Gác việc riêng, chung sức cùng đồng đội chống dịch ở Hải Dương

20:59 01/03/2021
Nén nỗi đau mất cha, sát cánh cùng đồng đội phòng, chống COVID-19 nơi tâm dịch; vợ sinh con cũng chưa thể về thăm nhà… là câu chuyện cảm động của những cán bộ Công an đang ngày ngày chống dịch COVID-19 ở Hải Dương. 

Bố vợ mất không thể về chịu tang

Bát cơm bưng lên rồi lại đặt xuống nhiều lần, Đại uý Hoàng Nam Phong, Trưởng Ban Tham mưu Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an vẫn không thể giấu được nỗi buồn. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của anh, CBCS Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc cùng được tăng cường chống dịch ở Hải Dương, ai cũng bùi ngùi. Đều là những người lính xông pha nơi trận mạc và giờ đang phải đối mặt với dịch COVID-19, tất cả chưa bao giờ chùn bước hay hoang mang, lo sợ. Nhưng trước sự ly biệt; nỗi đau mất đi người thân của gia đình Đại uý Hoàng Nam Phong chẳng ai không khỏi đau lòng, bởi anh không thể về chịu tang…

Đại uý Hoàng Nam Phong và đồng đội tại chốt dịch

Đêm 18/2, Đại uý Phong nhận được thông báo của chỉ huy Trung đoàn về việc tăng cường lực lượng cho Công an tỉnh Hải Dương với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Gần 2 tháng chưa được về thăm nhà, song anh chỉ kịp gọi điện thoại thông báo cho vợ rồi vội vã cùng đồng đội lên đường. 

Tờ mờ sáng 19/2, anh cùng với đơn vị có mặt tại Công an tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay. Trung đoàn tăng cường 270 CBCS phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện nhiệm vụ tại 27 chốt cấp tỉnh trên toàn địa bàn tỉnh Hải Dương, kiểm soát tất cả người, phương tiện ra, vào. 

Với nhiệm vụ là tham mưu cho chỉ huy đơn vị, Đại uý Phong thường xuyên tham mưu cho chỉ huy, lãnh đạo trong việc điều chỉnh quân số, trang bị, phương tiện giữa các chốt cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đôn đốc kiểm tra, chấn chỉnh điều lệnh, tác phong của CBCS khi thực hiện nhiệm vụ tại các chốt cũng như tại nơi ăn ở, sinh hoạt, cách ly; thường xuyên động viên tinh thần CBCS tham gia thực hiện nhiệm vụ; hàng ngày tổng hợp tình hình báo cáo về đơn vị và lên cấp trên theo quy định.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Hải Dương, anh cùng đơn vị đã ứng trực đảm bảo an ninh, an toàn Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 3, đơn vị đóng quân tại Uông Bí, Quảng Ninh cũng nằm trong vùng dịch, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh đơn vị báo cáo và được đồng chí Tư lệnh CSCĐ đồng ý cho ứng trực 100% quân số tại đơn vị. Gần 2 tháng chưa về nhà, anh cũng như đồng đội có thể vững tâm hoàn thành nhiệm vụ là nhờ hậu phương vững chắc luôn thấu hiểu công việc; chia sẻ và động viên để họ có thể “chân cứng, đá mềm” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Đêm 19, rạng sáng 20/2, nhận được tin báo của gia đình về việc bố vợ đột ngột qua đời. Đang công tác trong vùng có dịch, muốn tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình với toàn xã hội trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 , anh cũng không thể về chịu tang được. Trong nỗi đau thương mất mát vì mất đi người thân, sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trong đó, có sự quan tâm của Công an tỉnh Hải Dương. Khi biết được tin buồn của gia đình anh, Công an tỉnh Hải Dương đã động viên, thăm hỏi và chia sẻ… Sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị cũng phần nào giúp anh nguôi ngoai nỗi đau, tiếp tục sát cánh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những hy sinh thầm lặng của CBCS Công an

Đại úy Nguyễn Hồng Hà, cán bộ Công an tỉnh Hải Dương mở đầu câu chuyện với lời tâm sự: "Em mong hết dịch để được về với vợ, con… Từ ngày cháu ra đời, em vẫn chưa được ôm con vào lòng”.

Phải nhiều lần liên lạc, tôi mới có cuộc trao đổi ngắn ngủi với Đại uý Nguyễn Hồng Hà, lúc thì anh đang cùng đồng đội tiến hành truy vết các trường hợp F0, F1..; có khi lại làm nhiệm vụ ở các chốt phòng, chống dịch. 

Đại uý Nguyễn Hồng Hà trong một ngày làm nhiệm vụ

Khi Công an tỉnh Hải Dương có chủ trương tăng cường Công an chính quy về cơ sở, Đại uý Nguyễn Hồng Hà là một trong những cán bộ Công an đầu tiên xuống địa bàn. “Vạn sự khởi đầu nan”, từ môi trường công tác là Phòng An ninh Chính trị Nội bộ, được giao một lĩnh vực công tác cũng mới, Đại uý Hà và các thành viên của Công an xã Tân Kỳ ban đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ; nhưng họ vừa làm, vừa học. Ngoài những lúc làm hồ sơ, giải quyết các vụ việc xảy ra đột xuất, bất ngờ, Hà cùng đồng đội lại nắm địa bàn, nắm tình hình.

Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, người dân trên địa bàn xã Tân Kỳ dần ra đã quen với hình ảnh của những cán bộ Công an chính quy gần dân, tận tuỵ với công việc. Nhà ở cách đơn vị công tác hơn 20 km, một tuần 4 buổi trực nên dù vừa lập gia đình nhưng chẳng mấy khi Hà có dịp ở nhà cùng với vợ và bố mẹ. Công việc của Công an xã bề bộn như làm dâu trăm họ… Vì thế, mặc dù đã phân công địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhưng khi có việc là tất cả cùng lao vào nhiệm vụ. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương không lâu thì thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Đại úy Nguyễn Hồng Hà nhớ lại. 

Ngay sau khi ca dương tính đầu tiên được công bố cũng là lúc anh và các thành viên của Công an xã bước vào nhiệm vụ mới là “chống dịch như chống giặc”. Các chốt kiểm soát dịch thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ - nơi có ca mắc COVID-19 đầu tiên được dựng lên. Ngoài kiểm soát người ra, vào còn là tuyên truyền vận đồng người dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh… Một ngày 3 ca, đảm bảo thường trực 24/24 giờ, anh cùng đồng đội căng mình làm nhiệm vụ. 

Ngày 17/2, vợ của Hà trở dạ sinh con gái đầu lòng, lúc đó, Hà cùng đồng đội cũng đang trực chốt. Khi nghe bố, mẹ hai bên thông báo, hai mẹ con đã mẹ tròn, con vuông, Hà mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó đến nay, Đại úy Nguyễn Hồng Hà vẫn chưa về thăm nhà, chưa một lần được gặp mặt con gái bé bỏng. Vào những lúc tối muộn, khi công việc hoàn tất, anh mới có dịp gọi điện thoại về cho vợ, con thăm hỏi…

Đại uý Hoàng Nam Phong; Đại uý Nguyễn Hồng Hà… chỉ là một trong hàng ngàn cán bộ ở tâm dịch Hải Dương đang căng mình chống lại dịch bệnh. Có những đồng chí nhiều tháng qua chưa thể về thăm gia đình; ngày Tết cũng không thể sum vầy bên người thân; có những cặp vợ chồng cùng là cán bộ Công an tỉnh Hải Dương…, vì nhiệm vụ công tác đã phải gửi con cho người thân để ra nơi tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc sống hằng ngày, người chiến sỹ Công an luôn “thức cho dân ngủ, gác cho dân chơi”. Khi có dịch bệnh, thiên tai, họ lại ở nơi tuyến đầu;  hy sinh những niềm hạnh phúc riêng tư, tất cả dồn sức để chiến thắng dịch bệnh…

Xuân Mai

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文