Cảnh vệ Việt Nam bảo vệ hai đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris
Trong chương trình công tác năm 2013 của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có một phần việc hết sức quan trọng và ý nghĩa, đó là tổ chức gặp mặt các đồng chí cán bộ tham gia bảo vệ Hội nghị Paris nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2013). Ngày 17/1, Trung tướng Vũ Xuân Sinh - Tư lệnh Cảnh vệ vào chỉ đạo hội nghị sơ kết việc phối hợp với các lực lượng trong việc thực hiện công tác Cảnh vệ ở các tỉnh phía Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Trung tướng đích thân đến nhà riêng mời Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Cảnh vệ ra dự buổi gặp mặt. Nhưng vì lý do sức khỏe, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn không tham dự được và gửi cho bộ phận biên soạn lịch sử Cảnh vệ một tập tài liệu về công tác bảo vệ Hội nghị Paris.
Ngày đó Thiếu tướng Phan Văn Xoàn là Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ vinh dự được giao nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ Hội nghị Paris.
Theo tài liệu của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn thì sau khi Việt Nam và Mỹ thống nhất chọn Paris, Cộng hòa Pháp, là địa điểm tổ chức đàm phán, Bộ Công an giao cho Cục Cảnh vệ xây dựng đề án bảo vệ phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự Hội nghị Paris. Sau khi thống nhất, Thường vụ và lãnh đạo Cục Cảnh vệ cử đồng chí Phan Văn Xoàn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ trực tiếp phụ trách công tác bảo vệ đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Paris.
Sau khi Cục Cảnh vệ có công văn báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an gọi đồng chí Phan Văn Xoàn đến và giao nhiệm vụ: “…Tổ Cảnh vệ có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và cán bộ đoàn đàm phán của ta, bảo vệ tốt chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật các tài liệu quan trọng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh của nước Cộng hòa Pháp, dựa vào Đảng Cộng sản Pháp và bà con Việt kiều ở Pháp”.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt Đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Paris với cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh vệ ở Trường Maurice Thorez (Pháp). |
Sau khi phân tích tình hình, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin..., đồng chí Phan Văn Xoàn nhận định, muốn thực hiện được nhiệm vụ trên, tổ Cảnh vệ phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ. Vì công tác bảo vệ thực hiện trên đất nước Pháp nên phải dựa vào chính quyền nước chủ nhà, dựa vào Đảng Cộng sản Pháp, dựa vào bà con Việt kiều, dựa vào lực lượng của cán bộ, nhân viên trong 2 đoàn: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Tất cả các nội dung trên được báo cáo Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Sau khi nghe báo cáo đề án, Bộ trưởng đồng ý và nhấn mạnh rằng còn một yếu tố nữa - yếu tố quan trọng hàng đầu cần bổ sung, đó là “mình là chính”. Thật ngắn gọn, chỉ có ba từ thôi nhưng đã nói lên tất cả! Đó mới là cái cần thiết, cái quyết định, nó thuộc về bản lĩnh và trí tuệ của người chiến sỹ Công an.
Vào tháng 5/1968, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đại tá Hà Văn Lâu - Phó đoàn đàm phán dẫn đầu đoàn tiền trạm sang chuẩn bị cho đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán bay sang.
Đoàn đi đợt đầu có 37 người trong đó có 10 chiến sỹ Cảnh vệ gồm: Nguyễn Văn Lợi, Cao Năm, Lê Việt Hưng, Trần Hữu Diệt, Lê Văn Chúc, Nguyễn Quang Chiêm, Nguyễn Văn Giáo, Trần Lại, Nguyễn Văn Tài và Phạm Văn Chuyên. Do đó đặt mật danh của đoàn là “Đoàn 37”.
Đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cùng cán bộ Cảnh vệ tại Hội nghị Paris. |
Ấn tượng đầu tiên làm cho đoàn tiền trạm có cảm giác yên tâm khi vừa đặt chân xuống TP Paris là sự đón tiếp nồng hậu. Người dân Paris, Việt kiều và báo chí tỏ ra rất thân thiện.
Thời gian đó, an ninh trật tự tại Paris rất phức tạp, những cuộc xuống đường biểu tình, mít tinh của công nhân, học sinh, sinh viên Pháp đòi cải thiện đời sống, thay đổi chính sách… đã xảy ra xung đột ác liệt với cảnh sát.
Để phá hoại Hiệp định Paris, bọn ngụy quyền Sài Gòn đã thuê bọn phản động gây rối, chúng rải truyền đơn xuyên tạc cách mạng miền Nam, xuyên tạc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dùng những tờ báo lá cải do những tên chủ bút và bồi bút người Việt phản động tại Pháp tuyên truyền chống Cộng, gây chia rẽ Nam, Bắc làm áp lực với lực lượng Việt kiều yêu nước. Thậm chí chúng dùng thư nặc danh gửi cho đoàn ta, gọi điện thoại đe dọa. Trước tình hình đó, việc bảo vệ đoàn ta càng phức tạp, khó khăn hơn.
Tiếp nhận nơi nghỉ tại khách sạn Lutesia (quận 6, thủ đô Paris), tổ Cảnh vệ triển khai các công tác nghiệp vụ như rà soát nơi ở và xung quanh thì đã phát hiện có đến 16 máy ghi âm nghe trộm cài đặt khắp các phòng. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy rằng nơi đây không được an toàn. Các thiết bị nghiệp vụ của ta thời đó còn hạn chế, không có gì đảm bảo rằng đã hoàn thành được “vệ sinh an ninh” trong môi trường mà đoàn ta lưu trú.
Trước tình hình đó, tổ Cảnh vệ đã đề nghị mọi người trong đoàn không nói chuyện liên quan đến công tác ở khách sạn, nếu cần trao đổi ý kiến thì viết ra giấy rồi hủy đi. Còn khi thảo luận công việc hoặc hội họp đều được tổ chức ở Đại sứ quán của ta.
Mấy ngày sau, đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu Đoàn đến thăm cơ quan Đảng Cộng sản Pháp. Bạn tiếp đoàn rất thân mật. Bấy giờ Đảng Cộng sản Pháp đang vận động ủng hộ cách mạng Việt Nam 100 triệu franc. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp tâm sự: số tiền đó thật nhỏ bé, cũng như sự ủng hộ của các đồng chí còn quá khiêm tốn so với xương máu mà nhân dân Việt Nam chiến đấu cho cuộc chiến tranh chính nghĩa, cho tự do độc lập.
Khi nghe đoàn ta trình bày hết tình hình an ninh của đoàn và muốn nhờ các đồng chí giúp đỡ, các đồng chí rất nhiệt tình cân nhắc sự an toàn tuyệt đối cho đoàn. Cuối cùng các đồng chí đề nghị đoàn về ở trong trường École Maurice Thorez tại quận Choisy le roi. Đây là Trường Chính trị của Đảng Cộng sản Pháp.
Bảo vệ đoàn ta thăm nhà một đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. |
Về đến địa điểm mới, công tác đảm bảo an ninh cho đoàn được an toàn hơn. Nơi ăn ở, làm việc đầy đủ tiện nghi và vị trí nhìn từ góc độ an ninh rất thuận lợi. Trường có hai lối đi, ngoài cổng chính phía trước còn có cổng phụ phía sau. Đảng Cộng sản Pháp còn giao cho đoàn ta sử dụng 10 cán bộ bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ, hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Chính quyền Paris cử một đội cảnh sát canh gác bên ngoài cổng cơ quan suốt ngày đêm và một đội môtô cảnh sát túc trực thường xuyên, sẵn sàng hộ tống đoàn đi bất cứ lúc nào.
Qua công tác nắm bắt tình hình được biết trong phạm vi 1km phía địch có thể nghe được các nội dung trao đổi, thảo luận của chúng ta nên đồng chí Xoàn đã giao cho đồng chí Lê Tiến Khiêm, cán bộ kỹ thuật của Bộ Công an, đi mua vật liệu về xây dựng phòng họp đặc biệt của đoàn. Phòng họp gắn những thiết bị hiện đại ngăn mọi âm thanh lọt ra ngoài, chống các máy móc nghe trộm hiện đại của địch và các dây hữu tuyến thâm nhập vào phòng nghe trộm. Đoàn còn xây dựng phòng để lưu trữ các tài liệu mật phục vụ cho công tác đàm phán vì đoàn đã đề ra phương án tình huống xấu nhất nếu xảy ra hỏa hoạn thì các tài liệu cũng phải được bảo mật.
Ngày đó, ở Paris có hàng vạn Việt kiều đang sinh sống. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, thông qua Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp, đoàn đã tiếp xúc với bà con Việt kiều và tiến hành những bước thăm dò, tìm hiểu bà con. Lúc đầu đoàn nhận thấy tâm tư tình cảm của bà con mình bên đó mặc dù luôn hướng về Tổ quốc nhưng vẫn còn e dè mặc cảm, bởi họ cũng sợ bị đánh giá là cầu an hưởng lạc, trong khi quê nhà đang phải sống trong cảnh chiến tranh nghèo khổ.
Cán bộ Cảnh vệ bảo vệ phái đoàn đàm phán thăm nhà ông Thái, bà Thu Lê (Việt kiều ở Paris). |
Mặc dù bà con tiếp đón bằng tấm lòng kính trọng nhưng vẫn dè dặt chờ đợi thái độ có đón nhận họ như những người Việt Nam yêu nước thật sự hay không. Nhưng rồi thái độ trân trọng của đoàn, cộng với tình yêu nước luôn thúc giục, bà con đã mở lòng, xóa đi khoảng cách, không còn e ngại. Từ đó, đoàn nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ trong việc cung cấp thông tin, tình hình bảo vệ đoàn đàm phán, bảo vệ các cuộc mít tinh có lãnh đạo đoàn dự...
Đoàn tiền trạm ở Paris được một tuần thì đồng chí Xuân Thủy và phái đoàn đàm phán chính thức có mặt ở Pháp. Đồng chí Xuân Thủy được nước chủ nhà tổ chức đón tiếp long trọng. Sau khi về khách sạn, đoàn họp tại cơ quan Tổng lãnh sự và báo cáo tình hình với đồng chí Xuân Thủy.
Thời gian trước và trong giai đoạn chuẩn bị đàm phán, từ những phương án, kế hoạch đã vạch sẵn, tổ Cảnh vệ đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: Mỗi buổi sáng, trước khi lãnh đạo đoàn ta lên đường đi họp, đi làm việc, tổ Cảnh vệ cùng với lực lượng bảo vệ của Đảng Cộng sản Pháp và Cảnh sát Pháp cùng trao đổi trên tấm bản đồ Paris, xác định đường đi, những điểm dừng, chọn đường đi hợp lý nhất để đội xe môtô Cảnh sát Pháp hộ tống bảo đảm đưa đoàn ta đến nơi an toàn và đúng thời gian. Khi có những cuộc họp bí mật giữa đoàn ta và đoàn Mỹ ở Paris, nhất là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn an ninh Nhà Trắng H.Kissinger, tổ Cảnh vệ ta làm việc rất vất vả để giữ bí mật nơi họp...
Một buổi tối, các đồng chí Cảnh vệ bảo vệ đoàn đến dự một hội nghị lớn có rất đông kiều bào ta tổ chức tại nhà Tương tế ở khu phố Latinh nhìn ra quảng trường Moobe. Kết thúc cuộc họp vào lúc 24h, đoàn ta trở về trụ sở. Xe môtô của Cảnh sát Pháp chạy với tốc độ cao trên đường Soadi. Đến gần trung tâm thị xã Soađilơroa, một chiếc ôtô đâm vào môtô hộ tống dẫn đường. Viên cảnh sát hộ tống bị chết trên đường đi cấp cứu. Hôm sau, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy cử một số cán bộ đến gia đình viên cảnh sát chia buồn.
Người vợ viên cảnh sát xúc động nói: “Chồng tôi hy sinh vì nhiệm vụ, đây là sự mất mát lớn đối với tôi và gia đình. Tôi biết Việt Nam rất gian khổ phải chịu đựng chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Chồng tôi qua đời cũng là góp một phần nhỏ bé vào cuộc đấu tranh đó”.
Thăm gia đình xong, các đồng chí trong đoàn mang vòng hoa đến viếng viên cảnh sát tại Tiểu đoàn môtô hộ tống. Sau khi làm lễ, viên Tiểu đoàn trưởng cảm ơn và nói với các đồng chí trong đoàn: “Việc làm của các ngài làm cho chúng tôi rất cảm động, đề nghị ngài cho phép chúng tôi được thay nhau đi bảo vệ đoàn của các ngài để bảo đảm an toàn”.
Một thời gian sau, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến Paris để dự hội nghị 4 bên. Đồng chí Phan Văn Xoàn được giao nhiệm vụ phụ trách cả việc chỉ đạo lực lượng Cảnh vệ của đoàn. Số cán bộ hai đoàn đàm phán của ta ở Paris lên tới gần 200 người, công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, nếu làm một phép so sánh thì ta thua xa lực lượng của Mỹ về phương diện, trang thiết bị lẫn kinh nghiệm, bởi họ từng trải qua những cuộc hội nghị quy mô quốc tế. Nhưng ngược lại, cái mà ta có thì họ cũng không thể nào sánh được. Bởi thứ ta có nó đến từ lương tri của con người. Tiêu chí đặt ra “mình là chính” của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là vô cùng sáng suốt và phải thực thi một cách triệt để.
Bên cạnh đó, ngoài sự cảnh giác các thế lực thù địch, giữ đúng nguyên tắc bảo mật và liều lượng thông tin báo chí, chúng ta có được ảnh hưởng rất tốt trong các mối quan hệ trên đất Pháp.
Ở đây, ngoài sự ủng hộ hết mình của Đảng Cộng sản Pháp, của đại đa số bà con Việt kiều, ta còn có được cảm tình đặc biệt với nhân dân Pháp. Đoàn đi đến đâu cũng được nhân dân Pháp ủng hộ...
Ngày 22/1/2013, đến dự cuộc gặp mặt những cán bộ tham gia bảo vệ Hội nghị Paris nhân kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam do Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, phát biểu đánh giá: “Trên đất Pháp, ròng rã gần 5 năm trời, các đồng chí đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hai đoàn đàm phán của ta, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn diễn ra nhưng không một thông tin nào, địa điểm nào, tài liệu nào bị tiết lộ. Các kế hoạch đấu tranh của ta, giữ được tuyệt đối bí mật nội dung thông tin liên lạc của đoàn ta ở Paris với Hà Nội. Đảm bảo an toàn về chính trị cũng như đoàn kết nội bộ, chủ động thực hiện tốt các phương án đấu tranh với địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta ở Hội nghị Paris về Việt Nam”. |