Những cú lừa đắng chát mùa dịch COVID-19

18:14 28/04/2020
Khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi người người, ngành ngành phải chung lưng đấu cật để phòng chống thì có những đối tượng lợi dụng tâm lý khan hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Hành động này cần phải bị lên án, trừng trị đích đáng.


1. Có thể nói, chưa bao giờ mặt hàng khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt hồng ngoại... lại trở nên "đắt sô" như khoảng 2 tháng trở lại đây. Nhu cầu thị trường trong nước cũng như quốc tế tăng mạnh, khiến cho các loại mặt hàng này trở nên khan hiếm và đắt đỏ. 

Theo bác sỹ Dương Quang Thắng, Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện E), từ đầu tháng 2/2020 đến nay thị trường máy đo thân nhiệt tại Hà Nội gần như trong tình trạng "cháy hàng". Nhận lời mua giúp một bệnh nhân, song anh Thắng đi hàng chục cửa hàng (cả quen lẫn lạ) hỏi mua thì đều chỉ nhận được cái lắc đầu. Các chủ cửa hàng đều nói cần phải đặt hàng trước. Đồng thời giá cả cũng tăng một cách phi mã.

Siêu lừa Nguyễn Văn Bắc.

Những loại nhiệt kế hồng ngoại chỉ vài tháng trước giá nhập vào tầm 200-300 ngàn đồng/chiếc (xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc) thì nay đã lên giá cả triệu đồng. Còn hàng xuất xứ Châu Âu như Đức, Pháp... thì không dưới 2 triệu đồng/chiếc mà cũng không có mà mua. Lợi dụng tình trạng đó, không ít đối tượng đã lên mạng Internet rao bán để lừa đảo.

Ngày 24/3/2020, Công an quận Hoàng Mai cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Đỗ Thành Nam (SN 1990, trú tại Xuân Thượng, Xuân Trường, Nam Định) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo đơn trình báo của các bị hại, đầu tháng 3/2020, chị Xuyến được bạn của mình là Trần Xuân Sơn thông báo có chỗ bán lô hàng nhiệt kế điện tử với giá gần 1,3 triệu đồng/ chiếc. Thấy giá hợp lý và nhu cầu thị trường đang rất lớn nên chị Xuyến đồng ý mua. Sơn gửi cho chị Xuyến số điện thoại của Đỗ Thành Nam để liên lạc và làm việc trực tiếp. Vợ chồng chị Xuyến đã liên hệ với Nam và hẹn gặp nhau ở trước nhà số 4 - phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai. Tại đây, Nam giới thiệu có lô hàng gồm 2.000 chiếc nhiệt kế, đang ở TP HCM chuyển ra và cần góp vốn, đặt cọc...

Chị Xuyến và chồng đồng ý rồi làm hợp đồng và đặt cọc cho Nam số tiền 80 triệu đồng bằng hình thức chuyển vào tài khoản của Nam. Đối tượng này sau đó đã hẹn chị Xuyến ngày 11-3 giao hàng. Tuy nhiên, đến hẹn Nam không giao nhiệt kế và bịa ra câu chuyện hàng đang tắc ở đầu TP Hồ Chí Minh, nên cần góp vốn mua thêm.

Tin tưởng Nam, chị Xuyến cùng chồng đã gọi điện thoại cho Sơn đề nghị gom vốn. Sơn đã chuyển cho chồng chị Xuyến số tiền 100 triệu đồng, một người bạn của chị Xuyến chuyển khoản 170 triệu đồng và toàn bộ số tiền này sau đó được chuyển vào tài khoản của Nam để đặt cọc mua nhiệt kế.

Đến ngày 15/3, đợi mãi nhưng hàng vẫn chưa thấy về, đang trong lúc lo lắng thì các bị hại tiếp tục bị Nam lừa nói là lô hàng đang có thêm 2.300 cái nhiệt kế nữa, cần huy động thêm vốn đầu tư. Các bị hại tiếp tục chuyển 250 triệu đồng cho Nam. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của chị Xuyến và các bị hại Nam rút ra để "nướng" vào trò chơi đánh bạc trên mạng Internet và các bị hại không nhận được bất cứ một chiếc nhiệt kế nào.

2. Nếu như mặt hàng nhiệt kế hồng ngoại thuộc dạng "kén" khách hơn, thì từ mùa dịch đến nay tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành liên tục xảy ra các vụ lừa bán khẩu trang y tế.

Tháng 2/2020, Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ một "siêu lừa" bán khẩu trang. Hắn là Nguyễn Văn Bắc (SN 1989 trú tại thị trấn Mậu A, Văn Yên, Yên Bái). Trước đó ngày 9/2/2020, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin trình báo của chị Ngô Thị H.T (trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội Facebook. 

Theo chị T., khoảng một tuần trước chị đã liên lạc với một đối tượng qua mạng Internet để hỏi mua khẩu trang. Lần đầu tiên chị nhận được một thùng như đúng cam kết. Cảm thấy giao dịch uy tín, chị T. đã đặt mua thêm 30 thùng khẩu trang từ đối tượng này. Bên bán yêu cầu chị T. phải chuyển trước 350 triệu đồng. Sau khi chị T. chuyển khoản, đối tượng lập tức rút toàn bộ số tiền và bỏ trốn. Chờ lâu không nhận được hàng, cũng không liên lạc được với hắn, chị T. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tại cơ quan Công an, Bắc khai nhận đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin và gọi điện mời chào chị T. mua khẩu trang y tế với số lượng lớn. Toàn bộ số tiền lừa đảo đã bị Bắc nướng vào các sới bạc hết. Hiện Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bắc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, Công an huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cũng đã khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1996, trú tại xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Công an huyện Thiệu Hóa nhận được tin báo của chị N.T.N.T. (trú tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về việc bị một đối tượng lừa bán qua mạng xã hội Facebook chiếm đoạt 20 triệu đồng.

Theo trình báo của chị T., vào khoảng đầu tháng 3/2020, chị T. thấy tài khoản Facebook "Nguyễn Nhi" đăng tin bán khẩu trang y tế qua mạng nên đã nhắn tin đặt mua 8 thùng khẩu trang với giá 20 triệu đồng/thùng.

Qua giao dịch, chủ tài khoản Facebook "Nguyễn Nhi" đã cho chị T. số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng, đồng thời yêu cầu chị T. chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng 20 triệu đồng để đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị T. không liên lạc được với người sử dụng tài khoản "Nguyễn Nhi" nữa.

Đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương (giữa) tại cơ quan Công an.

Từ những thông tin mà chị T. cung cấp, Công an huyện Thiệu Hóa đã lập chuyên án để điều tra, xác minh làm rõ hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản Facebook "Nguyễn Nhi". Ngày 8/3/2020, Công an huyện Thiệu Hóa đã có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh Nguyễn Thị Thu Hương ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chính là chủ sử dụng tài khoản Facebook "Nguyễn Nhi" và là thủ phạm đã gây ra vụ lừa đảo nói trên.

Tại cơ quan CSĐT, bước đầu đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương khai nhận từ cuối năm 2019 đến nay đã mua tài khoản ngân hàng trên mạng, sau đó sử dụng chứng minh nhân dân giả và lập Facebook ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ khi có dịch COVID-19, thấy nhiều người lên mạng mua khẩu trang nên Hương đã nảy sinh ý định lừa bán khẩu trang. Tính đến khi bị bắt, tổng số tiền Hương lừa đảo chiếm đoạt được của các nạn nhân đã lên đến 1,5 tỉ đồng. Hiện vụ án đang được cơ quan Công an điều tra mở rộng.

Người dân cần cảnh giác, tỉnh táo khi mua hàng online

Theo Công an TP Hà Nội hiện nay nhu cầu sử dụng các mặt hàng chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, nhiệt kế hồng ngoại... ngày càng tăng, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... 

Nếu mua hàng online cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin trên mạng để tránh bị mắc lừa. Khi giao dịch cần kiểm tra kỹ thông tin các tài khoản, lựa chọn địa chỉ uy tín, có công khai thông tin danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch. Nếu thấy thông tin không rõ ràng, mập mờ thì không thực hiện giao dịch. Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, nên trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Nếu không may là nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên đến Cơ quan Công an để trình báo sự việc.

Minh Trí

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文