Chuyện tác nghiệp ở Nhà giàn DK1

10:08 15/06/2018

Chuyến tác nghiệp ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 vừa qua trên tàu 264 đối với tôi là một dấu ấn không thể nào quên, mãi mãi không bao giờ phai mờ trong cuộc đời.


Được tác nghiệp, đặt chân đến Trường Sa - vùng lãnh hải chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm mơ ước, mong mỏi của nhiều nhà báo. 

14 ngày ra Trường Sa, đến tất cả 11 Nhà giàn DK1 cách xa đất liền hàng trăm hải lý giữa lúc sóng to, biển động cấp 5, cấp 6  ngàn trùng sóng gió, vô vàn những khó khăn, thử thách, thời tiết khắc nghiệt để rồi từng bước leo lên hệ thống cầu thang dốc cao của nhà giàn DK1 tôi mới thật sự hiểu thấu, cảm thấu những khó khăn, thử thách, vất vả gian truân và những hy sinh lặng thầm của những chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Anh hùng. Chuyến tác nghiệp ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 vừa qua trên tàu 264 đối với tôi là một dấu ấn không thể nào quên, mãi mãi không bao giờ phai mờ trong cuộc đời.

Nhà giàn DK1 vững chãi giữa biển trời Tổ quốc.

Những ngày đầu tháng 2- 2018 tôi được may mắn cùng đi với Đoàn công tác số 1 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trên tàu 264 do Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm Trưởng đoàn thăm tặng quà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Đoàn  công tác có hơn 20 phóng viên báo chí của Trung ương và địa phương. Đúng 15h30 phút tại Chi đội Kiểm ngư số 2, cảng Vũng Tàu, Tàu 264 nhổ neo, tạm biệt đất liền vượt sóng ra khơi xa nhằm thẳng hướng nhà giàn trên Cụm Ba Kè (DK1/9, DK1/20, DK1/21), Quế Đường (DK1/8, DK1/19), Huyền Trân (DK1/7), Phúc Tần (DK1/2, DK1/16, DK1/17, DK1/18) và nhà giàn DK1/15 mang theo những hơi ấm của đất liền, đong đầy những tình cảm của quân và dân cả nước.

Đoàn của chúng tôi ra Trường Sa lần này theo thuật ngữ của các chiến sĩ Hải quân gọi là đi Tết bởi tàu 264 mang theo hàng trăm tấn hàng hóa bao gồm các loại lương thực, thực phẩm, quà tết để tặng các chiến sĩ trên các Nhà giàn DK1. Vì là thời điểm của mùa đi tết, tháng 2 nên thời tiết biển động mạnh, sóng to gió lớn, tàu liên tục rung lắc dữ dội nên mỗi nhà báo phải có sức khỏe thật tốt mới có thể vượt qua được những cơn say sóng để lên nhà giàn tác nghiệp. 

Thiếu tá Đặng Việt Hưng, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ tác nghiệp trên nhà giàn DK1.

Sau 2 ngày đêm vật lộn với những cơn sóng bạc đầu cấp 5, cấp 6; vượt qua hàng trăm hải lý, 11 giờ 30 phút, tàu 264 giảm dần tốc độ, nhà giàn DK1/15 hiện ra trước mắt chúng tôi trong ánh nắng vàng lung linh, trải vàng như rót mật xuống lòng biển xanh khiến tất cả những nhà báo cùng các thành viên trong đoàn công tác xúc động, bồi hồi, xao xuyến. 

Từ trên đài chỉ huy, Thượng úy Lê Đức Anh, Thuyền trưởng tàu 264 dõng dạc nói trên loa: “Tàu đã đến nhà giàn DK1/15. Tất cả các bộ chiến sĩ trên tàu 264 lên mặt boong làm nhiệm vụ vận chuyển hàng lên nhà giàn. Các phóng viên, nhà báo chuẩn bị sẵn sàng tư trang để lên nhà giàn” khiến không ai có thể ngồi yên, tất cả các phóng viên báo chí trong Đoàn đổ hết lên mũi tàu để ngắm nhìn Nhà giàn DK1/15 hiện lên sừng sững, vững vàng giữa biển khơi nghìn trùng sóng gió. 

Quà Tết nhanh chóng được các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu chuyển lên nhà giàn. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 cùng các cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 ra đón đoàn bằng những cái bắt tay, những cái ôm xiết thật chặt, nồng ấm tình cảm như những người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại. 

Thiếu tá Đặng Việt Hưng, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ tặng ấn phẩm Báo CAND số đặc biệt cho CBCS nhà giàn DK1.

Trong đoàn công tác trên hải trình ra Trường Sa lần này có 3 nữ phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk, Hậu Giang là chị Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Lưu Thu Thảo, Trần Thanh Nguyên. Phóng viên Lưu Thu Thảo có dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng trong tác nghiệp lại vô cùng năng động, xông xáo, nhạy bén. 

Khi đặt chân lên Nhà giàn DK1/15, cô là một trong những người đầu tiên đi hết khắp nhà giàn để phỏng vấn, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của các chiến sĩ trở thành những tư liệu quý trong phóng sự truyền hình. Phóng viên Lưu Thu Thảo cũng là phóng viên có tuổi đời trẻ nhất trong Đoàn. Cô xúc động chia xẻ rằng đã từ rất lâu được mong một lần đến Trường Sa, đến Nhà giàn DK1. 

Chuyến đi đong đầy những cảm xúc, những kỷ niệm giúp Lưu Thu Thảo càng thêm yêu, tự hào biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; cảm phục trước sự hy sinh cao cả, lặng thầm của những chiến sĩ Hải quân Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân những người lính chắc tay súng, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc để làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Vui văn nghệ trên nhà giàn DK1.

Là nhà báo nhiều tuổi nhất trong Đoàn, nhà báo Nguyễn Tấn Điệp, công tác tại Báo ảnh Đất Mũi luôn có những bức ảnh đẹp, khuôn hình đẹp chân thực sống động về Nhà giàn DK1. Không giống như ở đất liền, tác nghiệp trên biển Trường Sa giữa lúc sóng to, gió lớn biển động mạnh cấp 5, cấp 6, hơi muối mặn, trơn trượt nên máy quay, máy ảnh rất dễ bị hỏng. 

Phóng viên tác nghiệp phải luôn luôn chuẩn bị đồ nghề của riêng mình, bảo quản một cách tốt nhất. Trước khi rời tàu để lên các Nhà giàn DK1, thân máy cùng ống kính máy ảnh được nhà báo Nguyễn Tấn Điệp bọc kỹ trong các bao bảo quản chống nước; đồng thời sử dụng thêm khăn mềm để bọc máy cho đỡ hơi mặn, lau khô trong trường hợp bị dính nước. Khi đặt chân  lên tới Nhà giàn, sóng to đánh mạnh nước biển tràn vào ướt balo đựng máy ảnh, máy tính nhưng nhờ có bao bảo quản nên máy ảnh không bị thấm nước, tác nghiệp được an toàn.

Sau khi tặng quà, chúc tết các chiến sĩ Nhà giàn DK1/15, tàu 264 lại tiếp tục hành trình đến với Nhà giàn Quế Đường DK1/8. Do biển động, sóng to không thể thả xuồng nên phương án dùng cẩu để chuyển quà và đưa người lên nhà giàn được thực hiện. Phóng viên Báo CAND cùng  phóng viên Lưu Thu Thảo xung phong lên nhà giàn để tác nghiệp. 

Các nhà báo tác nghiệp trên nhà giàn DK1.

Ra Nhà giàn DK1 lần này, tôi mang theo các ấn phẩm đặc biệt của Báo CAND để tặng các chiến sĩ nhà giàn DK1, góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho các chiến sĩ ở nhà giàn. Cầm trên tay tờ Báo CAND số đặc biệt Kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung úy Phan Văn Cảng công tác trên nhà giàn cho biết anh rất thích đọc những ấn phẩm của Báo CAND. 

Đối với những chiến sĩ ở nhà giàn, những ấn phẩm báo Tết được chuyển ra nhà giàn giúp các anh có thêm không khí ở đất liền, vơi đi nỗi nhớ nhà, gia đình, quê hương và như món ăn tinh thần của anh em ở nhà giàn vậy. Tác nghiệp ở Trường Sa khó khăn, vất vả hơn ở đất liền và rất ít có cơ hội được trở lại lần thứ hai nên mỗi khi đặt chân lên được đến nhà giàn mỗi phóng viên chúng tôi ở mỗi báo khác nhau, theo các mảng viết đề tài khác nhau nhưng đều cố gắng, nỗ lực để hoạt động hết công suất tìm hiểu, phản ánh, ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt của những chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Anh hùng. 

Khi  bài viết đã xong thì khó khăn nhất chính là việc gửi tin, bài, ảnh về tòa soạn. Nhà giàn DK1 cách xa đất liền hàng trăm hải lý không có sóng điện thoại. Chỉ khi lên được tới Nhà giàn thì mới có sóng điện thoại của Viettel nhưng mạng rất yếu, chập chờn. Để gửi được ảnh và bài về chúng tôi phải đợi đến lúc đêm muộn, khi sóng điện thoại khỏe, đợi cả 2-3 tiếng đồng hồ mới có thể truyền ảnh, bài về tòa soạn. Mất rất nhiều thời gian nhưng không phải lúc nào việc gửi tin, ảnh cũng thành công.

Giao lưu bóng bàn trên nhà giàn DK1.

Khi tàu 264 rời nhà giàn, phóng viên Lưu Thu Thảo cùng các thành viên trong Đoàn công tác rưng rưng xúc động, lòng tự hào dân tộc dâng trào. Ở đất liền ai cũng luôn hướng về Trường Sa, về nhà giàn DK1 nơi đầu sóng ngọn gió cũng giống như những chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên những nhà giàn luôn hướng về đất liền. 

14 ngày ra Trường Sa, đến tất cả 11 Nhà giàn DK1 cách xa đất liền hàng trăm hải lý giữa lúc sóng to, biển động cấp 5, cấp 6  ngàn trùng sóng gió, vô vàn những khó khăn, thử thách, thời tiết khắc nghiệt để rồi từng bước leo lên hệ thống cầu thang dốc cao của nhà giàn DK1 mới thật sự hiểu thấu, cảm thấu những khó khăn, thử thách, vất vả gian truân và những hy sinh lặng thầm của những chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Anh hùng. 

Đối với mỗi phóng viên, người làm báo chúng tôi đó là những dấu ấn không thể nào quên, mãi mãi không bao giờ phai mờ trong cuộc đời làm báo. Điều mà mỗi phóng viên, nhà báo chúng tôi cảm nhận đó là tất cả những thử thách, khó khăn nhất trong cuộc sống đều được các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1 kiên định, bản lĩnh vững vàng vượt qua để chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.


Việt Hưng

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文