Băng qua mưa lũ, cứu cả bản suýt bị xóa sổ

09:16 02/07/2018
Đến chiều 1-7-2018, còn 9 nạn nhân của cơn “đại hồng thủy” ở Lai Châu vẫn nằm đâu đó trong lòng đất. Nỗi đau thương này luôn ám ảnh, dày vò trong lòng người thân của họ, cũng là nỗi canh cánh với những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chứng kiến những giọt mồ hôi hòa với nước mưa của những người cứu hộ trong suốt một tuần qua, chúng tôi thầm mong cho phép màu xuất hiện để các nạn nhân sớm được tìm thấy.

Nhìn hình ảnh của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, những chiến sĩ Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Lai Châu giúp dân chạy lũ ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, chúng tôi không khỏi cảm động. Trong đau thương ở một bản trắng vừa xảy ra trận “đại hồng thủy” quét sạch ngôi làng với 25 nóc nhà, hình ảnh của họ hiện lên thật quả cảm.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vác lương thực từ nơi sạt lở về cho dân.

Bên bờ vực sâu hoắm, những nóc nhà trôi dạt dưới vực sâu, khi dư chấn của lở núi vẫn chưa hết, họ đã dũng cảm băng rừng tới hiện trường tìm kiếm, khuân vác lương thực cho dân ra ngoài. Để vào được Sáng Tùng, họ phải băng qua một quả đồi khác. Miệng núi sạt lở nham nhở, đường đi vào cheo leo, chỉ sơ sểnh có khi rơi xuống vực. Mưa suốt những ngày qua làm đất rừng nhão nhoẹt và trơn trượt. Nguy hiểm luôn cận kề nhưng lực lượng cứu nạn vẫn xông pha vào gian khó để cứu tài sản cho bà con.

Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, tổ công tác của các anh gồm 20 CBCS nhận lệnh lên đường vào Sáng Tùng sáng 27-6 khi cơn lũ quét đã xóa sổ cả bản. Tới nơi là khung cảnh tang thương, bà con òa khóc khi nhà cửa, tài sản trôi hết. Nhiều người tiếc của xông đến nơi đổ nát xem còn thứ gì sót lại nhặt đem ra. Để đảm bảo an toàn, lực lượng Cảnh sát cơ động làm hàng rào bảo vệ. Lực lượng Cảnh sát cứu nạn cứu hộ vượt rừng đến nơi xảy ra lũ quét, khi xác định có thể đi vào, các anh đã bằng mọi cách nhanh nhất vào lấy lương thực chuyển ra ngoài cho dân.

Cả ngày 28-6, lực lượng cứu hộ vừa dựng lán tạm dọc đường (cách hiện trường sạt lở 3km) cho dân vào ở, vừa chuyển đồ đạc đến nơi ở tạm. Ngày 29-6, họ đã dựng được 21 lán trại cách bản Sáng Tùng 5km để dân có chỗ ở. Theo phương án của huyện Sìn Hồ sẽ bố trí 28 mặt bằng (cách hiện trường 5km), giao cho chính quyền xã tận dụng gỗ xây dựng nhà cho dân sống ổn định. Hiện đã có doanh nghiệp hỗ trợ 28 nhà bạt cho bà con định cư tạm trong những ngày tiếp theo.

Kể về cuộc vận động đầy khó khăn nhưng thành công di dân ra khỏi nơi sạt lở, Trung tá Sùng A Xuân, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ không khỏi rùng mình. Đó là ngày 25-6, Công an huyện nhận được tin báo từ địa bàn tại bản Sáng Tùng xuất hiện một số vết nứt. Mưa to suốt mấy ngày qua nên khả năng sạt lở là rất lớn.

Công an huyện đã huy động 100% CBCS, trong đó giao trọng trách cho phần lớn CBCS nắm tình hình tại các bản có nguy cơ sạt lở, tham mưu cho chính quyền xã kịp thời di dời dân. Trong ngày 25-6 các anh đã trao đổi với chính quyền xã Sáng Tùng giao cho Trưởng bản, Bí thư Chi bộ vận động nhân dân di dời. Nhưng khi cán bộ đến nhà vận động thì dân bản lại không nghe, họ nói không sợ, cứ ở lại.

Nhận thấy tình hình khó khăn, dù đường hoàn toàn bị cô lập do lũ ống, lũ quét đã làm sạt lở nhiều đoạn nhưng Trung tá Sùng A Xuân và một tổ công tác gồm 30 CBCS Công an huyện đã tìm đường rừng đi bộ trong tiết trời mưa xối xả để vào Sáng Tùng. Các anh vận động bà con di chuyển một thời gian, nếu hết mưa không xảy ra vấn đề gì thì quay lại. Nhưng bà con thì người bảo chẳng sao đâu, người bảo không sợ, có người còn nói mình làm gì ác mà trời phạt… Một số gia đình bận mùa màng sau khi được vận động đã chủ động đem tài sản đi. Nhưng một số lại chủ quan, coi như chuyện đùa, không quan tâm chạy lũ.

Đến chiều 26-6 một số điểm trong xã xuất hiện vết nứt lớn, nhiều người hoảng sợ thu dọn đồ chạy đi, nhưng một số người còn ngồi uống rượu tới nửa đêm, khi thấy mưa ầm ầm mới bỏ chạy. Khi chân núi bắt đầu trôi, bà con lúc này mới cảm thấy hoảng sợ chạy sang khu vực bên cạnh cách bản gần 1km.

Lúc 3h sáng 27-6, lũ ống, lũ quét dội xuống Sáng Tùng như những chiếc vòi rồng khổng lồ, đất đá, nước đã trôi xuống tạo thành một vực sâu, cuốn phăng cả bản với 25 nóc nhà xuống đó. Không nhìn thấy nhà cửa đâu nữa, dân bản òa khóc nức nở. Công an huyện ngoài giúp dân di chuyển đồ đạc an toàn, còn phải làm công tác ổn định tư tưởng, vận động bà con không hoang mang, không nghe theo kẻ xấu.

Hơn 30 CBCS dầm mưa trong suốt những ngày qua, nhưng thành công lớn nhất là họ đã vận động được người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu chỉ chậm một chút thời gian nữa thôi, có thể 162 con người không thể may mắn thoát chết trong cơn giận dữ của thiên nhiên.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, các tổ công tác cứu hộ cứu nạn ở Sáng Tùng và xã Noong Hẻo của huyện Sìn Hồ đã rút về. Công tác tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích ở Noong Hẻo gần như vô vọng, hiện trường mất tích rộng, diện tích đất đá sạt lở sâu, phương hướng xác định nạn nhân như “mò kim đáy bể”. Vì bị cô lập, lực lượng cứu hộ phải băng rừng vào xã nên không đem theo được máy móc. Hơn 100 chiến sĩ gồm cả Công an, Quân đội ngâm mình trong bùn sâu cả tuần dùng phương tiện thủ công đào bới nên hiệu quả không cao.

Suốt những ngày qua, xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ) bị cô lập hoàn toàn, từ trung tâm huyện vào được xã phải đi bộ khoảng 20km đường rừng, nhưng thường xuyên bị sạt lở. Ông Mùa A Đại, Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải cho biết, mưa lũ làm 6 người trong xã chết và mất tích, cả xã chìm ngập trong biển nước và đất đá. Ngày 25-6, bốn người trong một gia đình bị ta luy dương sạt xuống mất tích nhưng đã tìm được xác. Hiện còn 2 người ở bản Háng Lìa và Thà Giang Phu (bị đá rơi vào) mất tích. Vì chưa có đường vào nên lực lượng cứu hộ có vào được nhưng không có máy móc thì cũng chỉ như tìm “kim  đáy bể”.

Vất vả luôn chờ đợi phía trước bởi còn 9 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy. Được biết, tổ công tác của Công an huyện Sìn Hồ gồm 7 đồng chí có mặt tại Tủa Sín Chải đã nhiều ngày nay làm công tác cứu hộ. Sau khi rút quân khỏi Noong Hẻo và Sáng Tùng, Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường lực lượng vào Tủa Sín Chải để tìm kiếm người mất tích. Mong sao thời tiết ủng hộ để thân nhân người mất tích cùng lực lượng cứu hộ sớm tìm thấy các nạn nhân.

Hằng Xuân

Tối 30/12, tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Huyện uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Công Đông tổ chức chương trình văn nghệ và tặng quà "Tết vì người nghèo" - Xuân Ất Tỵ 2025. Chương trình văn nghệ và các phần quà do Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng (tỉnh Bắc Ninh) tài trợ.

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương với lực lượng vũ trang năm 2024. 

Liên quan đến nội dung của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, trao đổi với PV Báo CAND ngày 30/12, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT đã giải thích các quy định liên quan đến điểm và trừ điểm GPLX.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Thanh tra Bộ Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文