Phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ” - Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị

09:34 30/04/2022

Sau nửa thế kỷ, sự kiện 81 ngày đêm khói lửa tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được Điện ảnh Quân đội nhân dân tái hiện trong phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ”.

Đạo diễn, Trung tá Phạm Thanh Hùng cho biết, nội dung phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ” tập trung vào cuộc chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng. Cuộc chiến đấu đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Sau 50 năm, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã lùi xa, nhưng ngọn lửa của cuộc chiến đấu này vẫn mãi cháy sáng trong những người cựu binh từng tham gia chiến đấu. Đó là ngọn lửa của tinh thần dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, là tình cảm đồng đội thiêng liêng với những người đã ngã xuống, là ngọn lửa của những người đã trải qua một phần tuổi trẻ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngọn lửa đó cần được trao truyền cho thế hệ mai sau.

Trước “Lửa từ Thành cổ”, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã có một số phim tài liệu về Quảng Trị trong những năm chiến tranh khốc liệt. Trong phim tài liệu lần này, ê kíp thực hiện chọn chuyển tải câu chuyện này qua lời kể của các nhân chứng một thời, song song với các tư liệu ảnh, phim về Quảng Trị năm 1972 và Quảng Trị hôm nay.

Phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ” - Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị -0
Thế hệ trẻ tìm về Quảng Trị, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Trong “Lửa từ Thành cổ”, khán giả có dịp gặp lại nhiều cựu chiến binh, những nhân chứng tại Quảng Trị những ngày đỏ lửa. Đó là cựu chiến binh Lê Bá Dương, tác giả của những câu thơ rất nổi tiếng: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”… Hoặc, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính – tác giả của rất nhiều bức ảnh về Quảng Trị thời điểm chiến tranh khốc liệt…

Có khoảng 10 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị cùng “kể” những câu chuyện về Thành cổ những năm tháng gian lao, anh dũng và rất nhiều những hy sinh, mất mát một thời. Nhiều hình ảnh ghi lại cuộc sống hiện tại của những người lính năm xưa với những sự sẻ chia, tình cảm ấm nồng, trân trọng dành cho nhau cũng được ê kíp làm phim cố gắng chuyển tải sinh động đến khán giả… Nhiều thước phim ghi lại hình ảnh Quảng Trị hôm nay, sự tri ân của thế hệ trẻ với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc.

“Thông qua bộ phim, chúng tôi mong muốn tinh thần yêu nước, ngọn lửa cách mạng của những người lính năm xưa tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ, để những người trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hoà bình, tiếp bước các thế hệ cha anh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đạo diễn Phạm Thanh Hùng chia sẻ.

“Lửa từ Thành cổ” do Phạm Thanh Hùng đạo diễn, Nguyễn Thu Dung viết kịch bản, Hà Hải Long quay phim; Trần Tùng, Nguyễn Thu Hương phụ trách âm nhạc; Lê Ngọc Chiến phụ trách âm thanh; Nguyễn Thế Phong – Chủ nhiệm phim. Bộ phim có thời lượng gần 30 phút, được chiếu lần đầu tiên vào ngày 29/4, trong hội thảo khoa học về Quảng Trị, dự kiến phát sóng phục vụ khán giả truyền hình vào tháng 6/2022.

N.H

Liên quan đến vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ cát ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn từ giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng lên mức trúng đấu giá bất thường là hơn 370 tỷ đồng, chiều 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về đấu giá".

Tiểu khu 416 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai được biết đến từ lâu là điểm “nóng” về khai thác vàng trái phép. Có những thời điểm nơi đây có đến hàng trăm người dân đổ xô vào khai thác vàng. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, đốt máy móc, lán trại… nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động.

Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, quê quán TP Huế, trú ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để điều tra làm rõ hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại điện Thái Hòa, Đại Nội Huế.

Vụ việc liên quan đến đối tượng Ngô Thị Theu (còn gọi là “Madam Ngo” hay “Bà Ngô”), một công dân Việt Nam, vừa bị Intepol, Cảnh sát Thái Lan và Công an Việt Nam phối hợp bắt giữ tại một khách sạn ở quận Watthana của Bangkok, Thái Lan (ngày 23/5), vì liên quan đến vụ lừa đảo tài sản mã hóa trị giá 300 triệu USD. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.