Phá kế giả điên thoát án

16:38 08/07/2014
Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của người tâm thần không bị coi là tội phạm, vì họ không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Lợi dụng điều này, thời gian qua việc diễn "điên như thật" rồi "chạy" bệnh án tâm thần, được bọn tội phạm xem là một "cao chiêu" để thoát án. Nhiều kẻ thủ ác man rợ, hay những tên cầm đầu các đường dây mua bán ma túy… đã thoát chết ngoạn mục, khi chúng đưa ra tập hồ sơ bệnh án tâm thần. Như một "miễn tử kim bài, những bệnh án đó sẽ khiến vòng quay tố tụng khựng lại, kéo theo bao hệ lụy nhức nhối. Đấu tranh làm "hiện nguyên hình" những kẻ thủ ác giả điên, đang là một nhiệm vụ hết sức phức tạp.

"Sói mọc thêm nanh"

Tiến trình điều tra, truy tố, xét xử…được ví như một "guồng máy tố tụng", chạy theo một lộ trình định sẵn, để đưa tội phạm ra xét xử. Ở bất cứ giai đoạn nào của hoạt động tố tụng hình sự, nếu "vấp" phải những tài liệu chứng minh người phạm tội bị tâm thần, cỗ máy" đó sẽ bị "khựng" lại.

TS Trần Văn Dũng - GV trường ĐH Luật Hà Nội phân tích: "Luật Hình sự Việt Nam buộc người phạm tội phải có năng lực nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Người tâm thần không có khả năng này, nên dù họ có thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cũng sẽ không bị coi là tội phạm. Khi đó, sẽ áp dụng bắt buộc chữa bệnh đối với họ tại các cơ sở y tế chuyên ngành. Quy định trên phản ánh tính nhân đạo của pháp luật XHCN, nhưng hiện nay đang bị giới tội phạm lợi dụng, tạo nên những "trở lực" rất lớn trong việc xử lý tội phạm. Nhiều tên biết dựa vào luật để "lách". Chúng sớm chuẩn bị trước những bệnh án tâm thần, khi vướng vào lao lý chỉ việc giả điên, cùng với bệnh án hợp pháp, sẽ đàng hoàng thoát khỏi sự trừng phạt".

Hải Phòng là miền đất "dữ", được biết đến như điểm tụ hội của nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức ở miền Bắc. Những năm gần đây, rộ lên "hiện tượng" tội phạm đất Cảng bị "điên hàng loạt". Chuyện Dư Kim Dũng (tức Dũng "tình") - một "đại gia" khét tiếng về độ ăn chơi, chủ nhân bữa tiệc ăn hỏi lớn nhất Hải Phòng, khi bị bắt đã lộ diện là tên trùm ma túy. Những tưởng với tổng số 29 kg ma túy, tương đương 88 bánh heroin... chắc chắn y sẽ "đi tàu suốt" (bị án tử hình). Thế nên khi Dũng "tình" chỉ bị tuyên án tù có thời hạn, người dân đã thực sự ngỡ ngàng. Càng ngỡ ngàng hơn khi nghe nói "ông trùm" đã "ú ớ, điên điên, khùng khùng" trong suốt thời gian bị tạm giam. Trước phiên tòa, gia đình Dũng đã giao nộp một bệnh án tâm thần không thể chi tiết hơn.

Công an TP Hải Phòng bắt tên Mai Đức Vượng (tức Tộ tích).

Vụ Mai Đức Vượng - tức Tộ "tích" giả điên mới đây, cũng đã để lại nhiều bài học cho công tác điều tra. Sau hàng loạt vụ đánh chém, bắn giết kinh hoàng mà y cùng đồng bọn gây ra tại đất Cảng, cơ quan điều tra đã xác lập chuyên án, kiên trì điều tra trong 4 năm để phanh phui tội ác của chúng. Nhưng khi Tộ sa lưới, gia đình y đã giao nộp một tập hồ sơ bệnh án động kinh, ghi rõ y có tiền sử rối loạn tâm thần, đã phải nhập viện tâm thần 3 lần để điều trị.

Kết luận giám định cũng khẳng định y bị bệnh động kinh di chứng và cần phải điều trị lâu dài. Vậy là Tộ được tạm đình chỉ điều tra, cởi áo tù sang Viện Pháp y tâm thần Trung ương để "điều trị" bệnh. Có lần y trốn viện bị bắt trở lại, nhưng cũng lại được gửi vào bệnh viện vì "đang trong thời gian điều trị". Chỉ sau khi Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận bệnh của Tộ đã ổn định, việc phục hồi điều tra và bắt tạm giam đối với Tộ "tích" mới được thực thi trở lại. 

Cùng chiêu trò đó, Đào Duy Tuấn - tức Tuấn "tượng" và Đào Văn Thắng - tức Thắng "Quán toan" - (những tên giang hồ có "số" ở đất Cảng) cũng được tạm đình chỉ điều tra và rời trại tạm giam để lên Hà Nội "chữa bệnh", sau khi xuất trình bệnh án động kinh. Ngay sau khi vào Viện Pháp y tâm thần Trung ương, cả hai tên trở lại bình thường rồi bỏ trốn. Phải rất vất vả thì cơ quan chức năng mới vạch trần được thủ đoạn giả điên của những tên tội phạm này.

Hiện nay trong giới tội phạm, mánh lới giả điên và "chạy" bệnh án tâm thần đã trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương. Những bệnh án đó như một thứ "miễn tử kim bài" - (thẻ miễn tội chết). Nhờ nó mà nhiều đối tượng đã thoát án tử một cách ngoạn mục, hoặc chỉ phải nhận những bản án không hề tương thích với tội ác của chúng. Nhiều tên được đưa khỏi trại giam để vào bệnh viện, để rồi "hiện nguyên hình" ngay sau đó và bỏ trốn hoặc tiếp tục gây án. Nhiều tổ chức tội phạm đã đi trước một bước, "sắp xếp" trước những bệnh án tâm thần cho những tay "đao phủ" của mình, như một thứ "bùa hộ mệnh" phòng khi rơi vào vòng lao lý. Có bệnh án "điên" trong tay, chúng khác nào "sói mọc thêm nanh", càng điên cuồng, hung hãn hơn, vì tự tin chẳng có pháp luật nào động đến chúng.

Bệnh án ở đâu ra?

Được biết, quá trình điều tra vụ giả điên nói trên, nguồn gốc những bệnh án tâm thần đã được "soi" kỹ lưỡng. Cơ sở y tế phát hành số bệnh án này là Trung tâm Giám định tâm thần -Sở Y tế Hải Phòng. Hồ sơ bệnh án được lập hoàn toàn đúng quy trình, thủ tục, từ khám xét, kiểm tra, theo dõi đến kết luận. Chỉ có một câu hỏi rằng liệu có hay không tiêu cực phía sau những bệnh án đó?

Một điều tra viên Phòng PC45 Hải Phòng cho biết: "Đến nay chưa có tài liệu nào phản ánh tiêu cực trong việc cấp bệnh án tâm thần. Việc kiểm tra, giám định bệnh lý tâm thần rất phức tạp, dù máy móc có hiện đại đến mấy nhưng người bệnh cứ rên la đau đớn, hay biểu hiện mất kiểm soát hành vi…thì cũng rất khó xác định thật giả. Nhiều tên khi chưa gây án đã đi khám bệnh như thật rồi diễn xuất rất "nhập vai". Để có bệnh án hoàn hảo, chúng đi từ thấp đến cao, bắt đầu từ các cơ sở y tế địa phương. Chúng yêu cầu kiểm tra các bệnh lý liên quan đến não, tâm thần kinh. Vài hôm sau quay lại, chúng báo "bệnh mỗi lúc một trọng".

Giám sát đối tượng nghi giả điên tại Bệnh viện Tâm thần.

Khi đó buộc "tuyến dưới" phải chuyển "bệnh nhân" lên bệnh viện "tuyến trên". Tại đây, chúng lại diễn "sâu" hơn để qua mặt các bác sỹ. Khám xong chúng xin đơn thuốc về điều trị ngoại trú. Đến lịch khám lại, chúng đến tiếp tục "diễn bệnh" thêm nặng. Chỉ vài lần như thế, chúng nghiễm nhiên được bác sĩ chỉ định cho điều trị nội trú tại bệnh viện. Khi nhập viện, đồng nghĩa với việc chúng có bệnh án điều trị. Thời gian nằm viện, chúng vẫn "diễn", khi muốn về thì có những động tác chứng tỏ bệnh tình thuyên giảm để được cho xuất viện".

Đó là cách để có một bệnh án hợp pháp, còn chuyện mua bán cũng đã từng xảy ra. Đầu năm 2013, những vụ mua bán bệnh án tại Bệnh viện Tâm - thần kinh Hải Dương bị phát giác, đã làm hé lộ "phần chìm" của "tảng băng trôi". Với giá chỉ từ 6 đến 8 triệu đồng, bất cứ ai cũng có thể "sắm" cho mình một hồ sơ bệnh án tâm thần. Mặc dù không mắc bệnh, không điều trị tại bệnh viện ngày nào, nhưng trong hồ sơ bệnh án tâm thần lại có đầy đủ bệnh án tâm thần tại cộng đồng; quyết định đưa bệnh nhân vào quản lý, theo dõi, điều trị ngoại trú; phiếu cấp thuốc...

Phong trào "chạy" bệnh án ở xứ Đông bắt đầu tư khi có Nghị định 13/2010 của Chính phủ, quy định người bị tâm thần được hưởng trợ cấp hằng tháng, được tiếp nhận vào cơ sở BTXH, được mua bảo hiểm y tế, khi chết được hỗ trợ mai táng phí...Bởi chính sách này, lượng người tâm thần ở Hải Dương trong vài năm trở lại đây đã "tăng" đột biến. Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Thanh Miện, cả huyện có hơn 500 trường hợp có bệnh án tâm thần, trên tổng số 13 vạn dân. Ở huyện Nam Sách, có xã An Bình trong năm 2012 đã tăng tới 7 bệnh nhân tâm thần, khi đã có sẵn 44 bệnh án được lập trong vài năm trở lại đây!.

Vạch trần mặt thật

Làm gì để những tên tội phạm nguy hiểm "lộ nguyên hình" là những kẻ giả điên, đó là việc không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm được, với sự cảnh giác và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng.

Theo Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, thì biện pháp hữu hiệu nhất để xác định một người có bị tâm thần hay không, đó là thông báo công khai ở cộng đồng dân cư nơi người đó cư trú, để cộng đồng giám sát. Vì không ai có thể giám sát tốt bằng tai mắt nhân dân. Phản ánh của người dân là một cơ sở để  xác định người đó có bị tâm thần hay không. Với những ca chưa rõ ràng, triệu chứng tuy có nhưng còn nghi vấn giả vờ, thì có thể cho nằm viện, trong quá trình điều trị cần theo dõi để đi tới kết luận có tâm thần hay không. Thời gian theo dõi tùy trường hợp cụ thể, nhưng thường tối thiểu là 1 tháng, có trường hợp phải 4-5 tháng. Ông Cương cũng lưu ý tài liệu có giá trị cao nhất để đánh giá tình trạng bệnh lý tâm thần là bản kết quả giám định của Hội đồng pháp y tâm thần. Những tài liệu như chẩn đoán, đơn thuốc điều trị tâm thần của các cơ sở y tế có giá trị pháp lý không cao.

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra các đối tượng giả điên, Thượng tá Lê Hồng Thắng (Phó trưởng Phòng PC45, CATP Hải Phòng) cho biết: "Chính sách khoan hồng của Nhà nước vẫn phải được thực thi, nhưng phải áp dụng đúng người, đúng đối tượng. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là không để xảy ra tình trạng các đối tượng phạm tội lợi dụng vào hòng đạt được mục đích".

Được biết, Phòng PC45 Hải Phòng đã có hẳn một lực lượng chuyên trách đảm nhiệm công việc kiểm tra một cách kỹ lưỡng về thể chất và tinh thần của các đối tượng ngay sau khi bị bắt. Trong các vụ án nói trên, Công an TP.Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tiến hành giám sát chặt chẽ bọn chúng trong thời gian nằm viện. Bằng cách này, họ đã thu thập được các tài liệu chứng cứ xác thực để làm "hiện nguyên hình" những kẻ giả điên

Trung Hiếu - Ngọc Trâm

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文