghệ sĩ Thái Thị Liên đối với nền âm nhạc nói riêng và nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung.
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam viết: Chúng cháu là những học trò nhỏ của bác – NS.NGND Thái Thị Liên. Cuộc đời và sự nghiệp của bác là tấm gương sáng để các thế hệ văn nghệ sĩ mãi mãi noi theo…
Trong không khí xúc động của tang lễ, những người đến viếng đã lặng đi khi NSND Đặng Thái Sơn – con trai và cũng là một trong những học trò xuất sắc của NS.NGND Thái Thị Liên đã độc tấu piano “Hành khúc tang lễ” của Chopin. Gia đình ông cho biết, đây là nguyện vọng của NS.NGND Thái Thị Liên lúc sinh thời.
NS.NGND Thái Thị Liên sinh ngày 4/8/1918 trong một gia đình trí thức danh tiếng ở Sài Gòn. Cha của bà là ông Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp. Chị gái của bà là Thái Thị Lang, nghệ sĩ piano đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Nhạc viện Paris, là nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam và cũng là người Việt Nam đầu tiên có sự nghiệp biểu diễn quốc tế. Anh trai là luật sư Thái Văn Lung, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hy sinh năm 1946.
Theo truyền thống gia đình, bà bắt đầu được học đàn piano từ năm 4 tuổi và sau này nhiều năm được theo học với nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp ở Sài Gòn là Armande Caron. Năm 1946, bà rời Sài Gòn sang Pháp du học để theo đuổi con đường nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, tuy nhiên thời cuộc và hoàn cảnh gia đình buộc việc học hành tu nghiệp ở Paris bị gián đoạn cho tới khi bà theo chồng sang Tiệp Khắc năm 1949.
Chỉ trong vòng 2 năm, bà đã học và tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Praha, lớp giáo sư Ema Dolezalóva. Năm 1951, bà trở về chiến khu Việt Bắc, công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, tham gia Đội Hợp xướng Hòa bình năm 1954. Hòa bình lập lại, bà trở thành một trong những thành viên tích cực nhất tham gia đặt nền móng cho nền âm nhạc chính quy của nhà nước cách mạng còn non trẻ. Bà chính là một trong 7 nhạc sĩ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 và cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957.
Trong lời điếu đọc tại tang lễ, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Đối với NS.NGND Thái Thị Liên, Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, là ngôi nhà thứ hai, nơi bà đã gắn bó gần như cả cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Là người sáng lập Trường, bà cũng là Chủ nhiệm đầu tiên và lâu nhất của khoa Piano.
Trong suốt hơn 20 năm gắn bó kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán, bà đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sỹ piano. Nhiều người trong số đó đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo nổi tiếng như Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Kim Dung, Trần Thu Hà, Đặng Hồng Quang, Trần Thanh Thảo và Đỗ Hồng Quân... Nổi bật trong số đó là Đặng Thái Sơn, con trai của bà - người Châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.
Gắn liền với sự nghiệp đào tạo, bà đã có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ và coi đó là một phần không thể thiếu được trong đào tạo âm nhạc đặc thù. Bà đã biểu diễn không chỉ trong các khán phòng lớn đầy ánh sáng, mà còn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như những đêm nhạc chuyên đề dành cho học sinh và giảng viên trong trường.
Bên cạnh sự nghiệp đào tạo và biểu diễn, bà còn được biết đến như như một người trí thức tiêu biểu với một nền tảng văn hóa cao và sâu rộng, sở hữu một năng khiếu ngoại ngữ hiếm có. NS.NGND Thái Thị Liên từng tham gia tích cực phong trào trí thức yêu nước những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Trong những năm tháng hoạt động trong Phái bộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris, bà đã từng đại diện phụ nữ Việt Nam tại các các diễn đàn quốc tế của Phong trào Hòa bình Thế giới. Để ghi nhận những công lao đóng góp của NS.NGND Thái Thị Liên, Nhà nước đã phong tặng bà danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên năm 1984 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1990, Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 1980) Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 1998)…