Cảm hoá người lầm lỗi bằng tình người
Nhìn cơ sở vật chất nơi đây, không ai nghĩ rằng, trước kia từng là vùng đất chiêm trũng, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa thì ngập lụt, mùa đông giá rét. Với bàn tay, khối óc của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) – họ đã cải tạo nơi đây thành một trường học lớn với hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật khang trang, sạch đẹp, là môi trường giáo dục, cải tạo tốt để các phạm nhân yên tâm lao động, học tập, rèn luyện để làm lại cuộc đời.
Trại giam Thanh Phong được thành lập ngày 22-6-1978 với diện tích 4.000ha thuộc địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ra đời trong điều kiện kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.
Với Chi uỷ 29 đảng viên ban đầu, họ đã dựa vào dân, làm tốt công tác vận động nhân dân cưu mang, đùm bọc, tận tình giúp đỡ. Nhờ đó, cán bộ trại đã cùng với phạm nhân khai hoang, phá núi đặt nền móng xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo giam giữ 4.000 phạm nhân và nơi làm việc, sinh hoạt cho 450 CBCS trên địa phận xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân).
Cán bộ Trại giam Thanh Phong hướng dẫn phạm nhân lao động. |
Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trại giam Thanh Phong đã cải tạo trên 10 ngàn người; giảm án cho hàng chục ngàn lượt phạm nhân có quá trình cải tạo tiến bộ, từ năm 1998 đến nay thực hiện việc đặc xá cho hàng nghìn phạm nhân, tỷ lệ cải tạo khá tốt đạt 80 – 85%.
Trong số đó, có hàng nghìn phạm nhân nay đã trở thành những người làm ăn khấm khá, thành các chủ doanh nghiệp lớn, có thể giúp đỡ những người khác. Cũng từ ngôi trường đặc biệt này, hàng vạn gia đình hạnh phúc hơn, yên ấm hơn vì chồng, vợ, con, em họ sau quá trình cải tạo trở về đã thực sự hoàn lương, trở thành người có ích, biết chăm lo cho cho cuộc sống gia đình.
Nói về những khó khăn, gian khổ của những ngày đầu thành lập, Thượng tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết, trong chiến tranh biên giới, theo chỉ thị của Bộ và Cục Quản lý trại giam, Trại cải tạo Thanh Phong phải khẩn trương xây dựng các phân trại.
Bảo đảm trong thời gian ngắn có chỗ giam giữ các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền và số gián điệp biệt kích chuyển đến từ các trại thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn. Số lượng phạm nhân tăng nhanh, thành phần tội phạm nguy hiểm và phức tạp.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cán bộ chiến sỹ đơn vị đồng lòng, chung sức, quyết tâm nhanh chóng xây dựng trại và giam giữ, quản lý chặt chẽ phạm nhân, đảm bảo trại an toàn trong bất kỳ tình huống nào. Từ năm 1979 - 1982, trại đã ngăn chặn được hàng trăm vụ phạm nhân có ý đồ chống phá và trốn trại.
Đặc biệt, từ đầu năm 1982 đến năm 1984, Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công tội phạm nên số phạm nhân tăng nhanh. Thời gian này, nhà giam vẫn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá với tường rào bằng dây thép gai, cơ sở giam giữ thô sơ, tạm bợ. Các trang thiết bị phục vụ cho công tác, lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo, chăn màn… rất thiếu thốn.
Lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra tàn phá nhà cửa, hoa màu, giao thông liên lạc giữa các phân trại bị chia cắt. Sau một thời gian tham khảo thực tế, Đảng ủy - Ban giám thị thống nhất lựa chọn địa bàn huyện Nông Cống để xây dựng trại mới, xây dựng 2 phân trại ở khu vực núi đá cầu Lịm thuộc huyện Nông Cống. Đây cũng là nơi đóng chân của Trại giam Thanh Phong hiện nay.
Một trong những thành tích nổi bật của Trại giam Thanh Phong là “cải tà quy chính” những phạm nhân có tư tưởng, âm mưu chống phá, gây rối, bạo loạn ở các trại giam khác chuyển đến câu kết với số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự để vi phạm nội quy trại giam.
Những phạm nhân này đều thuộc dạng “đầu bò, đầu bướu”, khi cán bộ nói, phân tích không bao giờ họ phản ứng nhưng lại thường ngấm ngầm tìm cách chống đối. Để giáo dục họ, ngoài thực hiện tốt chế độ giam giữ phạm nhân, quan tâm đến chế độ chính sách như ăn, mặc, ở, khám, chữa bệnh, học văn hóa, lao động, dạy nghề, CBCS Trại giam Thanh Phong còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt diễn biến, tâm lý tình cảm của họ để động viên, thuyết phục.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra đột xuất buồng giam, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn để xử lý, ngăn chặn. Như phạm nhân Nguyễn Văn Thắng, ở Hải Dương, với mức án 30 năm, từng trốn khỏi nơi giam nên được Tổng cục VIII đưa về Trại giam Thanh Phong cải tạo.
Về Thanh Phong, Thắng vẫn có tư tưởng trốn, chống đối cán bộ nên đã “ủ mưu” giả ốm để bắt cóc cán bộ y tế, đòi yêu sách. Qua nắm tình hình, CBCS Trại giam Thanh Phong phát hiện âm mưu của Thắng, kiểm tra đột xuất phòng giam, thu giữ 1 dùi tự tạo và 1 bức thư Thắng viết cho phạm nhân khác rủ rê vi phạm.
Thượng tá Phạm Văn Nghị cho rằng, ngoài việc làm đúng quy định của pháp luật, từ Ban Giám thị đến từng CBCS đều tâm niệm, muốn thực sự cải tạo được phạm nhân, muốn họ thay đổi, trở thành người có ích thì trước hết, cán bộ phải coi họ là người nhà, là bạn bè của mình để giáo dục, động viên họ.
Như đồng chí Lê Huy Vân, cán bộ Cảnh sát bảo vệ trong khi trông coi các phạm nhân điều trị tại Bệnh viện Lao và Phổi Thanh Hóa đã thức trắng đêm theo dõi tình trạng sức khỏe của phạm nhân, trích một phần lương của mình mua thêm thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho phạm nhân, chăm lo chỗ ăn, ngủ cho gia đình phạm nhân khi đến thăm, không nhận tiền biếu của gia đình phạm nhân. Người nhà phạm nhân, sau khi đến thăm em ruột nằm bệnh viện đã gửi thư đến Ban Giám thị, hết lòng ca ngợi anh Vân. Trong thư có đoạn viết “…
Khi được biết và chứng kiến những hành động cao cả của cán bộ Công an Lê Huy Vân, tôi đã khóc, tôi khóc không phải cho cảnh tù tội của em tôi mà tôi khóc vì không kìm được sự xúc động và lòng biết ơn đối với tấm lòng bao dung của anh…”. Anh Vân là một trong hàng trăm tấm gương CBCS Trại giam Thanh Phong đã hết lòng vì phạm nhân.
Vào khu bệnh xá của phân trại số 2, tôi khá ngạc nhiên bởi nơi đây không khác một bệnh viện cấp huyện thu nhỏ với đầy đủ trang thiết bị, phòng bệnh sạch sẽ, khuôn viên thoáng mát với những bồn hoa rực rỡ. Phạm nhân Nguyễn Văn Tiến cho biết, anh bị bệnh suy tim, phải điều trị lâu dài ở bệnh xá, gia đình ở tận tỉnh Sơn La, lại nghèo khó nên nhiều năm rồi không ai đến thăm, “Nhờ có các cán bộ mà tôi sống được đến ngày hôm nay. Tôi ốm đau liên miên, nhiều lần khó thở phải đi cấp cứu ở tuyến trên trong đêm, các cán bộ không nề hà, ngại khó đã đưa tôi đi, chăm sóc như người nhà”.
Ở bên cạnh bệnh xá, là khu điều trị riêng cho phạm nhân mắc bệnh lao. Có những lúc cao điểm, hơn 200 phạm nhân phải điều trị, trong đó có đến hơn 30% vừa mắc bệnh lao, lao kháng thuốc vừa nhiễm HIV/AIDS nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các y, bác sĩ không vì thế mà nản lòng.
Với sự điều trị tích cực, hiện nay, Trại giam Thanh Phong chỉ còn 29 phạm nhân mắc bệnh truyền nhiễm này. Trong những năm gần đây, đơn vị đã tổ chức khám, cấp phát thuốc và điều trị bệnh cho 46.195 lượt phạm nhân, điều trị tại bệnh xá 1.345 lượt, đưa đi khám tại các bệnh viện 793 lượt phạm nhân, chuyển lên tuyến trên điều trị cho 710 lượt, không để phạm nhân suy kiệt, tử vong không bình thường trong trại.
Công tác giáo dục thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được quan tâm 5/5 phân trại đều được nhà nước đầu tư hệ thống loa truyền thanh, phòng đọc sách, 100% buồng giam đều có tivi màu, quạt thông gió, các phân trại đều có bệnh xá. Hiện tại, trại có 3 khu điều trị tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để điều trị cho phạm nhân.
Các phân trại đều có sân bóng chuyền, cầu lông, trại có 1 đội văn nghệ phạm nhân luôn tập luyện và biểu biễn thường xuyên cho phạm nhân xem. Các chế độ chính sách như ăn mặc được đảm bảo đầy đủ theo quy định của Nhà nước.
Đại tá Lê Trọng Hà, Phó Giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết, nhiều năm qua, đơn vị không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; chế độ chính sách đảm bảo, ngoài chế độ của nhà nước, đơn vị đã trích quỹ sản xuất để bồi dưỡng thêm cho các phạm nhân.
Các chính sách đều rõ ràng, công khai, dân chủ, số phạm nhân ốm đau giảm nhiều. Từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ có 3 phạm nhân ốm nặng phải tạm đình chỉ thi hành án. Việc xét duyệt giảm án đều thực hiện đúng pháp luật, số phạm nhân cải tạo kém giảm nhanh, năm 2012 có 17% đến 6 tháng đầu năm 2018 chỉ còn chưa đến 3%.
Đơn vị đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn dạy nghề, tổ chức lao động, sản xuất để khi phạm nhân về địa phương có thể sử dụng được tay nghề học trong trại để kiếm sống.