Xoá sổ băng nhóm trộm cắp tại các bệnh viện ở TP HCM

14:03 06/01/2020
Bằng các thủ đoạn xoay tua địa bàn, phân vai, dàn cảnh tinh vi, đóng giả là người dân đến khám bệnh, băng nhóm trộm cắp vào các bệnh viện trên địa bàn TP HCM mua sổ khám bệnh rồi điền các thông tin giả để đi qua đi lại lợi dụng sơ hở của các bệnh nhân, người nuôi bệnh rồi ra tay trộm cắp.

Mỗi thành viên trong băng nhóm này đều được phân công nhiệm vụ cụ thể trong các phi vụ trộm cắp tài sản. Để triệt phá được băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp này, cơ quan Công an đã phải xác lập chuyên án đấu tranh suốt nửa năm trời…

Đóng giả người bệnh để trộm cắp

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh phát hiện một băng nhóm chuyên dàn cảnh móc túi, hoạt động tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, Nhiệt Đới…

Nhóm dàn cảnh móc túi vây quanh người phụ nữ để trộm tài sản.

Sau khi theo dõi, thu thập nhiều thông tin, chứng cứ, vào giữa năm 2019, Ban chỉ huy Công an quận 5 cho xác lập chuyên án đấu tranh. Sau nhiều tháng điều tra, theo dấu các đối tượng nghi vấn trong băng nhóm này…, ngày 30-12-2019, ban chuyên án đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ để bắt quả tang 8 đối tượng khi gây án tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Cơ quan Công an đã tạm giữ hình sự các đối tượng: Nguyễn Thị Kim Chi (59 tuổi, quê Ninh Thuận); Trần Thị Cẩm Nhung (41 tuổi, quê Cần Thơ); Dương Thúy Hạnh (42 tuổi, quê Sóc Trăng); An Thủy Nguyệt (42 tuổi, quê Sóc Trăng); Trần Thu Yến (49 tuổi, quê Cần Thơ; tất cả cùng ngụ tại quận 4) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trong nhóm đối tượng này, Hạnh từng có 1 tiền án, 2 tiền sự; Nhung có 2 tiền án, 1 tiền sự; Yến có 2 tiền án…

Cơ quan Công an cũng đang làm rõ vai trò của Nguyễn Thành Lạc (40 tuổi); Châu Hồng Út Em (36 tuổi, quê Cần Thơ; cùng ngụ tại quận 4) và Bùi Văn Hồng (49 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) trong việc hỗ trợ, giúp sức băng nhóm kể trên.

Sáng 30-12-2019, tại khu khám bệnh của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, người đến khám bệnh khá đông. Cũng như mọi bệnh nhân khác đến khám, những đối tượng của băng nhóm này đều cầm trên tay cuốn sổ khám bệnh và số thứ tự chờ khám để tránh quan sát của bảo vệ và lực lượng chức năng, rồi thay nhau quan sát người có tài sản để ra tay.

Trước đó, vào sáng sớm cùng ngày, Chi, Hạnh, Nguyệt, Yến đến quán nước trên đường An Dương Vương (quận 5) để bàn bạc trộm cắp tài sản của bệnh nhân và thân nhân người bệnh trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Các đối tượng Chi, Nhung, Nguyệt, Hạnh và Yến (từ phải qua trái) tại cơ quan điều tra.

Khoảng 8 giờ 15 cùng ngày, cả nhóm phát hiện chị Lê Thị H. (36 tuổi, đường Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8) có đeo túi xách nên đi theo phía sau. Khi đến trước Phòng X-Quang số 18 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Hạnh đi lên phía trước đứng chặn chị H. lại để Nhung áp sát phía sau, thò tay phải vào túi xách của chị H. lấy cắp chiếc ví màu đỏ (bên trong có 4 triệu đồng, 3 tờ tiền mệnh giá 2USD và một chứng minh nhân dân mang tên Lê Thị H.). Yến và Nguyệt đứng phía sau để che mắt và cảnh giới, Chi được Nhung chuyền chiếc ví vừa trộm được nhằm đánh lạc hướng.

Khi Chi bỏ chiếc bóp vào túi xách trên người thì chị H. phát hiện bị trộm cắp nên tri hô. Ngay lập tức, các Trinh sát Đội Cảnh sát hình sự cùng anh Nguyễn Phạm Hoàng Phúc, bảo vệ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đuổi theo bắt giữ Nhung cùng đồng bọn đưa về trụ sở Công an phường 12, quận 5 để lập hồ sơ xử lý.

Công an quận 5 cho biết, nhóm của Chi đã gây án ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và có sự phân công vai trò cụ thể cho từng thành viên. Các đối tượng Hồng, Lạc, Út Em đóng vai trò là xe ôm, chuyên chở các đối tượng trên đi gây án và được trả công 300 ngàn đồng.

Cảnh giác với nạn trộm cắp tại bệnh viện

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 5, quá trình theo dõi băng nhóm này gặp khá nhiều khó khăn, bởi nhóm tội phạm mỗi khi gây án ở bệnh viện một thời gian thì chuyển đi bệnh viện khác. Chưa kể băng nhóm này còn thường xuyên thay đổi giờ giấc hoạt động. Việc xoay vòng, thay đổi liên tục như vậy để tránh sự phát hiện của các bảo vệ và cũng gây khó khăn cho việc theo dấu đối tượng của cơ quan Công an.

Đơn cử, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, băng nhóm này hoạt động lúc 5 giờ sáng; tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì từ 7-8 giờ sáng… nên việc theo dõi các đối tượng  rất khó khăn. Về cách phối hợp phạm tội, các thành viên trong băng đều được phân công vai trò chặt chẽ và việc bắt quả tang không dễ.

Trung tá Ngô Tấn Tài, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 5, cũng cho rằng do Bộ luật Hình sự mới có nhiều điểm còn sơ hở, trong đó yêu cầu đối tượng phạm pháp quả tang phải có tang vật nên cũng gây khó khăn cho công tác đấu tranh. Do đó, mặc dù phát hiện băng nhóm này đã có hoạt động từ rất lâu nhưng phải kiên trì đeo bám, Cảnh sát hình sự Công an quận 5 mới có thể bắt quả tang được các đối tượng.

Hiện không ít bệnh viện vẫn chưa thực sự có ý thức phòng chống tội phạm một cách quyết liệt. Chẳng hạn như nhiều bệnh viện thiếu camera an ninh hay có bệnh viện cho lắp đặt camera an ninh nhưng không đầy đủ cũng ảnh hưởng tới quá trình lần tìm dấu vết và trích xuất bằng chứng.

Bệnh viện là nơi đông người vào ra, luôn trong tâm trạng vội vã, lo lắng, vì vậy dễ sơ hở.  (hình minh họa).

Điển hình như vụ án trên, để khám phá thành công, bên cạnh số camera quan sát bao quát mà Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tự trang bị, Công an quận 5 đã phải xuất tiền, mua thêm camera gắn tại những điểm đối tượng có khả năng ra tay ở bệnh viện để lấy được những hình ảnh có thể trích xuất dùng làm bằng chứng đấu tranh với nhóm tội phạm trên, từ đó mới có thể bắt chúng cúi đầu nhận tội.

Cũng trong ngày 31-12-2019, Công an quận 5 cũng cung cấp thêm thông tin về việc Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 5 đã tìm ra hung thủ của vụ dàn cảnh trộm tài sản của bà Nguyễn Thị Kh. (SN 1940, quê Đồng Nai) xảy ra trước đó vào ngày 27-10-2019 tại phòng vệ sinh lầu 2, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh.

Theo trình bày của bị hại, vào lúc 9 giờ ngày 27-10-2019, khi bà Kh. đang ngồi trên võng ở lan can trước phòng 213 lầu 2 để chăm con điều trị tại bệnh viện thì có một người đàn ông đã đưa tay vuốt tóc bà Kh. và nói "cháo đổ hết lên đầu bà rồi kìa". Bà Kh. kiểm tra thì thấy tóc dính cháo thật. Sau đó, bà Kh. được người đàn ông này chỉ chỗ đến phòng vệ sinh cạnh phòng 214 lầu 2 để tắm gội.

Khi vào phòng tắm, bà Kh. đóng cửa phòng, cởi áo sơ mi treo lên móc áo trên tường rồi quay lại để tắm. Khi tắm xong, bà Kh. bất ngờ phát hiện chiếc áo đã bị mất trộm, bên trong áo có số tiền 23 triệu đồng, một điện thoại di động.

Qua trích xuất camera, Công an phát hiện có một đối tượng thanh niên đã dùng cháo ném lên đầu bà Kh. nên tiến hành truy xét. Vào cuối tháng 11-2019, Công an quận 5 đã bắt được Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1970, không nơi cư trú) là đối tượng đã gây ra vụ trộm cắp trên nên đã tiến hành bắt giữ Nghĩa.

Có thể thấy, qua các vụ việc kể trên, dù các bệnh viện đã tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, nhưng nhiều vụ trộm cắp tài sản của người bệnh vẫn xảy ra. Bởi đây là nơi đông người vào ra, luôn trong tâm trạng vội vã, lo lắng, vì vậy mọi người thường sơ hở, ít để ý đến tiền bạc, tài sản của mình. Nhiều vụ mất cắp tài sản đã khiến nhiều nạn nhân lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn, không còn đủ tiền trả viện phí, nuôi người bệnh.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, thiết nghĩ ngoài vai trò của lực lượng chức năng thì hiện nay, lực lượng bảo vệ của các bệnh viện cần được tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ban đêm tại những khu vực đông người; trang bị thêm hệ thống camera an ninh; đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho người bệnh, người nhà bệnh nhân biết, cảnh giác đề phòng. Các bệnh viện cũng tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, để bảo vệ an toàn tài sản của người nhà và bệnh nhân, ngoài trách nhiệm của các bệnh viện trong việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tình trạng trộm cắp tài sản kể trên thì người dân cũng cần nâng cao cảnh giác đối với loại tội phạm này.

Ánh Xuân

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文