Thiếu tá Trần Nam Chung, giám đốc điện ảnh CAND:

Phim "Đội điều tra số 7" mang màu sắc riêng của lực lượng Công an

07:21 14/12/2023

Ngày 14/12, Điện ảnh CAND, Cục Truyền thông CAND chính thức ra mắt bộ phim "Đội điều tra số 7". Đây là một trong những dự án phim đặc biệt hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng CAND và cũng là dấu mốc mới, đánh dấu sự trở lại của Điện ảnh CAND với mảng phim truyện. Chúng tôi đã cuộc phỏng vấn Thiếu tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh CAND quanh sự kiện này.

Phóng viên: Điện ảnh CAND "vắng bóng" nhiều năm trong mảng phim truyện. Vì sao đến thời điểm này, Điện ảnh CAND quyết định quay trở lại với mảng phim này, thưa anh?

Thiếu tá Trần Nam Chung: Điện ảnh CAND chính thức đi vào hoạt động, có bộ máy hoạt động đầy đủ từ năm 1970. Ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - thời kỳ đất nước có rất nhiều khó khăn và thế hệ cha anh đi trước đã có rất nhiều cố gắng để hoàn tốt các nhiệm vụ được giao phó trong mỗi giai đoạn lịch sử. Mỗi tác phẩm điện ảnh CAND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ sau này - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đều có tầm ảnh hưởng đối với đời sống người dân và có sức lan tỏa nhất định đối với lực lượng CAND trên cả nước, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của lực lượng CAND. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, của lực lượng CAND, Điện ảnh CAND có nhiệm vụ chính trị khác nhau. Vì yêu cầu, nhiệm vụ, trong một thời gian dài, Điện ảnh CAND không thực hiện các dự án phim truyện, phim điện ảnh. Đến nay, chúng tôi quay trở lại sản xuất phim truyện, phim điện ảnh để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục Truyền thông CAND là tập trung tuyên truyền cho lực lượng CAND bằng nhiều hình thức khác nhau để tiến tới kỷ niệm 80 năm truyền thống lực lượng CAND. Đây là dịp kỷ niệm có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử lực lượng CAND cũng như lịch sử dân tộc.

Thiếu tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh CAND.

Phóng viên: Những bộ phim về đề tài chính luận - hình sự luôn có sức hấp dẫn nhất định với khán giả. Đã có rất nhiều phim, nhiều đơn vị sản xuất khai thác thành công mảng đề này. Theo anh, "Đội điều tra số 7" có gì khác biệt so với các dự án phim trước đây để hấp dẫn người xem?

Thiếu tá Trần Nam Chung: Công an làm phim về Công an phải có sự khác biệt so với các đơn vị sản xuất khác. Chúng tôi lấy tiêu chí đó để làm kim chỉ nam cho các dự án của mình. Tất cả các nội dung phim truyện, phim điện ảnh mà Điện ảnh CAND sản xuất sẽ dựa trên các tình tiết, vụ án, câu chuyện có thật, các chuyên án lớn mà lực lượng CAND trên cả nước đã điều tra, khám phá.

"Đội điều tra số 7" là series hình sự, trinh thám, sản xuất theo mùa, mỗi mùa tổng hợp các vụ án khác nhau nhưng với nội dung kịch bản có móc xích và các nhân vật có liên quan đến nhau. Hiện nay, ngay cả những người sản xuất cũng chưa xác định thời điểm kết thúc series này. Bởi vì, đây là một dạng series phim không giới hạn về số tập và nó chỉ dừng lại khi chúng tôi nhận thấy món ăn tinh thần này đã vừa đủ. Các tình tiết, vụ án, diễn biến các quá trình điều tra, phá án của lực lượng CAND trong hiện tại, và tương lai gần sẽ là chất liệu để chúng tôi làm các phần phim tiếp theo của phim.

Phóng viên: Anh có thể cho biết, đến nay, "Đội điều tra số 7" đã sản xuất được bao nhiêu tập và kế hoạch sản xuất tiếp theo như thế nào không?

Thiếu tá Trần Nam Chung: Hiện tại chúng tôi đã hoàn tất mùa 1 với 15 tập. Nội dung mùa 1 xâu chuỗi 3 vụ án lớn đã xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Các vụ án có liên quan với nhau để tạo ra tình tiết, sự hấp dẫn cho bộ phim chứ không rời rạc theo kiểu kết thúc vụ án này, điều tra vụ án khác. Để hoàn thành 15 tập phim đầu tiên của "Đội điều tra số 7", chúng tôi phải trải qua gần 2 tháng ghi hình ở nhiều tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Nam. Bắt đầu là từ số 7 Thiền Quang, Hà Nội và một số các quận huyện khác của Thủ đô, sau đó là các tỉnh miền núi phía Bắc như là Điện Biên, Hòa Bình. Ở phía Nam, chúng tôi quay ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.… Nếu không có sự hỗ trợ của Công an các đơn vị địa phương, các đơn vị trong lực lượng CAND, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì nhiều yếu tố trong chuỗi quá trình điều tra phá án, bối cảnh phim rất phức tạp, từ địa hình miền núi đến biển đảo. Đoàn làm phim phải lăn lộn suốt cả một thời gian dài, quay ngày, quay đêm để đảm bảo nội dung của kịch bản. Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất mùa 2 với số lượng tương tự, khoảng 15 - 20 tập. Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ đón nhận phim ở mùa 1 và tiếp tục đón nhận phim ở mùa 2 với tâm thế hào hứng hơn nữa.

Phim "Đội điều tra số 7" do Điện ảnh CAND sản xuất.

Phóng viên: Ngoài "Đội điều tra số 7", Điện ảnh CAND có dự án phim nào khác không, thưa anh?

Thiếu tá Trần Nam Chung: Chúng tôi đang đặt ra khá nhiều mục tiêu, dự án. Ngoài phim truyện "Đội điều tra số 7", chúng tôi còn có một số dự án phim hướng tới kỷ niệm 80 năm truyền thống lực lượng CAND. Ví dụ như phim về phản gián, khai thác chuyên án C12 - chuyên án lớn của lực lượng an ninh trong giai đoạn đầu đất nước mới thống nhất. Chúng tôi cũng sẽ làm phim về tổ điệp báo A13 đánh chiến hạm Amyot D'Inville tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp. Đây là một chiến công rất đặc biệt, đã được đưa vào giảng dạy trong các trường của CAND. Với những trang thiết bị thô sơ, những chiến sĩ điệp báo đã làm nên điều phi thường, lập nên chiến công, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc…

Phóng viên: Với nhiều nhiệm vụ, dự án như thế, anh có thể cho biết, Điện ảnh CAND đã tổ chức triển khai như thế nào để có hiệu quả nhất?

Thiếu tá Trần Nam Chung: Với số lượng cán bộ, chiến sĩ hiện có, Điện ảnh CAND không thể tự đảm nhận hết tất cả các khâu trong quá trình sản xuất mà phải tìm hướng đi riêng, tiến hành tổ chức sản xuất một cách khoa học nhất. Chúng tôi luôn cố gắng xoay xở để với với chừng ấy con người, với mức đầu tư được cho phép của Bộ Công an, của Đảng ủy, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Ví dụ, với phim "Đội điều tra số 7", Điện ảnh CAND không đảm nhận hết tất cả các khâu sản xuất nhưng với những khâu then chốt như là nội dung thì chúng tôi phải làm toàn bộ. Vì nội dung phim có liên quan nhiều yếu tố, cả về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Như tôi đã chia sẻ, đây là phim Công an làm về Công an nên càng phải đảm bảo các yếu tố này. Kịch bản phim do đội ngũ biên kịch của Điện ảnh CAND chắp bút với sự góp ý của các chuyên gia điều tra, nghiệp vụ trong ngành Công an và nhiều chuyên gia điện ảnh trong nước. Chúng tôi hy vọng sẽ cho ra đời những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả, đồng thời đáp ứng yêu cầu của ngành Công an là nội dung đúng nghiệp vụ, chính trị và pháp luật. Chúng tôi xác định, trong quá trình sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin là với nhiệt huyết, sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh CAND, chúng tôi có thể hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn anh!

N.Hoa (Thực hiện)

Sau khi Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND thành phố Bắc Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nâng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn đang trong quá trình thực hiện, cần sự quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Tuổi trẻ CAND và tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương đã thể hiện rõ nét tinh thần tiên phong, xung kích đi đầu không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo, đồ dùng gia dụng Tân Tiến Phát tại Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Trong khi đó, người dân có đất bị thu hồi “kêu trời” vì không có đất sản xuất, trong khi tiền đền bù chưa được chi trả.

Với chủ đề “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2024”, Chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang tối qua (17/10).

Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển. Bởi nhiều lý do, cho đến thời điểm này, vấn đề vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô vẫn đang là những khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong vụ án này, các bi cáo bị truy tố về các tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội danh trên.

Ngày 31/10/1974, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Với vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, 50 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định luôn chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường trong nước và cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy, vấn đề này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文