Bài báo nhỏ và hành trình “trở về”...

10:38 30/01/2017
Người lính sau chặng đường hơn 2000km vừa rời tàu xuống ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) vội cuốc bộ đến trước số nhà 12 Vũ Hữu Lợi. Đang tần ngần đứng trước ngôi nhà đậm màu thời gian, anh nhìn thấy một bà cụ nên cất lời hỏi thăm “nhà anh Năm”. Bà cụ lắc đầu bảo, “không có anh Năm nào”...


Người lính thoáng bất ngờ rồi ngập ngừng bước đi… 40 năm sau, cũng tại địa chỉ 12 Vũ Hữu Lợi, người lính trẻ nay đã là một bác sỹ già cùng đồng đội, người thân đưa “anh Năm” trở về…

1.7h30 ngày 3-11-2016, con phố nhỏ tĩnh lặng Vũ Hữu Lợi khác hẳn ngày thường. Những cây bằng lăng già khoe vẻ mốc thếch trên thân và sắc đỏ của lá dường như muốn nói, mùa đông đang về. Tôi thường xuyên đi qua con phố này nhưng ít khi để ý đến số nhà 12. Và tôi cũng chẳng thể nào ngờ, bài báo nhỏ của mình cách đây 8 năm đề cập đến một người con của gia đình có địa chỉ 12 Vũ Hữu Lợi – ngôi nhà chỉ cách tòa soạn Báo CAND một quãng ngắn.

Hơn 40 năm trước, tại con phố này, chàng sinh viên Tạ Quang Năm, Đại học Giao thông Vận tải bịn rịn chia tay người thân lên đường chiến đấu. Còn hôm nay, anh “trở về” để hàng phố, người thân, chính quyền, đồng đội làm lễ truy điệu trước khi đưa anh về quê an táng. Để Tết Đinh Dậu này liệt sỹ Tạ Quang Năm được “đoàn viên” cùng gia đình là một hành trình đầy chữ “duyên”. Trong đó, có một chữ “duyên” bắt nguồn từ bài báo nhỏ mà tôi vừa đề cập đến.

Tôi không lên thư viện của tòa soạn lật tìm những chồng báo cũ mà ứng dụng ngay tính năng trên chiếc điện thoại thông minh. Chỉ ít phút sau khi search “liệt sỹ Tạ Quang Năm cand” trên google đã cho ra kết quả dẫn đến báo CAND điện tử.

Liệt sỹ Tạ Quang Năm.

Bài viết có vẻn vẹn 173 từ, xuất bản lúc 10h43 ngày 12-1-2008. Như vậy, cũng đồng nghĩa với ngày này, bản báo giấy ấn phẩm CAND hàng ngày phát hành. Và cũng trong ngày 12-1-2008 này, hai người cựu chiến binh từng chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, nước bạn Lào với liệt sỹ Năm đều có trên tay hai tờ Báo CAND. Họ cùng đọc bài “Ai biết liệt sỹ Tạ Quang Năm ở đâu?”. Một trong hai người cựu chiến binh này chính là người lính năm 1976 đã đứng tần ngần trước ngôi nhà 12 Vũ Hữu Lợi…

Bài báo viết: “Liệt sỹ Tạ Quang Năm, SN 1950; quê quán: xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; đơn vị: C12, D6, E1665, F312, Quân đoàn 1; hy sinh ngày 22-12-1971 tại bản Noọng Tớ, Mường Sủi, nước bạn Lào (trong trường hợp giẫm phải mìn khi đi trinh sát). Trước lúc nhập ngũ, liệt sỹ Năm là sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội… Đồng đội của liệt sỹ có ai biết về phần mộ của anh?”.

Đây là một bài viết trong vô số các bài của chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” của ấn phẩm Báo CAND thời kỳ những năm 2007, 2008. Chuyên mục có hai nội dung: Giới thiệu về di vật liệt sỹ và tìm mộ liệt sỹ.

Chuyên mục ra đời sau khi tôi tiếp xúc và đọc những trang viết của Trung tá Nguyễn Thị Tiến, Bảo tàng Quân khu IV. Là người làm công tác bảo tàng, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, trong đó có kỷ vật liệt sỹ, Trung tá Tiến có dịp tiếp cận và tham gia cùng nhiều đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ.

Trong hành trình đó, bà đã thu thập được rất nhiều kỷ vật mà các đoàn quy tập tìm thấy cùng với hài cốt liệt sỹ. Có những kỷ vật tìm thấy gắn với những liệt sỹ có tên, có quê, có đơn vị. Nhưng có những kỷ vật lại không rõ các thông tin về tên tuổi, quê quán, đơn vị…

Do đó, việc xác định danh tính liệt sỹ rất khó khăn. Và đây cũng đồng nghĩa với việc, rất khó báo tin cho thân nhân của các anh. Không chỉ đứng ở vị trí của người làm công tác sưu tầm, bà Tiến còn đặt mình ở vai là người thân của liệt sỹ. Bà thấy rất rõ mong muốn tìm được hài cốt những chiến sỹ đã hy sinh của những người mẹ già, của những người vợ góa bụa, của những đứa con…

Bà mong muốn có nhiều người biết thông tin về di vật liệt sỹ, để có thêm cơ hội tìm được người thân cho các anh. Đồng cảm với suy nghĩ của nữ Trung tá giàu nhiệt tâm với những người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc và thân nhân của họ, tôi đã đề xuất với Ban biên tập và chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” ra đời.

Chuyên mục đã đăng tải hàng trăm thông tin về di vật liệt sỹ do Trung tá Tiến cung cấp và nhận được rất nhiều phản hồi của đồng đội, thân nhân liệt sỹ. Bước đầu, tâm nguyện trả lại tên cho chủ nhân các di vật liệt sỹ đã có kết quả nhất định.

2. Trở lại trường hợp liệt sỹ Tạ Quang Năm để thấy, chữ “duyên” của bài báo nhỏ đã kết nối thân nhân và đồng đội của ông. Trong một lần đi khám bệnh của Bệnh viện 108, Trung tá Tiến gặp chị Hiền, cháu gọi liệt sỹ là chú ruột.

Rồi thông tin về liệt sỹ Năm đăng tải trên Báo CAND số ra ngày 12-1-2008 và bác sỹ Đỗ Thanh Tùng, nguyên giảng viên Đại học Y Thái Nguyên đọc được. Bác sỹ Tùng chia sẻ: “Lúc đó, tôi rất phấn chấn. Tôi gọi điện về tòa soạn báo cung cấp thông tin về phần mộ liệt sỹ. Tôi cũng gọi cho chị Tiến và sau đó đã kết nối với gia đình liệt sỹ”.

Ba ngày sau đó, Báo CAND đăng thông tin về phần mộ liệt sỹ Năm mà bác sỹ Tùng cung cấp. Đáng mừng hơn nữa là ông Quang Anh, người cùng nhập ngũ và là bạn chiến đấu, người trực tiếp chôn cất liệt sỹ Năm cũng đọc được thông tin trên Báo CAND. Từ đây, gia đình và đồng đội đã kết nối và cùng nhau trong hành trình đi tìm phần mộ liệt sỹ Năm.

Cận Tết Đinh Dậu, tôi gặp chị Hiền tại một quán café trên đường Nguyễn Du, nghe chị kể về hành trình đi tìm phần mộ liệt sỹ Năm mới thấy hết tâm huyết cũng như gập ghềnh, gian khó và cả sự giúp đỡ như duyên trời định của những người vô tình gặp. Liệt sỹ Năm là con út trong gia đình có 5 người con. Ông gác bút nghiên lên đường chiến đấu năm 1970. Năm 1971 hy sinh.

Gia đình, đặc biệt là mẹ ông rất buồn. Là cháu gái, lại kém chú đúng một giáp nên chị Hiền có tình cảm đặc biệt với ông. Chị cũng được bố mẹ, mọi người trong gia đình ủy thác trong việc đi tìm mộ ông. Sau rất nhiều cố gắng nhưng bất thành, thì năm 2008, gia đình có manh mối về liệt sỹ thông qua Báo CAND. Sau đó, bác sỹ Tùng, ông Quang Anh đã cùng gia đình sang Lào, tìm đến bản Noọng Tớ nhưng phần mộ liệt sỹ đã được cất bốc.

Tại đây, họ gặp ông Trưởng bản – Và cũng là chủ khu vườn có ngôi mộ liệt sỹ Việt Nam vô danh đã được cất bốc; gặp người sỹ quan quân đội của Lào đã từng tham gia cất bốc phần mộ liệt sỹ; gặp các chiến sỹ đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ… Về nước, họ tiếp tục kết nối thông tin và được biết, phần mộ này đã được một gia đình liệt sỹ Phạm Văn Năng ở Thanh Hóa đưa về quê. Câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác.

Đồng đội, người nhà liệt sỹ Tạ Quang Năm kết nối tại số nhà 12 Vũ Hữu Lợi sau bài viết trên Báo CAND.

Sẽ không có chuyện nhầm lẫn, nếu như phần mộ liệt sỹ nào cũng có tên. Và để khẳng định phần mộ một liệt sỹ không có tên là thân nhân gia đình mình cũng vô cùng khó khăn. Đấy còn chưa kể, phần mộ đấy đã có gia đình liệt sỹ khác nhận và đưa về nghĩa trang quê nhà. Chị Hiền cùng đồng đội, người thân đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm thông tin về liệt sỹ để chứng minh với cơ quan chuyên môn, phần mộ đã cất bốc ở bản Noọng Tớ chính là liệt sỹ Năm.

Khi được các cơ quan này đồng ý cho lấy mẫu để giám định AND thì lại gặp khó khăn từ gia đình liệt sỹ Năng. Chị Hiền đã vào tận Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa rất nhiều lần để gặp người thân liệt sỹ Năng thuyết phục. Chị còn đi gặp những đồng đội của liệt sỹ Năng, đưa họ sang Lào để lấy thông tin và chứng minh, nơi liệt sỹ Năng hy sinh không phải ở Noọng Tớ.

Suốt 8 năm ròng, gia đình chị đã rất nỗ lực tìm kiếm thông tin về cả hai liệt sỹ. Và rồi, gia đình liệt sỹ Năng bị thuyết phục. Họ đồng ý để lấy mẫu hài cốt làm giám định AND. Kết quả, phần mộ cất bốc ở Noọng Tớ chính là của liệt sỹ Tạ Quang Năm.

Ngày 3-11-2016, được sự đồng ý của gia đình liệt sỹ Năng, cơ quan chức năng, thân nhân liệt sỹ Tạ Quang Năm đã đưa ông từ nghĩa trang liệt sỹ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa về an táng bên cạnh mộ song thân tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Trước khi an táng, gia đình đưa ông về ngôi nhà ở 12 Vũ Hữu Lợi. Tại đây đã diễn ra lễ truy điệu và tiễn biệt ông sau hơn 40 năm hy sinh.

Cũng tại buổi lễ này, tôi đã gặp ông Quang Anh – người đồng đội đã trực tiếp chôn cất liệt sỹ Năm. Ông Quang Anh kể lại kỷ niệm, lúc sinh thời liệt sỹ Năm từng hẹn những đồng đội cùng ở Hà Nội, khi nào hòa bình, ngày 2-9 sẽ gặp nhau tại công viên Thống Nhất…

3. “Năm 1976, khi xuống tàu, tôi đến nhà 12 Vũ Hữu Lợi trước khi về quê. Nhưng câu trả lời của bà cụ mà tôi gặp khiến tôi thất vọng, tự ti…”, bác sỹ Đỗ Thanh Tùng tâm sự. Dẫu rằng có sự hiểu lầm do câu trả lời của người hàng xóm mới chuyển đến ở cùng số nhà 12 Vũ Hữu Lợi nhưng 40 năm sau, cựu chiến binh Đỗ Thanh Tùng đã góp công sức của mình đưa được đồng đội “về nhà”.

Còn chị Hiền, cháu liệt sỹ Năm thì tâm sự rằng, “đưa được chú tôi về là nhờ duyên may. Sẽ thật trọn vẹn nếu như tìm được cả phần mộ liệt sỹ Phạm Văn Năng”. Vâng! Sẽ  trọn vẹn nếu như liệt sỹ Năng cũng “trở về” đoàn tụ cùng gia đình…

Cao Hồng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文