Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá trên nền tảng số
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, chương trình hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Việc chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng được đẩy mạnh ở mọi lúc, mọi nơi.
Chương trình đặt mục tiêu, đến năm 2030, 100% di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% di tích quốc gia đặc biệt, 100% bảo vật quốc gia, di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Trong đó, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích. 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Có nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt mục tiêu chương trình đề ra. Theo đó, cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật chuyên ngành di sản văn hoá, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Chương trình xây dựng hệ thống tiêu chí chuyển đổi số cho các thông tin dữ liệu ứng dụng trên phần mềm lưu trữ, bản đồ số và liên kết, khai thác dữ liệu đa chiều về di sản văn hóa thống nhất trên toàn quốc. Hệ thống này bao gồm bộ tiêu chí chung và các bộ tiêu chí về di tích văn hóa - lịch sử; danh lam thắng cảnh; di sản văn hóa phi vật thể; bảo tàng, hiện vật bảo tàng; hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia; di sản tư liệu; bản đồ số; độ ưu tiên cần số hóa cho các di sản, hiện vật, di vật theo nhu cầu của quản lý nhà nước và nhu cầu sử dụng của xã hội. Chương trình còn nghiên cứu, xây dựng thống nhất nền tảng kỹ thuật số chung về quản lý, bảo tồn các dữ liệu trong lĩnh vực di sản văn hóa; xây dựng phần mềm, ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu các di sản văn hóa trên nền tảng bản đồ số thống nhất VMAP…
Việc xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa, chương trình thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên cơ sở xây dựng mới và tích hợp cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng. Dự kiến, các dữ liệu số sau khi được các cơ quan, tổ chức chuyên môn đánh giá, thẩm định sẽ trở thành bộ phận quan trọng của tài nguyên số quốc gia, được cấp bản quyền (bao gồm bản quyền mở và bản quyền thương mại) và được kết nối đồng bộ với Hệ tri thức Việt số hóa để chia sẻ, sử dụng nhằm lan tỏa, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từng bước hội nhập quốc tế.