Kia
Mobifone

Thư viện lạ kỳ: Tôi không đi tìm sách

Thứ Tư, 07/09/2022, 12:47

Đó là một ngày mưa tại Muncie, bang Indiana, Mỹ. Một phụ nữ trung niên bước vào tiệm café để gặp gỡ Charlize Jamieson - một người chuyển giới. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai người lạ được sắp xếp bởi một thư viện lạ kỳ - nơi độc giả được quyền mượn một  nhân vật để lắng nghe, hoặc được lắng nghe. Và Jamieson là một trong số những cuốn sách "sống" trong thư viện ấy.

Gặp định kiến để xóa bỏ định kiến

Một nhà hoạt động nữ quyền gặp gỡ một phụ nữ Hồi giáo trong chiếc khăn trùm đầu hijab và hỏi rằng chiếc khăn ấy là sự lựa chọn, hay sự bắt buộc. Một nhà hoạt động về biến đổi khí hậu gặp gỡ một người trẻ với niềm tin rằng những dòng tin về việc trái đất nóng lên thực ra chỉ là trò lừa phỉnh. Và một phụ nữ theo đạo Cơ đốc, gặp một phụ nữ chuyển giới, để giãi bày rằng cô đang sống trong tội lỗi như thế nào.

ảnh 1.jpg -0
Các độc giả sẽ được gặp trực tiếp những cuốn sách của Thư viện Con người để lắng nghe hoặc được lắng nghe. Ảnh: Human Library

Những cuộc gặp ngẫu nhiên đầy trái ngược ấy đã diễn ra, đôi khi là chỉ trong 30 phút, đôi khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhờ sự hỗ trợ của "Thư viện Con người" - nơi không nhận đặt hàng những cuốn sách, nhưng nhận cho mượn những con người - những nhân vật bước ra từ cuộc đời, mang theo câu chuyện. Charlize Jamieson đồng ý trở thành một "cuốn sách" trong Thư viện Con người với kỳ vọng khơi dậy sự đồng cảm của cộng đồng. "Có những góc cạnh thật xù xì về cuộc đời ai đó, và mọi người xung quanh hình thành quan điểm về họ chỉ dựa trên những gì người khác nói hoặc những gì tin tức nói", định nghĩa thô mộc được Jamieson đưa ra về những định kiến mà cô và nhiều người trải qua. "Tôi lựa chọn đối diện sự xù xì ấy, biến mình thành chiếc giũa móng tay, giũa đi những góc cạnh thô ráp này", Jamieson diễn tả cách mà cô đã tham gia Thư viện Con người như thế nào.

Jamieson không phải là cuốn sách duy nhất có trên kệ sách của Thư viện Con người. Khởi nguồn từ một ý tưởng từ năm 2000, Thư viện Con người "xuất bản" những nhân vật mang theo tri thức mở, để độc giả được quyền đặt câu hỏi về cuộc sống và trải nghiệm của những nhân vật đại diện ấy, và tiếp nhận tri thức về một vấn đề theo cách bao dung hơn. Ở Thư viện Con người, những khuôn mẫu và định kiến hoàn toàn có thể bị thách thức bởi những câu chuyện có thật. Nơi ấy, độc giả được quyền "truy cập" những cuộc trò chuyện mà thường ngày họ không được, hoặc không nghĩ mình sẽ biết tới. Chỉn chu và nhân văn, Thư viện Con người có chiến lược lựa chọn "sách" của riêng mình. Mỗi cuốn sách trên giá sách của thư viện đại diện cho một nhóm người thường gánh chịu định kiến, kỳ thị hoặc phân biệt đối xử trong xã hội vì lối sống, niềm tin, khuyết tật, địa vị xã hội, hay nguồn gốc của họ. Vì thế, độc giả có thể ngồi xuống và đọc những cuốn sách mang tên "Tự kỷ", "HIV", "Khiếm thính và Khiếm thị", hay "Thất nghiệp"... Yên cầu duy nhất khi đọc chỉ là "đừng đánh giá cuốn sách chỉ bởi một trang bìa". "Tôi đã có một giả thuyết rằng một thư viện như thế có thể vận hành trong cộng đồng, nơi mọi người được chào đón, cho dù bạn giàu hay nghèo, vô gia cư hay sống trong lâu đài, giáo sư hay người mù chữ", Ronni Abergel, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo người Đan Mạch, người sáng lập Thư viện Con người, chia sẻ. Từ một ý tưởng vào năm 2000, Thư viện Con người của Abergel giờ đây sở hữu những "cuốn sách" bán chạy nhất thế giới, với các sự kiện đọc sách tổ chức ở hơn 80 quốc gia, trong các thư viện, bảo tàng, lễ hội và trường học, với hơn 1.000 "cuốn sách" thuộc 50 ngôn ngữ.

Và dù ở đâu, thì quy tắc đọc sách tại Thư viện Con người rất đơn giản: Tôn trọng sách, luôn tò mò, mang sách về kệ đúng thời gian và trong tình trạng như khi "cuốn sách" được đưa đến bạn. Đặc biệt nhất, cuốn sách và độc giả có quyền kết thúc thời gian đọc bất kỳ lúc nào. Nhà sáng lập Ronni Abergel cho biết Thư viện Con người tạo ra một không gian "nơi bạn có thể bước vào, mượn một con người và nói chuyện với họ về một chủ đề thật hóc búa. Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn mọi người nói về những vấn đề mà bình thường họ sẽ không nói đến hoặc có khả năng không muốn nói đến, nhưng cần phải nói đến". Trong một thế giới ngày càng phân cực, Abergel muốn sáng kiến của mình giúp mọi người "bớt e ngại, cởi mở hơn, hiểu hơn và chấp nhận quyền được khác biệt". Tuy nhiên, anh khẳng định, Thư viện Con người không nhằm thúc đẩy sự đa dạng hay chống lại định kiến.

ảnh 3.jpg -0
Một "cuốn sách" mang tên "Vô gia cư" trong tủ sách của Thư viện Con người. Ảnh: Human Library

"Chúng tôi mở ra một không gian học hỏi trung lập, nơi có cơ hội để bạn tham gia, tìm hiểu về bản thân và các nhóm khác. Những gì bạn học và những gì bạn làm với việc học của bạn là hoàn toàn trong tay của bạn".  Thư viện Con người không kỳ vọng xóa bỏ định kiến, nhưng trao người đọc cơ hội đối diện định kiến, để lựa chọn hành vi của mình với chính vấn đề ấy. Karem, một độc giả trung thành của thư viện, lưu giữ sâu sắc những trải nghiệm của mình: "Được nhìn và lắng nghe cuộc đời của nhân vật, để rồi thấy chợt như toàn bộ câu chuyện đang diễn ra trước mắt bạn, là điều thật cảm động". "Những cuốn sách giúp tôi nhận ra rằng, cuối cùng thì dù chúng ta có mang những danh xưng khác nhau, đến cuối ngày, chúng ta vẫn chia sẻ những điểm chung hiện hữu của con người", Karem bày tỏ.

"Đọc" sách bằng những câu hỏi khó

Mọi người được khuyến khích "đặt những câu hỏi thực sự khó", nhà sáng lập Albergel nói. Iben - một nạn nhân của lạm dụng tình dục - là một trong những "cuốn sách" trên kệ sách của Thư viện Con người - đồng ý với nhận định này. Những người "mượn" Iben có thể lựa chọn đọc một trong ba cuốn sách mang các chủ đề: nạn nhân lạm dụng tình dục, sống chung với rối loạn nhân cách, hoặc rối loạn căng thẳng nghiêm trọng sau chấn thương. Song, dù khuyến khích đặt câu hỏi, những "cuốn sách" cũng có những giới hạn mà họ từ chối trả lời. "Trong trường hợp đó, tôi sẽ nói rằng những trang này vẫn chưa được viết", Iben nhớ lại. Nhưng, trong suốt 4 năm nằm trên kệ sách của Thư viện Con người, Iben chưa từng gặp trải nghiệm tồi tệ nào khi đối diện độc giả của mình. "Tất cả các buổi đọc sách của tôi đều khác nhau," và giúp tôi hoàn thiện hơn cuốn sách của mình theo năm tháng. Iben đã đồng hành với Thư viện Con người ngay cả khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ, và trên toàn thế giới. Những cuốn sách và các "thủ thư" của thư viện không coi đây là thách thức, mà là cơ hội để vượt qua những định kiến, rằng công nghệ đang đẩy chủ nghĩa cá nhân và sự kết nối con người đi xa hơn. Đại dịch COVID-19 giúp Thư viện con người củng cố vững chắc hơn sứ mệnh của mình, nhất là khi con người phải khóa mình trong nhà và những tương tác trực tiếp gần như không có. Thư viện con người đã lựa chọn mở ra những trang sách ảo, để tăng cường kết nối người với người nhiều hơn, với những buổi đọc sách ảo.

Vậy, mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào? Khi màn hình sáng lên, một người dẫn chương trình xuất hiện với danh xưng "thủ thư". Gian phòng của thư viện chào đón 43 độc giả, với lời khuyến khích rằng họ có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào, miễn là với sự tôn trọng. "Mỗi cuốn sách sẽ chỉ được đọc trong 30 phút, vì thế xin đừng lãng phí thời gian", thủ thư nhắc nhở, trước khi những trang sách lần lượt được mở ra. Không gian thư viện ảo trở nên trầm lắng trong vài phút, cho đến một người đàn ông có bờ vai rộng với mái tóc bạc phơ xuất hiện. Ông là cuốn sách "Người sử dụng xe lăn". Trong 30 phút tiếp theo, các độc giả liên tiếp đặt câu hỏi: Ông cảm thấy thế nào khi đi học khi còn nhỏ? Tôi nên giúp đỡ người khuyết tật như thế nào ở nơi công cộng?... "Người sử dụng xe lăn" trả lời tất cả, cho đến khi đồng hồ thông báo 30 phút đọc cuốn sách đầu tiên kết thúc. Đèn tắt. Thủ thư chọn từ kệ sách ảo cuốn sách thứ hai, màn hình hiện ra một phụ nữ trẻ có tiêu đề sách là "Rối loạn ăn uống". Cô đã dành 30 phút để giải thích chi tiết về việc cô ấy giảm từ 400 pound xuống 100 pound bắt nguồn từ lời nhận xét tàn nhẫn của một người chú về cân nặng của cô. Và cứ thế, các trang sách được mở ra, bởi độc giả này, rồi độc giả khác, với những chi tiết đôi khi là sâu thẳm nhất trong cuộc đời nhân vật của Thư viện Con người. Buổi đọc sách, gồm 8 cuốn sách khác nhau, từ tự kỷ, nhà hoạt động da đen, tới chuyển giới, dân tộc thiểu số và Hồi giáo, khiến người đọc không thể rời mắt. Những người nghe, đôi khi gật đầu đồng ý, đôi khi nở nụ cười khích lệ, và đôi khi thảng thốt bất ngờ, khi lật giở từng trang sách về cuộc đời của nhân vật. Trong phút chốc, công nghệ giúp người ta xích lại, hơn là đẩy ta xa nhau. Thư viện Con người đã vượt qua COVID-19 với những tương tác sâu đến thế.

Không ai khẳng định được rằng một cuộc trò chuyện 30 phút có thể thay đổi suy nghĩ hay quan điểm của một cá nhân. Thư viện Con người cũng vì thế mà không đi tìm giải pháp để thay đổi định kiến. Thay vào đó, thư viện kỳ lạ này chọn cách tạo ra tác động, với cả độc giả lẫn chính cuốn sách của mình, thông qua việc thúc đẩy sự đồng cảm và thấu hiểu nhờ tương tác trực tiếp. Một cuộc trò chuyện với một người xa lạ có vẻ như không quan trọng, nhưng lựa chọn đối diện chính thứ mà ta định kiến, có thể làm đa dạng và khách quan hơn suy nghĩ của chính chúng ta, trong một thế giới vận động bất định không ngừng.

An Nhiên

.
.