Thẩm định phim nhập khẩu chiếu miễn phí trên mạng - Còn nặng tính hình thức
Việc thẩm định, giám định phim nhập khẩu để phổ biến phi thương mại trên không gian mạng, đặc biệt là phim nhập khẩu nhiều tập đang gặp nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng giám định chỉ mang tính hình thức.
Đó là khẳng định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong dự thảo tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP. Theo kế hoạch dự kiến, dự thảo được lấy ý kiến đến ngày 22/11.
Theo Bộ VHTTDL, Nghị định số 32/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh được ban hành khi các hình thức xem phim trên các nền tảng trực tuyến, không gian mạng chưa phát triển. Hiện nay, hoạt động phổ biến phim trên hạ tầng số tăng trưởng cao và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Việc xem phim và các chương trình chủ yếu qua hình thức xem theo yêu cầu trên Internet. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành, Nghị định số 32/2012/NĐ-CP chưa có quy định về việc cấp phép và thẩm định, giám định phim nhập khẩu để phổ biến phi thương mại trên không gian mạng. Cụ thể, việc giám định phim sau khi phim đã được phép nhập khẩu theo hình thức thẩm định nội dung từng tập phim là không phù hợp với quy định hiện hành. Bởi trên thực tế, một bộ phim truyền hình được nhập về có độ dài trung bình là 50 - 100 tập (nhiều phim có thể lên đến hàng trăm tập).
Cơ quan cấp phép không có đủ cán bộ và thời gian để thẩm định toàn bộ nội dung số lượng lớn phim như vậy trong khoảng thời gian 12 ngày làm việc như quy định hiện hành. Cơ quan cấp phép cũng không thể thành lập hội đồng để thực hiện công việc này, vì hiện nay thủ tục cấp giấy phép này không thu phí. Hơn nữa, bản phim nhận về từ Hải quan còn tem niêm phong đã được đơn vị đề nghị cấp phép phổ biến mang thẳng đến cơ quan giám định là phim nước ngoài nhưng chưa có phụ đề, thuyết minh tiếng Việt, nên công việc giám định hiện nay chỉ mang tính hình thức.
Các loại phim, các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác được ghi trên nhiều chất liệu, định dạng khác nhau. Ví dụ băng từ Sony 32 Digital betacam, băng cassette, băng video ghi hình, những loại băng này thường có thời lượng từ 3 - 6 tiếng đồng hồ.
Mỗi băng video có nhiều hệ, nhiều kích cỡ khác nhau. Để kiểm tra, giám định nội dung các loại băng ghi tiếng và ghi hình này cần phải sử dụng những phương tiện phù hợp mới có thể kiểm tra được. Tuy nhiên, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế nên khó khăn cho công tác thẩm định văn hóa phẩm nhập khẩu, đặc biệt đối với nhiều địa phương.
Để khắc phục các bất cập nói trên, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP, Bộ VHTTDL đề nghị điều chỉnh nhiều quy định, trong đó đề nghị đẩy mạnh phân cấp thẩm định về địa phương. Theo đó, Sở VHTTDL cấp giấy phép phổ biến phát hành phim do Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương nhập khẩu. Bộ VHTTDL chỉ cấp giấy phép cho phim để phổ biến, phát hành theo quy định của pháp luật trong toàn quốc.
Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu phải có bản dịch tóm tắt bằng tiếng Việt nội dung phim, từng tập phim đối với phim nhiều tập và cam kết chịu trách nhiệm về nội dung phim nhập khẩu không vi phạm quy định của pháp luật. Tổ chức nhập phim về Việt Nam có trách nhiệm cung cấp bản phim đã nhập khẩu và tờ khai hải quan. Cơ quan có thẩm quyền giám định cấp biên bản giám định phim căn cứ trên hồ sơ và tóm tắt nội dung từng tập phim. Cá nhân nhập khẩu phim tự chịu trách nhiệm với bộ phim do mình nhập khẩu.
Dự thảo cũng đề xuất, cơ quan cấp phép nhập khẩu phim có thẩm quyền thu hồi giấy phép nhập khẩu phim không nhằm mục đích kinh doanh khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định hiện hành. Các loại phim cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định phải theo một định dạng chung, phổ thông, tránh trường hợp những chất liệu, định dạng đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền không được trang bị thiết bị phù hợp để kiểm tra. Thời gian cấp giấy phép tăng lên 1 ngày. Cụ thể, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép….