Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - người đặt nền móng toàn diện cho công tác Tình báo CAND

10:27 22/02/2021
Lời tòa soạn: Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Tình báo CAND (21/2/1946 – 21/2/2021) và kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 – 23/1/2021), đồng chí Thứ trưởng Bùi Văn Nam có bài viết về cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác Tình báo. Báo CAND xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách đứng đầu lực lượng CAND trong suốt gần 30 năm (từ 1952 đến 1979) - đã có những đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) và xây dựng lực lượng (XDLL) CAND Việt Nam, đặt nền tảng quan trọng xây dựng lý luận CAND. Đối với công tác Tình báo CAND, đồng chí cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, là người đặt nền móng về tổ chức, phát triển lực lượng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đồng thời có những chỉ đạo hết sức sâu sát, sáng tạo, mang tầm chiến lược.

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gặp các đồng chí nữ điệp báo ra tập huấn ở miền Bắc trước khi trở về miền Nam công tác, năm 1974. Ảnh tư liệu.

Quán triệt, vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác tình báo ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và vị thế đất nước

Tháng 8/1952, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương Đảng phân công phụ trách ngành Công an. Ngày 6/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam, tiếp đó giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an và sau là Bộ trưởng Bộ Công an. Đây cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp chuẩn bị bước vào giai đoạn tổng phản công. Để thực hiện trọng trách mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trên cương vị lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt công tác Tình báo là nhiệm vụ đầu tiên trong công tác Công an; đồng thời, yêu cầu ngành Công an phải làm tốt công tác đặc biệt này.

Tại Hội nghị Trinh sát lần thứ nhất của ngành Công an (6-1953), Bộ trưởng nêu rõ phải: “Phái khiển nhiều dây, thống nhất lãnh đạo, tinh cán bí mật, đi sâu vào lòng địch để lấy tin tức tài liệu về phản gián”. Việc sớm xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác phái khiển trong công tác Công an còn được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh trong Chỉ thị 1783 P5/V6 ngày 28/10/1959 của Bộ Công an về đẩy mạnh công tác phái khiển: “Công tác phái khiển và vấn đề đánh đặc tình của cơ quan Công an vào cơ quan Tình báo tư bản, đế quốc và các tổ chức phản động ở nước ngoài có tính chất đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác phản gián”. Nhiều ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng sau này đã trở thành phương châm, nguyên tắc cho công tác Tình báo CAND.

Không chỉ có những chỉ đạo quan trọng, mang tầm chiến lược, hướng đi đúng đắn, quyết định sự thành công của lực lượng Tình báo trong kháng chiến chống Pháp mà đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam chuyển sang thế tiến công, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định lập 5 tổ tình báo, nhiều lớp đồng chí đã xuống giảng dạy, huấn luyện… sau đó ta bố trí vào các Tổ Tình báo chiến lược tại chiến trường miền Nam. Ngay sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã sớm báo cáo Bộ Chính trị và chỉ đạo tổ chức lại công tác Tình báo ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và vị thế đất nước.      

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ rõ, lực lượng Tình báo CAND phải luôn chú trọng tư tưởng “chủ động tiến công”. Bộ trưởng luôn yêu cầu lực lượng Tình báo CAND phải nhạy bén chớp thời cơ đẩy mạnh công tác tình báo và chỉ ra cho Tình báo những thời cơ chiến lược trong những giai đoạn mang tính then chốt. Quán triệt sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, lực lượng Tình báo đã khẩn trương chỉ đạo các tổ, các đơn vị tình báo trong và ngoài nước tranh thủ thời cơ, tận dụng mọi khả năng, điều kiện để đẩy mạnh việc tìm chọn đầu mối XDLL và tổ chức triển khai công tác nắm tình hình. Tư tưởng chủ động tiến công của đồng chí Bộ trưởng còn được thể hiện rất rõ ở khâu chuẩn bị bộ máy tổ chức và cán bộ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài việc xác định địa bàn miền Nam là địa bàn chính, Bộ trưởng còn chỉ đạo Tình báo mở rộng ra các địa bàn quan trọng ở bên ngoài. Chính công tác tình báo ở các địa bàn này đã góp phần giúp ta nắm chắc tình hình địch, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ: “Tình báo phải dựa vào dân”, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã có những chỉ đạo quan trọng đối với lực lượng Tình báo CAND. Từ thực tế lịch sử của công tác tình báo qua nhiều giai đoạn, đến nay, lực lượng Tình báo CAND càng có cơ sở vững chắc để khẳng định việc phát huy vai trò của nhân dân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của công tác tình báo. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn chỉ đạo lực lượng Tình báo vận dụng linh hoạt đường lối của Đảng về “phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” vào công tác tình báo…

Có thể khẳng định rằng, những tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đối với công tác tình báo đã giúp lực lượng Tình báo CAND không ngừng phát triển cả về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ được giao, cùng toàn lực lượng CAND tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế của đất nước.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn quan tâm, chỉ đạo mọi mặt công tác xây dựng lực lượng Tình báo CAND

Một đặc điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Tình báo CAND của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là công tác tổ chức, cán bộ phải luôn đi trước một bước, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng lực lượng Tình báo trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đặt ra yêu cầu cao đối với mọi cán bộ Tình báo khi công tác ở trong nước, khi vào vùng địch hay khi triển khai ra nước ngoài.

Để đảm bảo cho công tác tình báo phát triển, Bộ trưởng rất coi trọng và trực tiếp lựa chọn, điều động cán bộ lãnh đạo cho cơ quan Tình báo. Bộ trưởng đã trực tiếp lựa chọn đồng chí Viễn Chi, Giám đốc Công an khu Tả ngạn về giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn công tác phái khiển các khu, sở, ty; sau này đồng chí Viễn Chi là Vụ trưởng Vụ Phái khiển.

Ngoài ra, có thể kể đến rất nhiều đồng chí lãnh đạo của ngành Công an được Bộ trưởng lựa chọn đưa về phụ trách công tác tình báo, như các đồng chí: Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Sanh Châu, Lê Thanh Vân, Huỳnh Anh, Nguyễn Đình Bảy… Các đồng chí này cũng từng lãnh đạo Công an các địa phương trọng điểm ở miền Nam thời kỳ chống Pháp, thông thuộc địa bàn, có kinh nghiệm trong công tác nắm tình hình địch. Do đó, khi được giao đảm nhiệm các trọng trách trong công tác tình báo, các đồng chí đã giúp lãnh đạo Bộ triển khai có hiệu quả công tác tình báo vào các địa bàn trọng điểm ở chiến trường miền Nam.

Đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm đến việc tuyển chọn, huấn luyện cho lực lượng Tình báo các cán bộ, lực lượng Tình báo có năng lực nghiệp vụ sắc sảo, phẩm chất chính trị vững vàng, chỉ đạo cơ quan tình báo nghiên cứu, bố trí hoạt động tại những địa bàn trọng điểm, trong những mục tiêu đầu não quan trọng của địch.

Đặc biệt, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tình báo phải được huấn luyện hẳn hoi”, ngay từ năm 1962, trong điều kiện còn rất khó khăn thiếu thốn, đồng chí Bộ trưởng vẫn chỉ đạo Vụ Phái khiển mở khóa đào tạo tình báo dài hạn đầu tiên (T1-62), đào tạo toàn diện cả về chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ và đích thân trực tiếp tham gia giảng dạy khóa học. 15 học viên khóa đào tạo sau khi tốt nghiệp đã đáp ứng được kỳ vọng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, nhiều đồng chí đã trở thành các cán bộ lãnh đạo xuất sắc của lực lượng Tình báo CAND.

Ngoài ra, đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ đạo cơ quan tình báo phải thường xuyên quan tâm về chế độ chính sách cho họ trong suốt quá trình hoạt động bí mật tại địa bàn cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng ngay từ giai đoạn này, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo lực lượng Tình báo CAND sớm tiếp cận, học tập lý luận tình báo của các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó, mời nhiều chuyên gia của Tổng cục Tình báo Liên Xô (trước đây) sang giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo lực lượng Tình báo vận dụng sáng tạo lý luận, kinh nghiệm tình báo của bạn vào thực tế công tác tình báo Việt Nam.

Là người sớm nhận ra tầm quan trọng của khoa học, kỹ thuật với công tác Công an, đồng chí đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng tiềm lực, phát huy vai trò kỹ thuật trong công tác Công an. Cùng với đó, trong bối cảnh phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của ngành Công an còn thiếu thốn, trong suốt thời kỳ chống Mỹ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vẫn ưu tiên dành những phương tiện, kỹ thuật tốt nhất cho công tác tình báo, điệp báo, như trang bị hệ thống điện đài, cơ yếu - mật mã cho 5 tổ Phái khiển ở các vùng chiến thuật của Mỹ-ngụy, chuyển giao phương tiện đài thu một chiều cho An ninh Trung ương Cục; chi viện điệp báo các phương tiện sản xuất các loại giấy tờ, căn cước của ngụy phục vụ cho cán bộ xâm nhập, đi lại hoạt động trong vùng địch, đáp ứng nhiều yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Tình báo CAND.

Thực tiễn lịch sử Tình báo CAND cho thấy, trong suốt hơn 28 năm lãnh đạo ngành Công an, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo toàn diện công tác tình báo. Mọi chiến công của lực lượng Tình báo CAND trong thời kỳ này đều ghi đậm dấu ấn của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Chính vì thế, dù khi đất nước đang có chiến tranh hay trong giai đoạn hòa bình, thống nhất, lực lượng Tình báo CAND vẫn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, cũng như công cuộc bảo vệ vững chắc ANQG, TTATXH trong mọi tình huống.

Những nền tảng lý luận mà đồng chí Bộ trưởng để lại cho lực lượng Tình báo CAND có giá trị vô giá, có tính thực tiễn cao, góp phần định hướng, chỉ đạo các hoạt động của lực lượng Tình báo CAND, là tài sản quý giá cho các thế hệ CBCS tình báo nghiên cứu, học tập, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn công tác.

Một tấm gương sáng, một nhân cách lớn

Gần 30 năm trên cương vị là người đứng đầu lực lượng CAND, cuộc đời và hoạt động của đồng chí gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Công an Việt Nam. Trong 30 năm ấy, đất nước ta phải trải qua những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, từ các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ các bạn Lào và Campuchia.

Trong thời kỳ này, lực lượng Tình báo CAND phải đối đầu với những cơ quan tình báo có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực mạnh nhất. May mắn và hạnh phúc cho lực lượng CAND, lực lượng Tình báo CAND, chúng ta đã có được một đồng chí Bộ trưởng tâm huyết, tài năng, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần đoàn kết, huy động được sức mạnh của toàn lực lượng, cả Trung ương và địa phương.

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có những phẩm chất đặc biệt của người chỉ huy tình báo, đó là tầm tư duy chiến lược, biết nhìn xa, trông rộng. Đồng chí là người chỉ huy rất hiểu con người, có khả năng cảm hóa, thu phục lòng người; biết khơi dậy lòng khát khao cống hiến, hy sinh vì nhiệm vụ của các thế hệ cán bộ Tình báo. Đó là sự hiểu biết sâu rộng, kiến thức uyên bác trên các lĩnh vực; sự chia sẻ và đồng cảm với từng cán bộ Tình báo, nhất là những đồng chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở chiến trường.

Hầu hết cán bộ Tình báo ở chiến trường miền Nam và phía Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Trần Quốc Hoàn đều dành thời gian gặp gỡ, động viên, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao. Những cán bộ Tình báo may mắn được gặp làm việc với đồng chí Trần Quốc Hoàn đều có được những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời. Rất tiếc, đến nay, chúng ta vẫn chưa có những tổng kết một cách đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, đóng góp của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với lực lượng Tình báo CAND.

Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người có công lao to lớn xây dựng, phát triển lực lượng Tình báo CAND, có những đóng góp hết sức lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Tình báo CAND bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với đồng chí; những quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của đồng chí mãi mãi là bài học sâu sắc với lực lượng Tình báo CAND trong tình hình hiện nay.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND nói chung, 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành nói riêng, lực lượng Tình báo CAND nguyện sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển để thực hiện điều mong muốn của đồng chí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Nguồn tin của PV Báo CAND cho biết, chiều nay (4/12), Giám đốc Xí nghiệp taxi Đà Nẵng (Công ty CP Thuận Phước Phát) đã ký Quyết định số 163/2024-QĐ-XNTXĐN áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với ông Đoàn Đại Chinh (trú tại Đà Nẵng), mã số nhân viên 154, điều khiển taxi BKS 43A-48440 do đã vi phạm nội quy công ty, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý khách hàng.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, quy định sẽ chỉ ban hành khi người dân đồng thuận.

Công trình cải tạo lát nền vỉa hè và vườn hoa tại địa bàn phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) thi công một cách chậm chạp suốt gần 3 tháng không hoàn thành khiến cho người dân sống xung quanh khu vực cũng không khỏi ngán ngẩm bởi sự bất tiện.

Nếu như những lần Festival hoa trước, lợi dụng nhu cầu du khách tới TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tham quan tăng đột biến, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, đi lại, các điểm du lịch nhỏ thường tăng giá mạnh thì năm nay lại trái ngược hẳn.

Tối 3/12, tại Nhà hát Lớn đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Tác phẩm Tủ sách tiếng Việt (dành cho người Việt Nam ở nước ngoài) của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đạt Giải Nhì – Hạng mục Sáng kiến sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

Chiều 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý theo thẩm quyền.

Sáng 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, khi có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề xử lý những đối tượng đang lẩn trốn ra nước ngoài, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết:  

Sáng 4/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội TTGT quận Cầu Giấy; Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Trung Hòa triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao thông Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, trong đó tập trung công tác chỉ huy, điều tiết phân luồng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文