Gần dân, trọng dân để được dân tin, dân yêu

11:15 19/08/2019
Hàng tuần, ngoài giờ hành chính, CBCS Ðội Ðăng ký quản lý cư trú – cấp và quản lý CCCD đã đến các thôn, bản, trường học để làm CCCD cho người dân. Người già yếu, bệnh tật thì CBCS sẽ đến tận nhà để làm. 


“Tôi tên là Bùi Thị Hồng, trú tại thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hoá, có mẹ là Nguyễn Thị Nghĩa, SN 1935, bị liệt hai chân không thể đi lại được. Mẹ tôi chưa từng làm chứng minh nhân dân (CMND) bao giờ. Nay tuổi cao, sức yếu, cần phải có căn cước công dân (CCCD) để được hưởng các chế độ trợ cấp và chữa bệnh. Do mẹ tôi không thể đi lại được nên tôi đã đến Ðội Cảnh sát Quản lý hành chính Công an huyện trình bày nguyện vọng, đề nghị giúp mẹ tôi làm CCCD. Các cán bộ tiếp đón tôi ân cần, hẹn tôi đến thứ 7 sẽ đến tận nhà làm căn cước cho mẹ. Ðúng hẹn, các anh, chị Công an đã đến tận nhà, người thì bế mẹ tôi dậy, người chụp ảnh, người làm các thủ tục cần thiết khác. Ðặc biệt, các anh chị không thu một đồng nào, kể cả lệ phí, lại còn biếu quà mẹ tôi. Có CCCD, mẹ tôi đã làm được các thủ tục hành chính khác, lúc về với ông bà có ảnh để thờ...” – Ðó là một trong hàng trăm lá thư mà người dân cảm ơn CBCS Công an Thanh Hoá vì đã không ngại khó khăn, vất vả để đến tận nhà giúp đỡ họ.

Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Hồng là gia đình bà Vũ Thị Châu, SN 1936, trú ở xã Thiệu Phúc, Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Bà Châu bị bệnh nặng, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện tỉnh Thanh Hoá nên chi phí điều trị rất cao. Tuy nhiên, do bị mất CMND nên bà không được hưởng bất cứ chế độ gì. 

Bệnh nặng nên bà Châu gần như không tỉnh táo, trên người liên tục phải cắm đủ loại máy móc từ đầu đến chân nên việc đến trụ sở Công an làm CCCD dường như không thể thực hiện được.

Thấy mẹ như vậy, con trai bà Châu đã đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Thanh Hoá hỏi xem gia đình có thể thuê 1 chuyến xe cấp cứu của bệnh viện đưa mẹ đến Phòng làm CCCD được không hay phải về Công an huyện. 

Công an Thanh Hóa đến tận nhà cấp căn cước công dân cho người già.

Nắm được thông tin, Trung tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng đã cử ngay một tổ công tác của Ðội Ðăng ký quản lý cư trú – cấp và quản lý CCCD đến tận giường bệnh để làm CCCD cho bà Châu. 

Cầm tấm căn cước  mà ảnh chụp mặt còn chằng chịt dây truyền, lại được các cán bộ Công an bảo rằng, sẽ chụp lại ảnh khi nào bà khỏi bệnh khiến gia đình bà Châu không khỏi xúc động, không ngờ, gia đình mình nghèo, không quen biết ai mà lại được giúp đỡ tận tình như vậy.

Ðược biết, trường hợp như bà Châu, bà Nghĩa là số ít trong hàng trăm người già bệnh tật, neo đơn được CBCS Công an đến tận nhà làm căn cước công dân. Ðối với họ, tấm căn cước không chỉ là “giấy thông hành” để có thể làm các thủ tục hành chính khác mà còn là tấm thẻ gắn kết họ với cuộc đời...

Ở Thanh Hoá, 27 huyện, thị, thành phố, bản xa nhất tính từ trung tâm tỉnh lên tới hơn 300km đường đèo dốc, khó đi. Trong khi đó, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hoá là một trong những đơn vị được Bộ Công an lựa chọn triển khai cấp CCCD thay CMND. 

Theo đó, toàn bộ hệ thống được lắp đặt cố định ở Công an cấp huyện, chỉ có 1 bộ cấp CCCD lưu động được để ở Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. So với máy móc cấp CMND trước đây thì hệ thống cấp CCCD cồng kềnh và phức tạp hơn nhiều, giá thành bộ cấp lưu động lại rất cao nên không thể có kinh phí để trang bị cho các huyện được. 

Chính vì vậy, hàng tuần, ngoài giờ hành chính, CBCS Ðội Ðăng ký quản lý cư trú – cấp và quản lý CCCD đã đến các thôn, bản, trường học để làm CCCD cho người dân. Người già yếu, bệnh tật thì CBCS sẽ đến tận nhà để làm. 

Ở Ðội, CBCS trẻ đến phụ nữ chân yếu, tay mềm như Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, đội trưởng đều phải vác theo máy móc, vượt đồi, lội suối đến với dân.

Cùng với việc tận dụng ngày nghỉ, ngày lễ để đến địa bàn cấp CCCD cho người dân, Trung tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng đã cùng CBCS Ðội Ðăng ký quản lý cư trú – cấp và quản lý CCCD tự giao trách nhiệm cho mình là làm thế nào nghiên cứu, cải tiến hệ thống cấp CCCD cố định ở các huyện để có thể cấp lưu động. 

Nhiệm vụ chính được giao cho Ðại uý Hoàng Ðình Ngọc – một cán bộ giỏi về CNTT, được Bộ Công an gửi đi đào tạo ở ngành ngoài. Sau nhiều đêm trăn trở, mày mò nghiên cứu, anh Ngọc đã nghĩ ra sáng kiến làm sao cải tiến được mô hình cấp CCCD để có thể trang bị cho Công an cấp huyện trong toàn tỉnh. Sau một thời gian tích cực nghiên cứu, thử nghiệm, anh Ngọc và đồng đội ở Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã có được mô hình cấp CCCD lưu động, tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn có.

Với mô hình cấp CCCD lưu động, hàng tuần vào thứ 7, chủ nhật, Công an các huyện đã triển khai lực lượng về các xã làm CCCD cho người dân. Cải tiến này đã áp dụng được 26/27 huyện, thị, thành phố, giải quyết hàng nghìn CCCD cho người dân có nhu cầu. Chỉ 2 ngày thứ 7, chủ nhật cao điểm trong toàn tỉnh, Công an Thanh Hoá đã cấp được 2.500 CCCD cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa thăm một gia đình chính sách.

Việc đến tận nhà, tận giường bệnh cấp CCCD cho người dân là một trong những việc làm của Công an Thanh Hoá trong thực hiện phong trào “Xây dựng hình ảnh người CBCS Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân” bởi CBCS nơi đây hiểu rằng chỉ thực sự được nhân dân ủng hộ mới có thể làm tốt công tác, nhiệm vụ của mình. 

Năm 2019, Công an Thanh Hoá phát động sâu rộng học tập chuyên đề về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương; ý thức trách nhiệm trước công việc và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; đồng thời phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả 2 đợt thi đua ngắn và phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề: “Bản lĩnh vững vàng, phẩm chất trong sáng, giữ kỷ cương phép nước; phấn đấu hết mình, sẵn sàng hy sinh, vì nhân dân phục vụ” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước...

Theo đó, mỗi đơn vị, cá nhân đều phải xác định rõ đối tượng phục vụ, trách nhiệm của mình, chọn điểm đột phá phù hợp với đặc thù công tác của đơn vị. Cảnh sát hình sự thì chọn đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, Công an huyện miền núi Bá Thước thì chọn quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; CSGT thì tăng cường xử lý vi phạm giao thông...

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, quán triệt tư tưởng của Bác Hồ là trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, Công an Thanh Hoá xác định rằng, điều quan trọng nhất để học tập, làm theo tư tưởng của Bác là thể hiện bằng các việc làm hàng ngày của từng CBCS, từng đơn vị.

Chính vì vậy, trong các chương trình, phương án, kế hoạch của Công an tỉnh đều hướng tới phục vụ nhân dân. 

“Các đơn vị tự đặt ra mục tiêu làm gì để phục vụ nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình bằng những việc làm cụ thể. Nếu không đạt mục tiêu đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Các sai phạm liên quan đến ứng xử với nhân dân, cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che, né tránh” – Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cho biết.

Phương Thủy

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文