Kịch bản trình báo cướp giả để trốn nợ
Những ngày qua, H. đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến ANTT, khiến gia đình cậu ta xấu hổ, buồn lòng, giáo viên, bạn bè cùng khóa biết chuyện cười chê, các bậc phụ huynh thì giật mình, lo lắng, vội phải xem lại cách quản lý, giáo dục con em mình…
Sự việc xảy ra vào đầu tháng 12-2017, Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhận được tin cấp báo: Một nam sinh viên đại học trên đường từ nhà đến giảng đường đã bị 2 tên cướp kề dao vào cổ, trấn, cướp 19,2 triệu đồng…
Theo trình báo thì "nạn nhân" là em Trần H. Vào khoảng 14h ngày 27-11, H. đã đi rút 18 triệu đồng tiền gia đình gửi, cộng thêm trong người còn 1,2 triệu đồng nữa, bỏ tất cả vào ba-lô để đi "nộp học phí" cho nhà trường và thanh toán nhiều khoản chi phí khác.
Trên đường đi từ đoạn Bạch Đằng đến khu vực Cảng Sông Hàn, H. bị hai tên cướp bịt mặt "theo dõi", bám theo rồi ép ngã xe. Tên ngồi sau đã nhảy xuống khống chế, dùng một vật cứng đánh vào đầu H., sau đó kề dao vào cổ và đe dọa không được kêu la, nếu không sẽ bị giết.
Đối tượng Nguyễn S.T tự tung tin cướp giả để lấy tiền chơi cá độ bị tạm giữ tại cơ quan điều tra. |
Tiếp đó, hai tên cướp yêu cầu H. điều khiển xe về phía đường Như Nguyệt. Tại đây, chúng đã dùng dao cứa vào cổ H. nhiều nhát, nhanh chóng chiếm đoạt ba-lô rồi phóng xe trốn mất dạng…
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, xác định vụ án có tình tiết phức tạp, lại xảy ra ngay giữa ban ngày ở trung tâm thành phố nên Công an phường Thạch Thang nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Công an quận Hải Châu để phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) của quận làm rõ vụ việc.
Tuy nhiên, qua điều tra xác minh, ngoài lời khai và 2 vết thương do vật nhọn gây ra trên cổ của sinh viên H., thì kết quả khám nghiệm "hiện trường vụ cướp", các điều tra viên không hề thu thập thêm được những dấu hiệu nghi vấn nào.
Qua trích xuất toàn bộ hình ảnh camera an ninh trên địa bàn phường Thạch Thang, Thuận Phước trước, trong và sau thời điểm H. báo cáo bị trấn, cướp, lực lượng điều tra cũng không ghi nhận được vụ việc nào như lời khai của người bị hại… Từ bất hợp lý này, Đội CSHS đã quay trở lại làm việc với H. và lật tẩy màn kịch vụng do cậu sinh viên này tự dựng lên.
Tại cơ quan điều tra, sau một hồi loanh quanh, cuối cùng H. cũng phải thú nhận sự thật: H. hiện là sinh viên năm cuối nhưng lại lo ăn chơi, tiêu sài hơn là ôn luyện để chuẩn bị thi tốt nghiệp, do vậy bao nhiêu tiền bố mẹ chắt bóp để đưa cho con nộp học phí và trang trải các khoản học hành, H. đều nướng sạch, thậm chí còn vay mượn thêm bạn bè.
Cho đến khi, vào chiều 27-11 là buổi học cuối cùng của môn, nhưng do còn nợ nhà trường khoảng 14 triệu đồng tiền học phí nhiều kỳ nên chắc chắn 2 tuần tới H. sẽ không được dự thi tốt nghiệp. Quẫn bách, H. liền nghĩ ra kế dựng lên một câu chuyện bị cướp, đóng vai nạn nhân hòng qua mặt gia đình, tiếp tục xin tiền đóng học phí.
Để thực hiện kế hoạch, H. đến một cơ sở bán vật tư y tế mua 5 lưỡi dao mổ, sau đó đến khu vực đường Như Nguyệt dùng 1 lưỡi dao đâm vào bụng mình mấy nhát nhưng vì "sợ đau" nên chỉ đâm nhẹ. Thấy không đủ "thuyết phục" cho màn kịch, H. tiếp tục dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho chảy máu rồi vứt cả 5 lưỡi dao mổ bên vệ đường và trở về nhà loan báo tin bị cướp.
Vượt ngoài định liệu của H., thay vì vội vàng đưa tiền cho con trai đi nộp học, khi thấy con trai bị cướp, bộ dạng đầy thương tích, loang lổ máu trở về nhà, gia đình vội đưa H. lên Công an phường trình báo sự việc và nhờ truy tìm hai tên hung thủ cùng toàn bộ "tài sản" bị cướp của H…
Ly kỳ và hài hước hơn cả vụ bị "trấn, cướp giả" của cậu sinh viên Trần H., vụ việc sau đây tuy "kịch bản" có phần tương tự nhưng đã khiến các cán bộ, chiến sĩ Công an phải một phen vất vả công sức điều tra mới vạch được chân tướng xảy ra tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trước đó, vào đêm 4-6-2017, Nguyễn S.T (22 tuổi, trú KP.1, phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã trình báo mình bị cướp tài sản.
Cụ thể, vào chiều 4-6, khi điều khiển xe máy BKS 74H4 - 89. lưu thông theo đường Hồ Chí Minh hướng Gio Linh - Cam Lộ, T. đã bị 2 kẻ bịt mặt điều khiển xe không biển số, ép sát và dùng dao khống chế. Sau đó, T. bị hai đối tượng trên trói vào gốc cây, cướp xe máy, dây chuyền, đồng hồ đeo tay và số tiền 2,5 triệu đồng.
Cho mãi đến 19h cùng ngày, T. mới được một người dân chăn bò tình cờ đi ngang qua giải cứu, mở dây trói… Ngay khi tiếp nhận trình báo của "nạn nhân" T., trong đêm 4-6, Công an huyện Cam Lộ và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị) đã lập tức vào cuộc, điều tra để "truy tìm" các đối tượng gây án… Và rồi sự thật về vụ cướp táo tợn cùng màn kịch tự gây thương tích và báo cướp giả của T đã bị vạch trần.
Tại cơ quan điều tra, "nạn nhân" Nguyễn S.T đã phải thú nhận "Làm nghề ship hoa cho gia đình, nên số tiền trong túi của T. rất hạn hẹp. Đã vậy, S.T lại mê cá độ, đánh bạc trên mạng internet. Vào ngày 4-6, khi anh ta nhận chuyển vòng hoa cho khách hàng đến nghĩa trang, thay vì thu tiền hoa đem về nhà, T. lại tạt vào quán internet cá độ hết toàn bộ số tiền.
Vẫn còn cay cú, T. tiếp tục đem bán sợi dây chuyền đeo trên cổ, cầm luôn cả chiếc xe máy đang đi được 1,5 triệu và rồi nướng hết vào trò đỏ đen trên internet. Đến cuối chiều, S.T đành bắt xe ôm lên đoạn đường Hồ Chí Minh, tự đánh vào mặt mình cho bầm tím, tự ngã xuống đất cho xây xát rồi điện thoại về nhà, báo cả Công an rằng mình bị cướp để tránh sự quở trách của gia đình vì sai trái, bất hiếu của mình…
Xung quanh những vụ việc "cướp giả" gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến ANTT của địa phương này, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khuyến cáo: Việc trình báo đến cơ quan chức năng về tội phạm, hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác được xem là một hình thức tố giác tội phạm, quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp tin tố giác là hoang báo, không có thật, người báo tin sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu cố ý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc hoang báo có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, hành vi "báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền", sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng (khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013).
Và trên thực tế, việc truy xét để xử lý hình sự các trường hợp báo tin giả còn nhiều khó khăn, song bằng kỹ thuật nghiệp vụ, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tìm được đầu mối thủ phạm đưa tin giả ngay cả qua điện thoại.
Riêng trường hợp, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.