Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân

An ninh miền Nam và những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (bài 5)

07:03 27/07/2020
Chặng đường 75 năm phát triển của lực lượng Công an nhân dân (1945-2020) luôn gắn với các chiến công oanh liệt của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS), Công an trên các mặt trận đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), đấu tranh với tội phạm, các thế lực thù địch ở từng giai đoạn cách mạng khác nhau.


Kết thúc giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, CAND bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954-1975), đập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt ”, “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ…

Ngày 20/12/1960, “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” ra đời. Lực lượng cách mạng ngày càng phát triển, mở rộng. Trước những cuộc đấu tranh mạnh mẽ và dồn dập của quân và dân ta, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, xương sống của chiến lược này là tập trung dồn dân, lập “ấp chiến lược” nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi quần chúng để thực hiện thủ đoạn “tát nước bắt cá”.

Về mặt quân sự, Mỹ cho tiến hành kế hoạch “chống nổi dậy” (CIP) ở miền Nam nhằm phục vụ gom dân lập ấp chiến lược. Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ xây dựng kế hoạch mang tên Staley Taylor với nội dung cơ bản là tăng cường quyền lực của phái đoàn cố vấn quân sự, triển khai lực lượng yểm trợ, đưa quân và phương tiện chiến tranh vào miền Nam hòng “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng.

Mỹ tài trợ cho ngụy thành lập “Phủ đặc ủy Trung ương tình báo” hoạt động song song với “Sở nghiên cứu chính trị xã hội”, “Nha cảnh sát đặc biệt”, “lực lượng đặc nhiệm” và thành lập “Nha cảnh sát quốc gia”, đưa tổ chức, bộ máy tình báo, gián điệp và các cơ quan đàn áp, kìm kẹp của Mỹ - ngụy lên tới hàng chục vạn tên.

Nhân dân phá “Ấp chiến lược”, khiêng nhà về nơi ở cũ. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong giai đoạn này, địch tiến hành chiến lược “Tình báo đại chúng” hòng thực hiện âm mưu “tình báo hoá nhân dân”, xây dựng mạng lưới gián điệp, chỉ điểm rộng rãi trong các tôn giáo, các dân tộc, để điều tra tin tức, tìm kiếm cơ sở, lực lượng của ta phục vụ cho việc khủng bố, đàn áp của chúng.

Tháng 10/1961, Trung ương Cục miền Nam quyết định đổi tên “Ban bảo vệ an ninh Xứ ủy” thành “Ban bảo vệ an ninh Trung ương Cục”, sau là “Ban an ninh Trung ương Cục”. Đến năm 1962, Ban an ninh khu, tỉnh, thành phố, huyện được thiết lập ở hầu hết các địa phương thuộc vùng giải phóng và vùng tranh chấp, nhiều nơi thành lập đến cấp xã. 

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCL công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân.

Cùng với sự chi viện của Công an miền Bắc, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng về nghiệp vụ được tăng cường, bộ máy an ninh các cấp không ngừng được kiện toàn, phát triển, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Năm 1963, Ban An ninh Trung ương Cục tiến hành Hội nghị an ninh toàn miền lần thứ nhất để bàn nhiệm vụ trọng tâm và thống nhất cơ chế chỉ đạo giữa Ban an ninh các cấp.

Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ chung của lực lượng an ninh miền Nam là “Ra sức ngăn ngừa và đánh bại mọi âm mưu, hoạt động gián điệp, phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng miền Nam, đồng thời tích cực góp phần bảo vệ miền Bắc”.

Hội nghị xác định 3 nhiệm vụ chính: Ra sức đánh bại mọi âm mưu, hoạt động của các tổ chức gián điệp, phản động, phá hoại cách mạng trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn bằng cách trấn áp bọn ngoan cố, bọn nguy hiểm, đồng thời tranh thủ giáo dục, cải tạo những cơ sở xã hội phức tạp mà địch có thể lợi dụng được; ra sức khắc phục mọi sơ hở của ta, nâng cao cảnh giác, phòng gian bảo mật, bảo vệ nội bộ, bảo vệ việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, chống sự lũng đoạn và phá hoại của địch; thực hiện nhiệm vụ đánh địch trước, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện, chủ động trấn áp bọn gián điệp, phản động sau khi cách mạng thành công.

Sau hội nghị, lực lượng an ninh toàn miền đã phát động phong trào “Bảo mật phòng gian” kết hợp các biện pháp nghiệp vụ điều tra phát hiện và bóc gỡ hàng chục vụ nội gián địch cài cắm vào các cơ quan Đảng, Mặt trận và lực lượng cách mạng của ta; đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, phá ấp chiến lược và chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng, giải phóng đồng bào ta khỏi ách kìm kẹp của địch.

Từ năm 1961 đến năm 1965, lực lượng an ninh miền Nam đã khám phá 458 vụ nội gián; phát động 19.463.606 lượt quần chúng đứng lên đấu tranh, phá 4.248 ấp, 10 khu trù mật ở 87 xã, đưa hàng chục vạn dân về nơi ở cũ. Riêng năm 1965, ta đã vận động quần chúng phá 1.601 ấp chiến lược, đưa gần mười ngàn quần chúng trở lại sinh sống ở xã, ấp cũ.

Các lực lượng an ninh đã góp phần bắt diệt 39.038 tên, đưa hơn hai vạn tên đi giáo dục, cải tạo. Ở các vùng căn cứ, giải phóng, ta đã bảo vệ tốt các cơ quan của Đảng và bảo vệ các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Những thành quả của lực lượng an ninh miền Nam trong giai đoạn này đã góp phần to lớn cùng quân và dân ta đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân rất ác liệt đối với miền Bắc.

Mục tiêu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, là: Tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta; bình định nông thôn, mở rộng quyền kiểm soát, củng cố ngụy quân, ngụy quyền; tăng cường đánh phá miền Bắc để ngăn chặn sự chi viện giữa hậu phương và tiền tuyến. Để thực hiện mục tiêu trên, Mỹ - ngụy liên tục mở những cuộc càn quét lớn, dài ngày, đánh chiếm các căn cứ, tìm diệt các cơ quan đầu não, lực lượng chủ lực của ta trên khắp các vùng, các chiến trường vào 2 mùa khô 1965-1966 và 1966- 1967.

Trước âm mưu và hoạt động táo bạo của địch, Trung ương Cục chỉ đạo an ninh các cấp đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường phối hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng tiến công địch dưới hình thức chính trị và vũ trang, quyết tâm đập tan mọi âm mưu hoạt động của chúng.

Lực lượng An ninh nhân dân đã đi sâu nắm tình hình đề xuất với các cấp ủy có chủ trương, biện pháp đối phó kịp thời với các cuộc hành quân càn quét dữ dội của địch và đẩy mạnh diệt ác trừ gian, trừng trị những tên tình báo, gián điệp, cảnh sát ác ôn nguy hiểm ngay trong các thành phố, thị xã, làm cho chúng hoang mang dao động ngay cả nơi mà chúng cho là an toàn nhất.

Lực lượng an ninh toàn miền còn tích cực tham gia vận động quần chúng phá kế hoạch bình định của địch, giải phóng quần chúng khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Đáng chú ý là chiến công của lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định (T4) và an ninh miền Đông đã kết hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng đập tan cuộc càn quét Atelboro gồm lữ đoàn 196 Mỹ, sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, một bộ phận lữ đoàn dù 173 Mỹ, 1 trung đoàn xe bọc thép có từ 350 - 400 xe, sử dụng 7 đến 8 tiểu đoàn pháo 105, 175, 203mm (khoảng 130 khẩu) và 7 đại đội đặc biệt ngụy, chưa kể lực lượng địa phương. Tổng cộng trong cuộc càn quét này có khoảng 28.000 tên tham chiến với cả máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay chiến đấu khác yểm trợ đánh vào khu tam giác sắt: Bến Cát, Củ Chi, Trảng Bàng nhằm đánh sập địa đạo, san ủi địa hình, tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá nát căn cứ Sài Gòn - Gia Định của ta.

Trong hơn 20 ngày đêm, các lực lượng vũ trang, an ninh khu Sài Gòn - Gia Định và Thủ Dầu Một đã dũng cảm chiến đấu liên tục, tiêu diệt 3.200 tên địch, phá hủy 140 xe tăng, xe bọc thép, bắn cháy 25 máy bay, bắn chìm 2 tàu chiến của địch, khiến chúng phải chịu những tổn thất nặng nề.

Sau thất bại cuộc càn quét Atelboro, Mỹ - ngụy điên cuồng mở tiếp cuộc càn quét với quy mô lớn hơn mang tên Junction City gồm 45.000 quân Mỹ, chư hầu và ngụy Sài Gòn, 1.200 xe bọc thép, xe tăng, hàng ngàn xe cơ giới, 200 khẩu pháo cỡ lớn, hàng trăm máy bay, trong đó có cả máy bay chiến lược B52 đánh vào căn cứ bắc Tây Ninh nhằm phá hủy căn cứ kháng chiến, tiêu diệt cơ quan đầu não, tiêu hao lực lượng chủ lực quân giải phóng, chiếm đài phát thanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, phá kho tàng, dự trữ hậu cần, chia cắt khu căn cứ mà từ lâu chúng coi là “Vùng đất thánh”.

Được sự chỉ đạo của Trung ương Cục, lực lượng vũ trang giải phóng và Ban An ninh Trung ương Cục, Trung đoàn An ninh 180 và các cơ quan dân, chính, đảng xây dựng thế trận chiến đấu liên tục suốt 51 ngày đêm, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều CBCS an ninh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu này.

Trong hai năm 1966-1967, các lực lượng an ninh miền Nam đã sát cánh cùng quân và dân miền Nam chiến đấu kiên cường, mưu trí và sáng tạo ở khắp các vùng chiến lược trên khắp các chiến trường, đập tan kế hoạch phản công chiến lược mùa khô của địch.

Để cứu vãn tình hình, đầu năm 1968, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định đưa thêm vào miền Nam 24.000 quân, đồng thời đưa thêm một số nhân viên tình báo, lập ra các trung tâm tình báo hỗn hợp ở Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế trực tiếp chỉ đạo tình báo, gián điệp, cảnh sát ngụy và phối hợp tin tức chiến trường. Để che giấu bộ mặt, cơ quan CIA của Mỹ ở miền Nam đổi thành “Cơ quan phối trí an ninh bình định” và củng cố tổ chức “Trung ương tình báo” của ngụy quyền Sài Gòn.

Căn cứ những điều kiện chính trị, quân sự của ta và địch trong nước và trên thế giới, tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết tổng công kích, tổng khởi nghĩa với mục tiêu là đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, tạo điều kiện giành độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước; thời gian tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa được chọn vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968. Nghị quyết của Bộ Chính trị được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III thông qua tháng 1-1968.

Thực hiện chủ trương của Đảng, đêm 30, lực lượng Công an miền Bắc và an ninh miền Nam tập trung lực lượng triển khai phục vụ tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ở miền Bắc, Đoàn Thanh niên Bộ Công an đẩy mạnh phong trào "Ba sẵn sàng", phát động phong trào tuổi trẻ Công an tình nguyện lên đường chi viện an ninh miền Nam.

Trên các mũi tiến công vào thành phố, thị xã, thị trấn, các lực lượng an ninh tham gia tích cực trong công tác bảo vệ, làm nhiệm vụ dẫn đường và cùng các lực lượng vũ trang khác từ bên ngoài tấn công, phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng, lực lượng tại chỗ, đã bắt, diệt 15.135 tên địch, trong đó có 1.359 tình báo các loại, 35 tên CIA, 1.766 cảnh sát, 632 tên bình định nông thôn, 269 tình báo an ninh quân đội ngụy, 492 tên ác ôn.

Hệ thống kìm kẹp của địch bị tan rã nặng nề. Một số tên trưởng, phó ty, cuộc cảnh sát, quận ủy Quốc dân đảng bị trừng trị. Một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch bị phá hủy…

Những chiến công của lực lượng an ninh miền Nam và sự chi viện kịp thời của Bộ Công an đã góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh dấu sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.

Nhóm PVTS (Còn nữa)

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文