Nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Y là nghề, Văn là nghiệp

14:37 09/10/2015
76 tuổi, là tác giả của khoảng 40 đầu sách, nhiều năm trở lại đây, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được đông đảo bạn đọc yêu thích, gọi một cách trìu mến là nhà văn bác sĩ. Chia sẻ về tác phẩm, về chuyện nghề, bác sĩ mê viết sách này thừa nhận, với ông, “Văn là nghiệp, Y là nghề”.

Viết sách để… phòng, chữa bệnh

Hóm hỉnh và dễ gần, đó là cảm giác chung của bất cứ ai có dịp tiếp xúc với nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Trò chuyện nhân dịp ra mắt tập sách mới nhất – “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc”, ông bảo rằng mình thích được nhắc đến với đầy đủ cụm từ “nhà văn bác sĩ”. Lý do là ông mê văn từ thủa thiếu thời. Sau này, thi đỗ y khoa, theo ngành y, nhưng với ông, viết vẫn là đam mê.

Nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Độc giả của Đỗ Hồng Ngọc cũng rất đa dạng, từ trẻ em, người tuổi trung niên cho đến người già. Ông viết sách vì nhu cầu bản thân nhưng cũng vì nhu cầu bạn đọc – người bệnh. Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách, ông đều lồng ghép khá nhiều kiến thức y khoa, cách phòng, chữa bệnh. Nếu bạn đọc là trẻ em, ông có “Có một con mọt sách”. Bạn đọc là thanh thiếu nhi, ông có “Những tật bệnh thông thường của lứa tuổi học trò”, “Viết cho tuổi mới lớn”, “Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn”… Khám, chữa bệnh cho thai phụ, các bà mẹ trẻ, ông có các sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc”. Gần đây, ông có thêm khá nhiều đầu sách viết cho người tuổi già. “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc” là một trong số đó.

Tuổi cao, biết sống sẽ rất hạnh phúc

Nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể rằng, có một câu chuyện khá vui xung quanh việc ra đời tập sách mới. “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc” bắt đầu từ một bài viết có tựa đề “Già sao cho sướng?”. Đọc tựa bài, một người bạn là nữ giới hiểu nhầm. Để tránh bị bạn đọc “hiểu bậy bạ”, khi ra sách, ông phải thêm phần đuôi “Để có một tuổi già hạnh phúc”.

Thực tế, với ông, “không có già, không có trẻ”. Ở tuổi 76, ông không đặt vấn đề rằng quỹ thời gian của mình còn được bao lâu. Bởi lẽ, sinh, bệnh, lão, tử là quy luật tự nhiên. Thông thường, khi mới lớn, mình nhìn gì cũng đẹp. 20 tuổi, bắt đầu chựng lại. 30 tuổi bắt đầu thấy mình “đi xuống”, phải lo lắng công ăn việc làm, lập nghiệp. 40 tuổi, thấy mình “xuống” nữa vì phải lo phấn đấu sự nghiệp, đấu đá, tranh giành. 60 tuổi bắt đầu thấy mình “lên lại”. 65 tuổi như trở lại… tuổi 15.

Nhiều người thường sợ tuổi già nhưng tuổi cao, biết sống sẽ hạnh phúc. Vì tuổi này, con người buông bỏ, chỉ sống với hiện tại. Tất nhiên, để sống hạnh phúc, người già không chỉ biết chăm sóc sức khỏe thân thể mà còn cần đời sống tinh thần thoải mái, lành mạnh. Ngoài chế độ tập luyện, ăn uống khoa học, với người già, các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin liên lạc rất hữu ích nếu biết tận dụng đúng. Người già thường thiếu bạn, thấy mình thừa thãi, nhờ internet có thể kết nối với bạn bè, người thân…

Nhà văn bác sĩ cũng chia sẻ, bằng kinh nghiệm bản thân, ông nhận ra người già và trẻ em “dễ bị dụ” (dụ dỗ - PV) như nhau. Nhiều người già thường hay “mè nheo” con cháu mua cho cái này, cái khác, trong đó có rất nhiều sản phẩm chức năng được quảng cáo bồi bổ sức khỏe. Nếu con cháu không mua sẽ bị chê là bất hiếu. Nhiều người bệnh đến với ông khi trong nhà “chất đầy” các sản phẩm chức năng. Tuy nhiên, với vai trò bác sĩ, ông có lời khuyên thật lòng rằng không nên tin tưởng vào các quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay. Cách phòng, trị bệnh tốt nhất là chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lựa chọn thực phẩm tươi ngon, sạch, hạn chế tối đa các loại thức ăn nhanh…

Nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết, ông sẽ tiếp tục viết và ra mắt bạn đọc một số tập sách theo gợi ý của độc giả và cũng là người quen: Sống sao cho đẹp; Bệnh sao cho nhẹ và Chết sao cho sướng…

N.Hoa

Trong các buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành tại TP Hồ Chí Minh - hoạt động quan trọng đặc biệt trước đại lễ kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - màn trình diễn hoành tráng của lực lượng CAND không chỉ thu hút sự chú ý của người dân thành phố mang tên Bác mà còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế…

Sau khi Thông tư số 29 về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có hiệu lực, số lượng trung tâm dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội tăng đột biến. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 15.000 trung tâm, hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm, học thêm.

Sau gần hai tháng tiếp nhận nhiệm vụ mới, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã nhận được nhiều lá thư cảm ơn từ các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, ghi nhận sự hỗ trợ tận tình trong quá trình thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành khác ở miền Bắc hôm nay được dự báo có mưa dông, đan xen trời nắng trong ngày, trời mát mẻ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày trời nắng nóng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/4 tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày vào tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô và các đồng minh trong Thế chiến thứ hai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.