Những trò "bẩn" của côn đồ đòi nợ thuê

16:51 24/07/2020
Trước ngày "dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê" bị khai tử, Tuấn "em" đã tiết lộ cho chúng tôi những bí kíp trong nghề, vốn được xem là bảo bối tuyệt mật.


Giang hồ gặp "dân chợ"

Một buổi sáng đẹp trời cuối tuần của tháng 7, Tuấn "em" (25 tuổi, quê Tiền Giang) nhận "đơn hàng" từ công ty K.H đi xử lý khoản nợ 80 triệu cho một khách hàng tại Q.3 (TP HCM). Đây là khoản nợ trong giao dịch làm ăn của khách hàng với đối tác, cụ thể là vị khách đã bán một lô hàng mỹ phẩm xách tay trị giá 160 triệu nhưng người mua mới thanh toán được một nửa thì chây ỳ, viện ra nhiều lý do để hoãn trả nợ.

Thương lượng không được, chửi bới, hăm dọa vẫn không xong, cuối cùng chủ nợ đã tìm đến công ty đòi nợ thuê nhờ giúp đỡ. Trước khi bắt tay vào làm việc, khách hàng phải viết một giấy ủy quyền đòi nợ cho phía công ty, 30% tổng giá trị hợp đồng chính là thù lao trong phi vụ này. Công ty giao vụ việc cho Tuấn "em" và Hải Phát đi xử lý khoản nợ.

Đầu tiên, Tuấn "em" gọi điện thoại cho con nợ thông báo về việc chủ nợ ủy quyền cho anh ta đi đòi tiền. Anh ta cho con nợ một tuần để thu xếp trả nợ, nếu không... sẽ có chuyện.

Tạt sơn khủng bố nhà con nợ là một trong những chiêu thức mà dân đòi nợ thuê thường sử dụng.

Con nợ cũng không phải dạng vừa, chị này là dân "chạy chợ", buôn bán xuyên quốc gia, có nhiều mánh khóe cũng như các mối quan hệ xã hội. Vừa nghe tới dân đòi nợ thuê "hỏi thăm", chị ta buông lời thách thức ngay: "Bảo thằng Q.T tới nhà chị nói chuyện, đừng làm kiểu mèo mỡ như vậy, chị khinh".

Sau khi thăm dò thái độ của con nợ, Tuấn "em" và Hải Phát có cảm giác khó nhằn, phải ngồi lại đưa ra sách lược tốt nhất. Đúng một tuần sau, Tuấn và Hải phi xe tới tận nhà con nợ. Chị này không hề trốn tránh mà mở rộng cửa chào đón. Tuy nhiên, chị cũng chuẩn bị sẵn 3 đàn em đầu đinh, xăm trổ hổ báo ngồi nghễu nghệ trong nhà để giúp chị "tiếp khách". Tuấn trưng ra giấy ủy quyền rồi chốt lại một câu lạnh lùng: "Hôm nay đã hết thời gian hẹn, chúng tôi tới để thu nợ, mong chị hợp tác".

Chị này tuyên bố dõng dạc: "Số hàng thằng Q.T bán cho chị là hàng đểu, chị chưa phạt nó thì thôi. Bây giờ tiền chị không có, về bảo nó tới đây chị trả lại hàng cho". Sau 30 phút nói chuyện phải trái, đúng sai vẫn chưa ngã ngũ, cuối cùng Tuấn và Hải phải xách dép ra về. So với các trường hợp khác, Tuấn "em" chỉ cần trợn mắt, cựa mình một cái là con nợ khiếp vía, buộc phải trả. Lần này cực kỳ khó nuốt, Tuấn không thể dùng cái hình xăm rắn rết trên cổ và cánh tay mà uy hiếp được, vì trước mặt Tuấn "em" đang là những cao thủ hoàn toàn trên cơ.

Tuấn "em" về báo cáo tiến độ công việc cũng như khả năng thành công của phi vụ này, công ty đồng ý tăng thêm quân số. Lần này, các cánh quân sẽ chia ra hành động. Một nhóm 3 người sẽ lảng vảng ngoài cổng nhà con nợ, nhóm khác gọi điện, nhắn tin. Nhóm chủ chốt gồm 5 người, lúc nhà con nợ có đông đủ các thành viên thì xông vào nói chuyện, mục đích là dằn mặt, gây nhiễu, làm mất danh dự, uy tín. 

Phương án này có phần hiệu quả, mẹ chồng của con nợ sợ tái xanh mặt, la hét đuổi nhóm người đòi nợ ra. Tuy nhiên, nhóm có giấy ủy quyền, giấy ghi nợ trưng ra nên thuộc loại danh chính ngôn thuận. Những ngày sau đó, người của công ty tiếp tục lảng vảng xung quanh nhà, con nợ không sợ nhưng tỏ ra khó chịu, bức xúc rõ rệt. Trong hơn một tháng dùng chiêu này, con nợ đã phải chủ động hẹn đối tác thương thảo, giải quyết trong hòa bình.

Tuấn "em" cho biết, những phi vụ thành công, anh ta được công ty chia hoa hồng. Cuộc sống của anh ta và các nhân viên đòi nợ thuê cho công ty chỉ sống được khi có nhiều hợp đồng đòi nợ và phải đòi thành công thì mới có cái ăn. Cho nên, nói là phương thức hoạt động cho văn hóa chứ thực chất là dùng sức mạnh giang hồ, chợ búa để uy hiếp, đe dọa buộc con nợ phải trả tiền.

Tuấn "em" sắp tới sẽ giải nghệ khi dịch vụ đòi nợ thuê bị “khai tử”.

Sách lược "ăn vạ"

Ngày mới vào nghề, do hăng máu, hiếu thắng nên trong một vụ đòi nợ thuê ở Bình Chánh, Tuấn "em" đã "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" khiến con nợ sưng bầm tím mặt mũi. "Do con nợ là dân ngụ cư, buôn bán nhỏ lẻ, ít mối quan hệ nên thấy dân "xã hội đen" thì khiếp, nếu hiểu luật, nanh nỏ lọc lõi một chút, họ báo Công an thì đời em ra bã", Tuấn "em" chia sẻ.

Sau nhiều vụ gây rối trật tự, cố ý gây thương tích và bị "xộ khám", dân đòi nợ thuê đã thay đổi cách làm việc, kiểu hoạt động cho phù hợp với luật pháp để tránh bị Công an xử lý. 

Bài học nhãn tiền chính là hai năm trước, thằng bạn thân của Tuấn tham gia vụ hành hung con nợ tại Long An đã bị "xã hội đen" của chính con nợ "quật" cho một trận thừa chết thiếu sống, lê lết về  nhà. Mới nhất là vào tháng 9 năm ngoái, một "đồng nghiệp" khác của Tuấn đã phải "bóc lịch" gần 3 năm vì xuống tay với người nhà con nợ.

Từ những trường hợp trên, Tuấn "em" đã biết sợ, không dám hung hăng, manh động trong các vụ hành xử. Thay vào đó, dân đòi nợ thuê bây giờ dùng chiêu trò "ăn vạ" đã mang lại hiệu quả cực tốt.

Tháng 12-2019, Tuấn "em" có một hợp đồng đòi nợ thuê tại Đồng Tháp. Khách hàng là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, con nợ là luật sư.

Mới nghe qua đã thấy "xương xẩu", dân đòi nợ thuê chữ nghĩa hạn chế, chỉ giỏi cơ bắp nên nghe danh luật sư thì có phần ngán ngẩm, không cẩn thận lại thành bị cáo. Sau nhiều cuộc thảo luận, bàn bạc, nhóm đòi nợ thuê thống nhất phương án "ăn vạ" tại nhà con nợ. Trước khi kéo quân xuống Đồng Tháp, nhóm chuẩn bị đầy đủ giấy tờ pháp lý để tránh việc bị tố xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Khi xuống địa phương, nhóm đã ra chính quyền trình bày đầy đủ về công việc.

Những ngày giáp tết, không khí trong nhà con nợ đông vui tấp nập, có cả người nước ngoài về ăn Tết. Nhóm 6 người vào nhà, nói chuyện nhẹ nhàng, đàng hoàng về khoản nợ của gia chủ. Lúc này, con nợ đi công tác chưa về nên nhóm xin ở lại tại nhà. 

Người thì mắc võng nằm ngoài hiên, người rải chiếu ra góc nhà, số khác thì nấu ăn khiến không khí trong gia đình đảo lộn và gây khó chịu cho mọi người. Mặc cho bà mẹ chửi bới, đẩy đuổi, nhóm đòi nợ thuê cứ dày mặt ở lì. Ban đêm, nhà chủ không ai dám ngủ, chỉ sợ quân đòi nợ lưu manh giở trò. Bà mẹ con nợ phải ôm hai cháu nội đi lánh, sợ chúng thấy cảnh nhà bấn loạn sẽ ám ảnh. 

3 ngày sau, con nợ trở về thấy cảnh nhà hoang tàn, lộn xộn cũng ngán ngẩm. Anh ta nói lý lẽ, luật lệ chán chê vẫn không lay chuyển được chân lý "ăn vạ" của dân đòi nợ thuê. Anh ta phải gọi điện cho chủ nợ đàm phán và yêu cầu rút quân về. 

Nhóm đòi nợ thuê dùng vũ lực uy hiếp con nợ bị Công an TP HCM bắt giữ.

Hoang mang, khủng hoảng

Từ thông tin bật mí của Tuấn "em", chúng tôi đã tiếp xúc được với một trong số hàng trăm con nợ mà công ty đòi nợ thuê đã thực hiện trong nhiều năm qua. Vợ chồng anh Trần Văn H. (45 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) hiện đang có một cửa hàng kinh doanh vải ổn định tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình). 

Trước đó hơn một năm, anh H. đã trải qua cơn khủng hoảng tưởng như phải chạy trốn bởi khoản nợ 700 triệu. Đây là số tiền anh H. vay lãi của một người làm doanh nghiệp vàng bạc đá quý. Người ta tính lãi ở mức vay 1 triệu tính lãi 60.000 đồng/tháng. Tính sơ bộ, mỗi tháng anh H. phải đóng lãi hơn 40 triệu đồng. Sau khi cân đo đong đếm, tính toán nhiều mặt, vợ chồng anh H. quyết định vay và có dự định trả trong vòng một tháng.

Hết một tháng, anh H. chưa xoay xở được, vì đơn hàng xuất sang Trung Quốc bị ách tại cửa khẩu. Anh H. nộp lãi và khất thêm một tháng nữa. Tuy nhiên, người cho vay không đồng ý mà đòi tăng lãi lên 20% nữa vì cái tội quá hạn, thất hứa. Cảm thấy quá cay nghiệt vì kiểu "ăn cướp" của chủ nợ, anh H. không đồng ý và hai bên xảy ra trận cãi vã kịch liệt. Chủ nợ không cho khất, yêu cầu anh H. phải trả nợ ngay lập tức.

Vợ chồng anh H. như ngồi trên đống lửa, cố gắng xoay xở nhưng vẫn không đủ số tiền 700 triệu. Cứ một ngày trôi qua, chủ nợ thuê dân đòi nợ tới nhà anh H. "uống trà". Một nhóm khác ra tận chợ, ngồi lì ở cửa hàng vải của chị vợ Nguyễn Thị Tâm L. khiến cho việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn. 

Ngày nào cũng có từ 2 đến 3 đối tượng vận "nguyên một cây đen" đeo kính đen, tay chân cố tình để lộ những hình xăm nhằm thị uy và gây sức ép. Chị L. buộc phải đóng cửa, bỏ sang nhà bà ngoại lánh nạn.

Ngoài tới nhà gây sức ép, dân đòi nợ thuê còn liên tục gọi điện, in tờ rơi đòi nợ dán trên cửa hàng và cổng nhà của vợ chồng anh H. Chúng quần thảo gia đình anh trong vòng một tuần. Công việc bị đình trệ, xóm làng gièm pha, nhòm ngó, các mối làm ăn cũng ái ngại. 

Quá mệt mỏi và bí bách, anh H. đã muối mặt gọi điện về quê mượn ông bà nội, anh chị em ruột sổ đỏ để cầm cắm. Đất ở quê không có giá trị cao, 3 cuốn sổ đỏ anh H. chỉ cắm được 500 triệu. Hết cách, anh phải năn nỉ em dâu cho mượn thêm một cuốn sổ đất thì mới đủ.

Trả xong khoản nợ cắt cổ, như đẩy được hòn đá tảng đang đè lên đầu, dù nợ nần đầm đìa, mất hết danh dự, uy tín nhưng vợ chồng anh H. còn thấy đỡ hơn việc bị dân đòi nợ thuê khủng bố tinh thần cả ngày lẫn đêm. Biết tin dịch vụ "kinh doanh đòi nợ" sẽ bị khai tử vào ngày 1-1-2021, vợ chồng anh H. thở phào nhẹ nhõm. 

Anh H. chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ luật cấm này. Đòi nợ thì cũng phải văn minh, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, chứ kiểu thuê mướn dân xã hội "đầu trâu mặt ngựa" tới đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay nợ là không chấp nhận được".

Sau này công ty đóng cửa sẽ làm nghề gì? Chúng tôi hỏi. Tuấn "em" hồn nhiên trả lời: "Chắc kiếm chiếc xe máy ra đường chạy xe ôm hoặc xin làm vệ sĩ. Trước mắt phải đi xóa hình xăm trên cổ thì mới làm người lương thiện được".

Ngọc Thiện

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文