Công an TP HCM: Quyết tâm xóa các “điểm đen” về ANTT

11:24 02/12/2012
Trong những ngày qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu dân cư mới, vùng ven liên tiếp xảy ra các vụ cướp, cướp giật nghiêm trọng, gây bất an trong quần chúng nhân dân. Làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn, đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực này là điều người dân đang quan tâm.

Trong nhiều ngày đi thực địa nhiều tuyến đường TP, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều cần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhân dân quan tâm.

Nguy hiểm ở những con đường không đèn đường

Tại quận 2, bên cạnh điểm nóng vừa xảy ra hai vụ cướp táo tợn trong tuần vừa qua, trong đó có vụ chặt tay một phụ nữ cướp tài sản, ngày 29/11, chúng tôi “dạo” thêm một số khu vực như Đông Thủ Thiêm, Trần Não… hay xảy ra cướp trong thời gian vừa qua.

Dài gần 4 cây số, con đường Trần Não thuộc phường An Lợi Đông không có một ngôi nhà dân, ngoại trừ hai trụ sở của UBND và Công an phường, hai bên đường chỉ toàn cánh đồng trơ trọi. Đường vắng, buổi trưa đi ngang qua khu vực này chúng tôi đã thấy sợ chứ đừng nói về đêm. Từ đường lớn, đi khoảng 1 cây số là đến UBND phường, đi theo con đường một bên là sông Sài Gòn, một bên là cánh đồng, qua nhiều cây cầu phao thì chúng tôi đã được người đi đường cảnh báo “anh chị đi đâu vậy, quay lại đi, bị cướp bây giờ”. Khi nghe chúng tôi hỏi, con đường này đi nữa thì đến đâu thì một phụ nữ cho biết “một đoạn nữa là đến đường hầm Thủ Thiêm nhưng đường khó đi mà vắng lắm, chị quay lại đi đường khác đi”.

Là khu vực thường xuyên xảy ra cướp nhưng về đêm nhiều đôi trai gái vẫn đưa nhau đến khu vực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tâm sự.

Đường dài và vắng nhưng ban đêm con đường này lại chưa có đèn chiếu sáng, chính vì vậy càng nguy hiểm hơn. Cứ cách vài trụ điện, chính quyền địa phương lại treo biển cảnh báo “Chú ý! Khu vực vắng người dễ xảy ra cướp tài sản, trộm xe máy. Đề nghị mọi người cảnh giác” và bên dưới là số điện thoại của Công an phường. Theo một người dân sống gần khu vực trên, nguy hiểm là vậy nhưng đối với nhiều người trẻ, đây là khu vực “lý tưởng” để tâm sự.

Nằm trong “danh sách đen” một trong năm điểm nóng về an ninh trật tự của TP nhưng con đường Linh Trung, phường Linh Trung, Thủ Đức có trang bị hệ thống đèn đường, tuy nhiên vào đêm 29/11 khi đi qua khu vực này chúng tôi nhận thấy đèn đường không được bật. Một đoạn đường sáng nhờ những hàng quán bán bên đường, còn một đoạn đường dài còn lại không có nhà dân thì tối thui tối mịt.

Cũng thuộc phường Linh Trung, khu làng Đại học Quốc gia được phản ánh là khu vực thường xuyên xảy ra cướp, cướp giật, khoảng 21h30 ngày 29/11 chúng tôi có mặt ở khu vực này thì thấy vẫn còn hàng chục cặp nam nữ ngồi tâm sự. Cạnh đó là những chiếc xe gắn máy để hớ hênh.

Hơn một giờ đi qua nhiều tuyến đường thuộc khu vực phường Linh Trung, đáng ghi nhận là vào thời điểm chúng tôi đi khảo sát, ở nhiều khu vực nóng kể trên chúng tôi thấy xe lực lượng Công an phường (có dân phòng đi theo) cũng rảo qua rảo lại nhiều lần ở những khu vực này.

Giáp với quận 2, Thủ Đức, tỉnh Bình Dương, dù không có trong danh sách những điểm nóng về an ninh trật tự, nhưng nhiều tuyến đường hay xảy ra cướp, cướp giật gần đây ở quận 9 có thể kể đến như Nguyễn Duy Truy (nối quận 2 và quận 9), Đỗ Xuân Hợp (giáp quận 2), xa lộ Hà Nội, khu công nghệ cao. Theo một trinh sát, ngoài những khu vực vắng tối bọn cướp canh me để hành động thì bọn chúng còn chọn nơi gây án những khu vực dễ thoát thân. Chính vì vậy, dù đông người qua lại nhưng nhiều tuyến đường ở quận 9 vẫn thường xuyên xảy ra cướp.

Theo Trung tá Trịnh Văn Sâm, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 9, không riêng gì quận 9, hầu hết các quận vùng ven ở TP có đến 60-70% đường sá chưa được trang bị đèn chiếu sáng do TP chưa có kinh phí để đầu tư. Đây cũng là những cung đường rất dễ xảy ra cướp, cướp giật vào những giờ có ít người qua lại.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những khu vực “nóng”

Được xem là một trong năm địa bàn nóng về nạn cướp giật đang được CATP thí điểm chuyển hóa tội phạm, địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh rộng hơn 2000ha từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp nên nhiều khu dân cư hình thành. Từ ngày KCN Vĩnh Lộc thành lập, xã Vĩnh Lộc đón nhận hàng ngàn công nhân từ các tỉnh, thành khác về đây cư trú. Địa bàn rộng, dân cư đông nên tình trạng mất an ninh trật tự ở khu vực này diễn ra thường xuyên, nhất là tình trạng cướp giật, trộm cắp.

Chính vì vậy, tại khu vực KCN, toàn bộ khu vực này các tuyến đường ngang qua đều được bố trí các chốt bảo vệ để chặn. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, mỗi chốt bảo vệ ở KCN cách nhau quá xa, khi xảy ra cướp, bảo vệ hay tin chạy đến thì các đối tượng đã mất hút trong đêm tối.

Thượng úy Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Công an xã Vĩnh Lộc A cho biết, địa bàn rộng nhưng lực lượng Công an xã cả chính quy và bán chính quy chỉ có hơn 40 người cộng thêm hơn 60 dân phòng. Với nhân lực như trên, lực lượng Công an xã phải nỗ lực chia ca, tuần tra cắm chốt suốt đêm để phòng chống tội phạm. Cạnh đó, Công an xã còn thành lập tổ tình nguyện phòng chống tội phạm do những bác tài xe ôm, quần chúng tốt tự nguyện tham gia.

Tương tự như ở xã Vĩnh Lộc A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng bị đưa vào “tầm ngắm” là nơi các đối tượng cướp giật lộng hành. Trung tá Võ Minh Thanh - Phó Công an phường Bình Hưng Hòa cho biết, hiện lực lượng Công an phường chỉ có 28 cán bộ, chiến sĩ và hơn 70 dân phòng nhưng phải quản lý hơn 1.000 phòng trọ với hàng chục ngàn người tạm trú.

Hằng đêm, Công an phường phối hợp với dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố, trinh sát hình sự và cả Cảnh sát cơ động chia thành nhiều tổ liên tục tuần tra trên các tuyến đường chính và 3km quốc lộ 1A. Tại các chốt trọng điểm, Công an phường đã bố trí lực lượng cắm chốt để kịp phối hợp với các lực lượng khác khi có vụ việc xảy ra.

“Ngoài việc tuần tra xử lý, nhiều năm nay chúng tôi còn làm công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình bằng phát tờ rơi ghi những thủ đoạn của những băng nhóm tội phạm để người dân biết, đề phòng” - Trung tá Thanh cho hay.

Theo Trung tá Vũ Như Hà - Phó chánh văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh: Tội phạm cướp và cướp giật có chiều hướng gia tăng, trong đó tội phạm sử dụng ma túy (trong đó có ma túy đá) đang diễn biến phức tạp. Tính chất của các vụ cướp ngày càng manh động, liều lĩnh, hoạt động lưu động. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ việc người thất nghiệp ngày càng gia tăng...

Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo cho các đơn vị lực lượng tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm kết hợp với tuyên truyền nêu cao ý thức cảnh giác đến với người dân. Những địa bàn mà các đối tượng dễ ra tay hoạt động là những khu vực vắng vẻ, đường trong KCN, những tuyến đường đang có công trình đang xây dựng nhưng chưa có dân ở, những khu vực có người nước ngoài lưu trú, mua sắm, vùng ven, đường tối ít người qua lại.

Ngoài việc chốt chặn, mật phục, truy bắt của lực lượng Cảnh sát hình sự, lực lượng Công an đã huy động thêm đội ngũ cán bộ Công an làm công tác hành chính vào cuộc. Cạnh đó, Công an địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra hành chính (đặc biệt là những khu nhà trọ cho thuê), tổ chức công tác quản lý, trình báo, thống kê chính xác để khi xảy ra vụ việc, thông tin xác minh, lựa chọn địa bàn phức tạp để đấu tranh, chuyển hóa, tham mưu cho UBND TP thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tại các phường xã để quản lý đối tượng ngay từ cơ sở...

A. Huy - M. Đức

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文