Sẵn sàng cho Lễ hội Đền Hùng năm 2023
Lễ hội Đền Hùng năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, tại Lễ hội có Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc khác cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ du khách về đất Tổ dịp này.
Đây là khẳng định của Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm 2023 trong buổi họp báo tại Hà Nội vào ngày 13/4 về khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Lễ hội năm nay do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 21 – 28/4 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngày hội chung của dân tộc. Ngoài thắp hương lễ Tổ, nhân dân cả nước về Phú Thọ dịp này còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Các hoạt động hội và Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương.
Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh diễn ra từ ngày 21 – 24/4. Tham gia Liên hoan có các đoàn nghệ nhân thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Liên hoan có nhiều hoạt động như giới thiệu hình ảnh, hiện vật, tư liệu di sản văn hoá phi vật thể đại diện của địa phương được UNESCO ghi danh; sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương; trình diễn di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và giao lưu khán giả, du khách tại không gian trưng bày của các đoàn.
Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng “Linh thiêng nguồn cội, đất tổ Hùng Vương”, lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và Liên hoan trình diễn các Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra vào 20h ngày 21/4 là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động năm nay.
Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, việc tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ với vai trò là Thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ (UBLCP) đã được quy định tại Công ước 2003; thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia ứng cử vào UBLCP; thực hiện Chương trình Hành động quốc gia đã được cam kết với UNESCO đối với di sản sau khi được ghi danh. Đây cũng là hoạt động thể hiện sự nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh, để thể hiện trong các Báo cáo định kỳ quốc gia; khẳng định vai trò quan trọng của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cũng như để đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội còn có hội nghị - hội thảo chủ đề “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”, Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam…
Trao đổi về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày diễn ra lễ hội, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Công an tỉnh Phú Thọ đã có các phương án đảm bảo an ninh và có phương án phân luồng giao thông từ xa nhằm tránh ùn tắc. Về vấn đề du khách có thể đến Phú Thọ rất đông trong dịp lễ có thể dẫn tới nhiều dịch vụ bị quá tải, tạo hình ảnh xấu xí cho du lịch, ông Thủy cho rằng, Phú Thọ không bị áp lực vì đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều năm.