Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường: “Trẻ” nhưng không “non”
- Phát hiện công ty sản xuất tinh bột xả thải ra môi trường
- Phòng chống tội phạm là để người dân sống trong môi trường an ninh, an toàn
- Trinh sát môi trường kể chuyện bắt "gỗ tặc" nơi rừng sâu
Cuối năm 2017, vụ lò giết mổ Xuyên Á (Củ Chi- TP Hồ Chí Minh) tiêm thuốc an thần cho heo bị phanh phui làm "chấn động" cả ngành Nông nghiệp. Hành vi vi phạm nghiêm trọng về chế biến thực phẩm rất tinh vi đã được những cán bộ chiến sĩ Phòng 7 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B) lật tẩy đưa ra ánh sáng.
Nghe tiếng hô sắc gọn: "Các anh đã bị bắt quả tang. Đứng yên!", hai nhân viên tại lò giết mổ khi ấy đang cầm kim tiêm thuốc cho heo giật mình định phi tang tang vật vi phạm nhưng làm sao kịp! Tổ công tác vòng ngoài khi ấy cũng kịp nhận được tín hiệu ập vào. Cùng với 12 chủ thương lái khác có hành vi tiêm thuốc an thần vào heo không thể chối tội vì mọi chứng cứ đã được ghi nhận trong nhiều ngày trước đó.
Gần 2 tháng tổ trinh sát Phòng 7 - C49B phải đeo bám hàng đêm, thay phiên nhau làm việc cật lực. Họ có mặt ở khu lò giết mổ từ khoảng 18h. Từ Sài Gòn xuống Củ Chi thường phải chạy xe máy hơn 30km, vất vả, đường lại xấu, chạy xe ban đêm rất nguy hiểm.
Ca làm việc của họ cũng phải hoà nhập vào guồng quay của lò giết mổ lớn nhất khu vực thành phố này. Họ cũng phải lăn xả vào làm vệ sinh lò heo, quét dọn, sục rửa nước, tắm cho heo, đưa heo từ xe tải xuống chuồng nhốt để chờ tới đêm mới giết mổ. Vai các cán bộ chiến sĩ phải làm nhiệm vụ này có khi tướm máu, sáng về nhức nhối ê ẩm.
Khi đi trên những thanh sắt tròn trên miệng chuồng để "xuống heo", chênh vênh rất nguy hiểm vì nước, rác, phân heo... dễ gây trơn trượt, lại thêm mùi phân heo đặc sánh cũng phải làm quen. Đại uý Hoàng Chương, cán bộ Phòng 7, C49B nói, nhiều sáng về tới nhà, vợ anh chỉ nói nhỏ: Anh đi tắm đi, mùi kinh khủng lắm!
Cùng phối hợp với lực lượng QLTT bắt giữ cơ sở sản xuất trà tẩm hoá chất độc hại tại quận Bình Thạnh TP HCM. |
Phải điều nghiên mất hàng tuần, các trinh sát mới phát hiện được qui luật hoạt động tiêm thuốc an thần cho heo. Dù đã tìm cách vô hiệu hoá camera nhưng các thương lái vẫn rất ranh ma. Họ cho nhân viên dùng máy phun sương lấy cớ làm giảm nhiệt cho heo nhưng thực chất việc phun nước thành sương mù này làm cả khu vực các ô giết mổ đều có một màu mờ ảo của hơi nước để dễ bề hoạt động.
Tổ trinh sát ghi nhận có 13/21 chủ có thuê ô giết mổ ở đây có hành vi tiêm thuốc thường xuyên. Ngoài ra, khi bắt đầu thực hiện tiêm thuốc, thương lái cũng bố trí 1 người canh bên ngoài, một người thực hiện và tắt đèn tại ô tiêm thuốc. Thuốc đã được pha sẵn với dung dịch truyền đưa vào chai nước tinh khiết loại 1,5 lít.
Nhưng, nhiều lúc vội, mấy nhân viên này để nguyên dung dịch thuốc trong chai dịch truyền mang vào mà chẳng lo ngại điều gì. Đây cũng chính là những tình tiết cho thấy, công tác giám sát của thú y tại đây đã bị "bịt mắt", "bịt tai" hoặc cố tình không nhìn thấy để các chủ thương lái ngang nhiên hành động.
Đại uý Hoàng Chương nói: sau khi vụ việc 4000 con heo tại lò giết mổ trên bị "ăn" thuốc an thần được phanh phui, 23 cán bộ thú y trong đó có cả lãnh đạo ngành này đã bị kiểm điểm, khiển trách, kỉ luật. Có lãnh đạo thú y còn bị điều chuyển công tác. Đây có thể nói là một chuyên án thành công của C49B, làm "rúng động" ngành Nông nghiệp.
Trứng Bắc Thảo một món ăn khoái khẩu trên các mâm cỗ ngày Tết tại phía Nam. Nhưng nếu làm theo kiểu truyền thống sẽ mất thời gian vì phải ủ bằng tro, trấu và thuốc Bắc ngâm cả tháng, thế nên nhiều thương lái có “bí quyết” chỉ ngâm vài tiếng là có trứng Bắc Thảo “chín”. Nắm được thông tin, các cán bộ C49B lại nằm vùng với dân buôn trứng.
Cho đến khi cùng phối hợp với Công an địa phương, lực lượng QLTT, Phòng 7 - C49B ập vào một ngôi nhà tại quận Bình Tân với hiện trường có 24.000 quả trứng vịt Bắc Thảo đang được ngâm với dung dịch hoá chất không rõ nguồn gốc.
Chủ cơ sở cho biết, sau vài giờ ngâm dung dịch hoá chất mua tại chợ Kim Biên, sẽ cho ra quả trứng Bắc Thảo chín với màu đen óng như màu thạch. Các xét nghiệm sau này mới phát hiện ra hoá chất đó là Sunphat đồng.
Sau này khi một trinh sát Phòng 7 đem chiếc lọ đựng mẫu dung dịch hoá chất này ra xem thì thấy hoá chất đã ăn thủng cả đáy chiếc chai thuỷ tinh. Thật may, món thực phẩm độc này đã kịp được phát hiện, triệt tiêu ngay trước Tết, không lọt vào mâm cơm ngày Xuân của người dân.
Cuối năm 2016 khi heo hơi giá chỉ còn 25.000 – 27.000 đồng/kg, người nuôi bỏ không chăm sóc dẫn đến heo bệnh, heo chết khá nhiều tại khu vực Đồng Nai. Đây lại là mảnh đất màu mỡ cho thương lái độc ác làm giàu.
Tuyến đường vận chuyển heo bệnh, heo chết được các trinh sát nắm là từ Đồng Nai về Bình Dương. Hàng tháng trời, từ ban đêm tới sáng, họ phải bám theo dấu các xe tải chở hàng thịt heo bẩn. Đeo bám không dễ. Những hôm trời mưa gió, phương tiện phải thay đổi, biện pháp nghiệp vụ cũng thay đổi liên tục. Anh em tham gia nhiệm vụ người cứ sạm đi vì mất ngủ.
Mải quan sát ngã xe cũng là chuyện thường. Trinh sát Hoàng Chương cũng bị ngã xe máy trong một lần bám theo xe chở thịt bẩn này. Cuối cùng tội ác cũng được phơi bày. Các đối tượng bị bắt quả tang khi vừa đổ hàng tại 4 sạp heo khu chợ tự phát số 1B, phường An Phú, Dĩ An, Bình Dương.
Cùng lực lượng QLTT Bình Dương, qua kiểm tra tại các điểm sạp trên và tịch thu trên 1 tấn thịt bẩn. Toàn bộ số thịt heo này đã bị biến chất, bốc mùi. Nhiều tảng thịt heo có biểu hiện của bệnh heo tai xanh, bị bệnh sán, lợn gạo. Họ đã ngăn chặn được một lượng thực phẩm bẩn này không lọt vào bữa ăn của công nhân.
Vụ việc nổi cộm nữa là phát hiện Công ty cổ phần XNK Thương mại hóa chất Đắc Trường Phát (số 1229 C, Quốc lộ 1A, khu phố 5, Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng 8 doanh nghiệp khác liên quan, có hành vi kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng nhập lậu.
Đây là doanh nghiệp lớn nhất khu vực miền Nam nhập khẩu và kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm cung ứng cho chợ Kim Biên. Trong vụ việc này đã tịch thu, tiêu hủy 46.931kg hóa chất độc hại gồm 102 danh mục hóa chất các loại.
CSMT- C49B phát hiện vụ 43 tấn măng ngâm hoá chất công nghiệp Trung Quốc tại quận 12 (năm 2015). |
Trung tá Võ Văn Khứ-Phó Trưởng phòng 7- C49B chia sẻ, các vi phạm về ATTP diễn ra hàng ngày, phổ biến nhất vẫn là kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc, không xuất xứ, kinh doanh phụ gia hoá chất cấm, độc hại. Vì lợi nhuận, các đối tượng đã dùng nhiều mánh khoé tinh vi. Mỗi vụ án thành công đòi hỏi cán bộ chiến sĩ phải tự mày mò nghiên cứu, lao tâm khổ tứ.
Chỉ tính riêng từ năm 2006 tới nay, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện hàng trăm ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và ATTP, khởi tố trên 3.000 vụ với 4.300 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền phạt 1.166 tỷ đồng...
Những ngày cuối năm khi mà người người khắp nơi đang chuẩn bị đón chào một năm mới thì với họ, những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường lại bận rộn hơn bao giờ hết. Vì đây cũng là đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Nhận lệnh là họ lại tất bật lên đường làm nhiệm vụ. Để có một cái Tết an lành đến với mọi nhà, những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vẫn đang lặng thầm cống hiến.