Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ”:

Tôn vinh thế hệ vàng của mỹ thuật Việt Nam

09:01 25/02/2023

80 tác phẩm được sáng tác từ năm 1945 – 1954 của 30 họa sĩ thuộc thế hệ vàng của nền hội họa cách mạng Việt Nam được trưng bày trong triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội vào ngày 24/2. Được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hoá Việt Nam”, triển lãm mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho các văn nghệ sĩ, công chúng, đặc biệt là người thân của các họa sĩ trong ngày khai mạc.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 là văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, từ bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhân dân.

Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác từ 1945- 1954 trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó có 22 họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Từ những người con của mọi miền đất nước, các họa sĩ đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật, hay trực tiếp tham gia chiến đấu; lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác.

Hoà mình và tham gia vào những đoàn quân Nam tiến, dân công, Hội Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Bộ đội, du kích…, những người nghệ sĩ - chiến sĩ đã kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của đồng bào và quân dân cả nước.

Những tác phẩm có thể kể đến như: Dao găm rèn cho du kích (1945, Nguyễn Hiêm), Làm kíp lựu đạn (1947, Nguyễn Đỗ Cung), Kéo bễ lò rèn (1951, Trần Văn Cẩn), Đoàn kết chống xâm lăng (1947, Văn Giáo), Du kích Bến Tre (1948, Diệp Minh Châu), Dân công kháng chiến (1948, Lê Quốc Lộc), Dân công sửa chữa cầu đường (Tây Bắc) (1951, Nguyễn Sỹ Ngọc), Bộ đội nghỉ trong hang (1951, Tô Ngọc Vân), Lội suối (1952, Nguyễn Trọng Hợp), Tay bừa tay súng (1954, Huỳnh Văn Thuận), Đi cấy (1954, Nguyễn Văn Tỵ), Bộ đội và thiếu nhi (1950, Nguyễn Thị Kim), Lớp học bổ túc ở Quảng Nam (1948, Văn Giáo)… Đặc biệt, còn có bộ tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị, một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến. Sử dụng nhiều loại giấy có trong thời điểm đó, bằng các kỹ thuật ký họa chì, mực, vẽ màu nước, bột màu, in…, các họa sĩ đã thể hiện sự quyết tâm, hăng say, sáng tạo trong hành trình làm chiến sĩ, thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gánh vác trọng trách của đất nước.

Trao đổi quanh triển lãm này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông vô cùng xúc động khi đến triển lãm, ngắm các tác phẩm của các họa sĩ tiền bối. Các tác phẩm cho thấy những năm đẹp đẽ đầu tiên, đẹp nhất trong nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam. Ngay sau năm 1945, các nghệ sĩ đến với cách mạng, sẵn sàng phục vụ cách mạng.

Các họa sĩ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sự có mặt của các họa sĩ thế hệ vàng của Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ kháng chiến ở các chiến khu, tại các vùng tự do hay hậu cứ thời kháng chiến chống Pháp đã để lại dấu ấn đặc biệt bằng những nét vẽ, những tác phẩm về kháng chiến bằng tất cả những chất liệu có thể có được. Hôm nay, nhìn lại “những nét vẽ được hóa thạch” trên những trang giấy bé nhỏ của các họa sĩ, người xem cảm nhận được sự lựa chọn, tình cảm của người nghệ sĩ dành cho kháng chiến, những vẻ đẹp mới của người Việt Nam, từ người chiến sĩ, nông dân, dân công xung phong ra tiền tuyến… Có thể nói, nền hội họa cách mạng Việt Nam đã hình thành từ những họa sĩ của thế hệ vàng này, trong đó, danh họa Tô Ngọc Vân là người chiến sĩ đầu tiên của dân tộc Việt Nam nằmxuống trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sự hy sinh ấy, sự tận tụy hiến dâng ấy của thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam là bài học quý giá cho thế hệ hôm nay.

Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” là hoạt động giàu ý nghĩa để tôn vinh và tri ân thế hệ vàng – thế hệ đầu tiên của nền nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam, những người đã sử dụng bút vẽ, bảng màu làm vũ khí, đem năng lực, nhiệt huyết và sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Có một điều khá đặc biệt là triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” thu hút nhiều người thân, thế hệ con, cháu của các họa sĩ có tác phẩm trưng bày. Ngắm nhìn lại các tác phẩm của những bậc cha, chú trong gia đình, những vị khách đặc biệt này cho biết, họ vô cùng xúc động khi được nhìn ngắm lại tác phẩm của người thân được trưng bày tại triển lãm. Dừng chân bên bức tranh ký họa “Tiêu thổ kháng chiến” của họa sĩ Lê Quốc Lộc, họa sĩ Lê Trí Dũng - con trai của họa sĩ Lê Quốc Lộc, chia sẻ rằng, đứng cạnh tác phẩm, ông như thấy đứng cạnh cha mình, thấy hình bóng của cha trong những tháng năm kháng chiến. Từ ký họa đó, cha của ông đã vẽ tác phẩm sơn mài “Tiêu thổ kháng chiến”. Đây là tác phẩm mà cha ông dành nhiều tâm huyết. Khi ấy, ông Dũng mới 7 tuổi và được cha phân công làm một số công việc vào giai đoạn hoàn thiện, trong đó có đánh bóng tác phẩm. Đây cũng là tác phẩm mà ông được trực tiếp xem cha mình - họa sĩ Lê Quốc Lộc thực hiện từ đầu đến khi hoàn thành. Cũng theo họa sĩ Lê Trí Dũng, từ những ký họa chiến trường, sau này, cha của ông đã phát triển, vẽ rất nhiều tác phẩm khác. Hầu hết các tác phẩm này đều được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua ngay sau đó.

Ông Tô Ngọc Thảo, cháu của họa sĩ Tô Ngọc Vân cảm ơn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” và đã không quên công sức, sự đóng góp của các họa sĩ thế hệ trước. Khi ông Thảo được sinh ra thì ông nội đã hy sinh nên chỉ được biết về người ông tài hoa qua lời kể của người thân, sách báo. Đến với triển lãm, ngắm nhìn tác phẩm của các họa sĩ, ông Thảo như được gặp lại ông nội và những họa sĩ cùng thời của ông, hiểu hơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước, tiếp cận nhiều hơn với nền hội họa cách mạng trong giai đoạn đầu, về dân tộc, đất nước của một thời kỳ kháng chiến kiến quốc gian khổ và hào hùng đã qua.

Ngọc Nguyễn

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文