Lật tẩy chân tướng vụ án “ma chài”, không làm oan người vô tội

18:13 19/07/2017
Thiếu tá Phạm Mạnh Hùng, Đội tưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Trong những năm qua, do nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng vẫn luôn tin rằng có “ma chài” hại người, gây bệnh tật cho người dân sinh sống trên địa bàn.


Trở về từ hiện trường thực nghiệm điều tra vụ giết người vì nghi làm “ma chài” chiều 10-7, Thiếu tá Phạm Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu trong lòng trĩu nặng. Bao năm qua, công tác tuyên truyền đã được Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Hội Phụ nữ và các đơn vị trên địa bàn tiến hành thường xuyên, nhưng nhận thức của bà con vùng cao vẫn còn hạn chế.

1. Những tình tiết éo le của vụ trọng án, khi người không gây án lại đứng ra nhận tội, phần nào cho thấy nhận thức pháp luật còn hạn chế của bà con vùng cao.

Quá trình điều tra, khám phá thành công vụ án cũng thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tụy của các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

Trong vụ án này, nếu các điều tra viên của hai đơn vị nghiệp vụ chủ quan, lơ là thì vụ án sẽ đi theo một hướng khác. Kẻ gây trọng tội sẽ nhởn nhơ ngoài phòng pháp luật còn người vô tội thì vì suy nghĩ giản đơn phải vào vòng lao lý, đối mặt với tội danh đặc biệt nghiêm trọng.  

 Ngày 15-5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu nhận thông báo của Công an huyện Sìn Hồ về sự mất tích của ông Sùng A Khư, tên thường gọi Sùng Tùng Khứ  (57 tuổi, trú tại bản Thành Chử, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ). Ông Khứ đi làm nương tại khu Van Na, thuộc bản Thành Chử, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ sau đó không về nhà...

Sau khi nhận  thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các lực lượng chức năng, Công an huyện Sìn Hồ và chính quyền địa phương tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết nghi là máu tại hiện trường phục vụ giám định và thông báo truy tìm tung tích nạn nhân.

Trong quá trình tìm kiếm, một số người thân trong gia đình phát hiện tại lán nương của người mất tích và lối đi từ lòng hồ thủy điện lên lán có nhiều vết dịch màu đỏ nghi máu đã khô, nghi ngờ nạn nhân bị người khác sát hại, ném xác xuống lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đến 9h00 ngày 16-5, người dân phát hiện thi thể của ông Sùng Tùng Khứ, ở khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc địa phận bản Thành Chứ, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, cách lán của ông Khư ở khoảng 150 mét về phía thượng nguồn...

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cùng những tài liệu thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự nhận định đây là vụ án giết người do mâu thuẫn cá nhân có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 16-5, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và xác lập Ban chuyên án đấu tranh. Các thành viên tham gia tập trung rà soát mối quan hệ, những mâu thuẫn có thể dẫn đến việc nạn nhân Sùng A Khư bị sát hại.

Quá trình rà soát, lực lượng trinh sát tập trung vào những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình nạn nhân Khư. Ông Khư và 3 con trai không hợp nhau... Giữa ông Khư và vợ cũng thường xuyên xảy ra những chuyện cơm không lành, canh không ngọt.

Sau khi củng cố chứng cứ, ngày 17-5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an huyện Sìn Hồ đã triệu tập Sùng A Tính; Sùng A Vả và Sùng Chứ Hồng (đều là con đẻ của ông Sùng Tùng Khứ) lên Công an huyện Sìn Hồ làm việc.

Tại Công an huyện Sìn Hồ, khá bất ngờ khi Sùng A Tính, Sùng A Vả và Sùng Chứ Hồng đều khai nhận do bực tức vì nghi ngờ ông Sùng A Khư làm ma chài hại chết con của Sùng A Vả.

Và trước đó, vào tháng 2-2017, tiếp tục làm ma chài hại con mới đẻ của Sùng Chứ Hồng... Bên cạnh đó, ông Khư cũng thường xuyên chửi, mắng và đánh bà Cháng Thị Mỷ (mẹ đẻ của Hồng, Vả và Tính) nên các đối tượng đã bàn nhau thực hiện hành vi phạm tội.

Ba lời khai của các đối tượng cũng đều trùng khớp với nhau: Đêm 11-5, sau khi thống nhất kế hoạch, Sùng Chứ Hồng, Sùng A Tính và Sùng A Vả đi bộ từ bản Thành Chử xuống lán nương nơi ông Khư ở rồi dùng gậy đánh chết ông Khư, sau đó mang xác nạn nhân ra lòng hồ thủy điện Sơn La...

Các đối tượng lấy dây buộc vào 4 hòn đá rồi buộc vào cổ ông Khư, sau đó thả xác nạn nhân xuống lòng hồ để che giấu hành vi phạm tội.

Lời khai của 3 đối tượng là vậy nhưng bằng kinh nghiệm trong quá trình nhiều năm phá án, Thiếu tá Phạm Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội trọng án và các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện những mâu thuẫn trong lời khai của Tính, Hồng và Vả. Vì thế, lực lượng trinh sát đã tỉ mỉ, thu thập lời khai của những người biết việc.

Trong quá trình củng cố, ghi lời khai của Sùng A Tính, Sùng A Vả và Sùng Chứ Hồng, Phòng Cảnh sát hình sự có thông tin của bà Cháng Thị Dịnh (trú tại bản Hải Hồ, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ).

Lời khai của bà Dịnh cho biết: Ngày 11-5, Sùng A Vả cùng Giàng A Cở (thông gia với ông Khư, bố vợ của Vả, trú tại bản Ha Chá, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) và Vừ Giống Pùa (con rể ông Khư, anh rể của Vả, trú tại bản Thành Chử, xã Tủa Sín Chải) ở nhà bà Dịnh để chữa bệnh.

Từ thông tin bà Dịnh cung cấp, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Sìn Hồ tổ chức xác minh xác định: Ngày 11-5, Sùng A Vả cùng Giàng A Cở và Vừ Giống Pùa ở nhà bà Dịnh chữa bệnh là có thật. Song từ khoảng 17h ngày 11-5 đến gần sáng 12-5, Giàng A Cở, Sùng A Vả và Vừ Giống Pùa không ở nhà bà Dịnh đi đâu không rõ.

Công an tỉnh Lai Châu tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án.

2. Từ thông tin này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã triệu tập Giàng A Cở; tập trung đấu tranh với đối tượng này về việc sử dụng thời gian trong ngày 11-5.

Tại Công an huyện Sìn Hồ, Giàng A Cở khai nhận: Tối 11-5, ông Cở được đi cùng với Sùng A Vả và Vừ Giống Pùa đi xuống lán nương của ông Sùng A Khư và chứng kiến hành vi của Vả và Pùa đánh chết ông Khư... 

Thông tin này cũng trùng khớp với việc Vừ Giống Pùa không có mặt ở nơi cư trú, sau khi xác của nạn nhân Khư bị phát hiện.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu xác định, đối tượng này đi sang huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Từ căn cứ trên, ngày 21-5, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên bắt khẩn cấp Vừ Giống Pùa khi Pùa đang trốn tại bản Chế Cô Nhe, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Qua lời khai nhận của Vừ Giống Pùa và Sùng A Vả về việc ông Giàng A Cở được tham gia bàn bạc và thực hiện hành vi giết chết ông Sùng A Khư đêm 11-5, cùng ngày 21-5, Phòng Cảnh sát hình sự đã vận động ông Giàng A Cở ra đầu thú và khai nhận hành vi vi phạm của bản thân cùng đồng bọn.

Từ lời khai của Giàng A Cở, Vừ Giống Pùa, lời khai thay đổi của Sùng A Vả và các thông tin thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Sìn Hồ xác định: Sáng 11-5, Vả đang chữa bệnh ở nhà bà Cháng Thị Dịnh thì Pùa và Cở đi xe máy đến. Trưa 11-5, Pùa, Cở và Vả ăn cơm ở nhà bà Dịnh. Sau khi ăn uống, bà Dịnh đi làm cỏ ở trên nương trồng ngô còn Pùa, Cở và Vả ở nhà. Lúc này,

Vả nảy sinh ý định sát hại ông Sùng A Khư (bố đẻ của Vả) do nghi ngờ ông Khư làm ma chài hại Vả bị đau ốm. Sau đó, Vả bàn bạc với Vừ Giống Pùa và Giàng A Cở, cả hai đối tượng đều đồng ý; mục đích của hai đối tượng này chỉ là để chữa hết bệnh.

Thực hiện ý định phạm tội, khoảng 17h30 ngày 11-5, Giàng A Cở, Sùng A Vả và Vừ Giống Pùa đến nhà anh Điêu Văn Chung (41 tuổi, trú tại bản Chiềng Chăn 2, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ) mượn thuyền và một con dao của anh Chung. Sau đó, các đối tượng đi xuống lán nương của ông Khư. Khoảng hơn 22h cùng ngày, Vả, Pùa và Cở đi thuyền đến lán nương của nạn nhân.

...Sau khi chuẩn bị gậy, Vả và Pùa đi vào lán đến chỗ ông Khư nằm ngủ  dùng gậy đánh mạnh liên tiếp vào vùng đầu, vùng mặt và vùng ngực của nạn nhân. Khi Cở đi lên lán thấy ông Khư nằm im.

Các đối tượng Pùa, Vả và Cở cho rằng ông Khư đã tử vong nên bàn nhau đưa xác nạn nhân thả xuống lòng hồ thủy điện Sơn La (cách lán 50 mét). Pùa lấy chiếc màn quấn vào người ông Khư rồi kéo nạn nhân ra ngoài lán.

Tiếp đó, Pùa và Vả khênh nạn nhân thả xuống mép nước ở cạnh bờ. Trong lúc này, đối tượng Giàng A Cở tìm cách xóa dấu vết ở trong lán. Đối tượng lấy chiếc vỏ chăn màu lau các vết máu dính trên sàn lán rồi mang vỏ chăn ra chỗ ông Khư nằm.

Để che giấu hành vi của bản thân, Vả, Pùa và Cở bàn nhau dùng đá buộc vào ông Khư rồi thả nạn nhân xuống nước, với mục đích để xác ông Khư không nổi lên được... Sau khi thực hiện xong, Vả, Pùa, Cở đi thuyền quay lại xã Chăn Nưa trả thuyền cho anh Chung rồi lấy xe máy đi về nhà bà Dịnh.

Từ lời khai của Sùng A Vả, Giàng A Cở và Vừ Giống Pùa, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành làm việc với gia đình anh Điêu Văn Chung, kiểm tra thuyền của anh Chung và kiểm tra hiện trường nơi Sùng A Vả dùng dao chặt lấy gậy.

Qua lời khai của hai vợ chồng anh Chung và kết quả kiểm tra xác định lời khai của Sùng A Vả, Giàng A Cở và Vừ Giống Pùa là có cơ sở.

Căn cứ những tài liệu thu thập được xác định Sùng A Tính và Sùng Chứ Hồng không thực hiện hành vi đánh, gây nên cái chết cho ông Sùng A Khư nên 16h ngày 21-5, Phòng Cảnh sát hình sự đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm giữ và trả tự do cho Sùng A Tính và Sùng Chứ Hồng; đồng thời ra Lệnh bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Vừ Giống Pùa và Giàng A Cở về hành vi giết người.

Lúc này, 2 người thân của đối tượng Sùng A Vả, sau khi được nghe cơ quan Công an giải thích cũng nhận ra sự ấu trĩ của họ. Được sự động viên, họ kể lại rằng: Sau khi Vả thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã kể lại sự việc với Sùng A Tính và Sùng A Hồng. Tinh và Hồng nghĩ rằng mình biết việc mà không khai báo với cán bộ cũng sẽ phạm tội... nên khi cơ quan điều tra triệu tập, hai đối tượng này đã kể lại sự việc đúng như lời kể của Vả.

Hiện trường nơi xảy ra vụ trọng án.

3. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Mạnh Hùng, Đội tưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Trong những năm qua, do nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng vẫn luôn tin rằng có “ma chài” hại người, gây bệnh tật cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Vì thế, khi một đối tượng nghi là “ma chài” bị giết thì họ cảm thấy điều đó là hoàn toàn đúng. Với nhận thức hạn chế đó, cộng với việc lo sợ bị trả thù, họ hầu hết đã không hợp tác với cơ quan điều tra.

Một số cá nhân sau khi được vận động, thuyết phục, đồng ý hợp tác với cơ quan Công an thì khả năng diễn đạt rất hạn chế. Trong trường hợp này, nếu điều tra viên may mắn có được một phiên dịch viên thì việc hỏi cung cũng phải tiến hành rất nhiều lần mới đạt được kết quả, nguyên nhân cũng là do cuộc sống hằng ngày, họ ít tiếp xúc, ít va chạm nên giao tiếp hạn chế.

Đó còn chưa kể đến việc một số đối tượng lợi dụng phong tục tập quán của người vùng cao, gắn lá xanh không cho cán bộ vào nhà... Vụ trọng án thương tâm trên thêm một lần nữa là lời cảnh báo về một loại tội phạm bao lâu nay vẫn tiềm ẩn ở các bản vùng cao. 

Xuân Mai

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文