Chặng đường 70 năm của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm
- Lực lượng CSGT, Cảnh sát truy nã tội phạm kỷ niệm 70 năm truyền thống
- Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm
Ngay từ khi lực lượng CAND được thành lập (19-8-1945), công tác truy nã tội phạm (TNTP) đã được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Sắc lệnh số 23/SL ngày 21-2-1946 hợp nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ”, quy định các nhiệm vụ của Công an, trong đó có nhiệm vụ truy nã tội phạm “Điều tra về những hành động trái phép nói trên và truy tầm người can phạm để giúp toà án trong sự trừng trị”.
Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) quy định nhiệm vụ cho lực lượng CAND trong việc thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, truy tầm người phạm tội để tòa án trừng trị.
Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm về nguồn tại Di tích Nha Công an Trung ương (Tuyên Quang). |
Ngày 21-2-1946 đã trở thành mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời của công tác TNTP, đồng thời là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát truy nã. Từ đó đến nay, trong từng giai đoạn lịch sử, nhiệm vụ truy nã, truy tầm tội phạm được giao cho nhiều lực lượng thực hiện, nhưng công tác TNTP được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát TNTP nói riêng.
Quá trình lịch sử 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ Nội vụ, nay là Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, công tác TNTP đã luôn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT, kiềm chế được tốc độ gia tăng tội phạm, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. Trải qua thực tiễn công tác và chiến đấu, lực lượng TNTP đã được xây dựng và củng cố phù hợp với tính chất, đặc điểm của lực lượng CAND.
Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác truy nã đã được rèn luyện ngày càng trưởng thành, vững mạnh, nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo chỉ huy xuất sắc của lực lượng CAND các cấp. Trải qua 70 năm xây dựng và chiến đấu, có 17 đồng chí hi sinh, hàng trăm đồng chí bị thương trong khi truy bắt đối tượng truy nã…
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945), lực lượng TNTP đã đảm bảo trọng trách truy bắt tội phạm gắn liền với nhiệm vụ chung của lực lượng Công an là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn ANTT, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong những năm kháng chiến, lực lượng Cảnh sát TNTP luôn nêu cao tinh thần cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược, đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai, phản động. Sau 1975, công tác TNTP đã góp phần vào công tác điều tra, khám phá tội phạm, giúp lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch, đấu tranh làm tan rã các tổ chức Fulro vũ trang, bắt hàng ngàn tên, bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm của Fulro ở Tây Nguyên và các vùng lân cận.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, công tác truy nã đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Bên cạnh việc củng cố về cơ sở pháp lý, tổ chức lực lượng, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo sát sao công tác TNTP, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truy nã và đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận.
Đặc biệt, từ khi thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã chuyên trách đến nay (12-2009), đã có nhiều sự đổi mới trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngày càng có chiều sâu theo hướng phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách, gắn với phát huy tối đa các lực lượng, trong đó có lực lượng quần chúng nhân dân.
Tính đến tháng 11-2015, chỉ sau 5 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát truy nã toàn quốc đã bắt, vận động, thanh loại được 47.928 đối tượng truy nã (ĐTTN), góp phần kéo giảm ĐTTN từ trên 17.000 đối tượng xuống còn 13.511 đối tượng (tính đến ngày 15-11-2015), đồng thời giải quyết hàng chục ngàn vụ án tồn đọng từ nhiều năm và kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm. Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc của lực lượng Cảnh sát TNTP qua các giai đoạn, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho lực lượng Cảnh sát truy nã nhiều phần thưởng cao quý, riêng Cục Cảnh sát TNTP đã có nhiều lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cấp khen thưởng.
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông đưa tin về đối tượng truy nã lên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tham gia phát hiện, tố giác và truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp viết thư kêu gọi ĐTTN ra đầu thú, đồng thời tổ chức vận động gia đình và bản thân đối tượng truy nã ra đầu thú.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát truy nã Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và các lực lượng chức năng tổ chức xác minh, bắt giữ được nhiều đối tượng truy nã. Chỉ tính trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát TNTP đã bắt được 222 đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài; phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho phía nước ngoài 179 đối tượng truy nã trốn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, lực lượng Cảnh sát TNTP tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07 của Bộ Công an về “Nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong tình hình mới”; tập trung vào các giải pháp hạn chế phát sinh đối tượng truy nã, nâng cao kết quả bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, mục tiêu phấn đấu giảm 10% số đối tượng truy nã hiện còn lẩn trốn ngoài xã hội, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.