Ghi ở Trại tạm giam B14, đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới

13:01 16/08/2014
Giữa những ngày tháng tám lịch sử, Trại tạm giam B14 thuộc Cục An ninh điều tra, Tổng cục An ninh II, Bộ Công an vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ năm 2003 đến năm 2013.

1. Ôn lại những thành tựu trong những năm đổi mới và đặc biệt là mười năm trở lại đây, Đại tá, Giám thị Trại tạm giam B14 Đoàn Văn Tình không giấu được niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Trại tạm giam B14 trong suốt hơn 50 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ những ngày đơn vị nhận nhiệm vụ trực tiếp của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, giao nhiệm vụ cho Cục trưởng Cục Chấp pháp (đơn vị tiền thân của Cục An ninh điều tra hiện nay)… cho đến nay.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Trại tạm giam B14 đã tiếp nhận, giam giữ số đối tượng biệt kích xâm nhập vào miền Bắc bằng máy bay bị bắn rơi tại Kim Sơn (Ninh Bình), sau đó là quản lý số đối tượng là tù binh nước ngoài, số đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo hoạt động chống đối Nhà nước giáo dục cải tạo họ… góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đến thời kỳ sau năm 1975, Trại lại tham gia quản lý, giam giữ, khai thác các đối tượng phạm tội trong các vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài hoặc từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam, nhất là các đối tượng “đặc biệt” từng phá hoại sự nghiệp của chúng ta, trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ở biên giới Tây Nam và phía Bắc…

Một trong những hoạt động của cán bộ Trại tạm giam B14.

Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt là mười năm trở lại đây, nhiệm vụ của các cán bộ Trại tạm giam B14 còn gian nan, vất vả hơn nhiều. Đối tượng giam giữ tại trại phần lớn là những đối tượng có liên quan đến an ninh quốc gia. Kế đó là những đối tượng trọng điểm trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án có tính chất nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm như tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cả những đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen… Áp lực của cán bộ các trại tạm giam đều giống nhau, đó là phục vụ công tác điều tra, xét xử và mở rộng án. Song ở môi trường của Trại tạm giam B14 lại có những đặc thù riêng, khó khăn từ cả hai bề, một là vừa phải ứng xử với những người có học vấn, từng có địa vị xã hội, hai là những kẻ lưu manh nhưng là trùm của các băng nhóm xã hội hoạt động theo kiểu xã hội đen. Nhiều năm qua, những vụ án lớn điển hình, các đối tượng đều được đưa vào giam giữ tại đây như vụ Vũ Xuân Trường, Hà Tý Tồ hay những nhân vật như Luận “sẻ”, Tú “khỉ” và Phương “Linh Hột”… Điều đó cũng phần nào cho thấy sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Công an và của cơ quan điều tra, các cấp đối với cán bộ Trại tạm giam B 14.

“Song khó khăn lớn nhất đối với các cán bộ trại giam có lẽ là thắng được chính mình, giữ được phẩm chất, tư cách”, Đại tá Tình và các cán bộ Trại tạm giam B14 tâm sự với chúng tôi. Trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn, hiện nay nhiều cán bộ của Trại tạm giam B14 vẫn phải đi thuê nhà. Nhưng trong khó khăn, họ vẫn luôn biết “lắc đầu” trước những cám dỗ của vật chất. Trong nhiều năm qua, Trại tạm giam B 14  không có cán bộ nào vi phạm. Mười năm qua, đơn vị đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng nhì; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Bộ Công an tặng 6 cờ thi đua, trong đó có 4 năm liền được tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong trào thi đua.  Trại tạm giam B14 là đơn vị dẫn đầu trong khối các trại giam thuộc lực lượng Công an nhân dân về công tác quản lý, giam giữ phục vụ các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật.

2. Được chứng kiến những hoàn cảnh, những thời khắc khủng hoảng nhất của một thân phận, các cán bộ Trại tạm giam B14 luôn đồng cảm với thân phận của mỗi con người. Họ có thể là một cán bộ Nhà nước, những văn nghệ sỹ, những trí thức từng du học ở nước ngoài trở về nước… chỉ vì sa chân, lỡ bước hay những suy nghĩ lệch lạc, đi ngược với lợi ích của dân tộc, trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước. Trong số họ, ai cũng có những ước mơ, những dự định cho tương lai. Và cả phía sau lưng họ là những người vợ, những đứa con thơ… nên khi bị giới hạn trong bốn bức tường giam, không ít người từng “lên xe xuống ngựa” đã mặc cảm về bản thân mình rồi khủng hoảng. Trong những lúc ấy, họ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của những cán bộ quản giáo ở nơi đây. Các đối tượng liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia có những kiểu đối phó riêng, nào là tuyệt thực, đấu tránh đòi yêu sách đến xuyên tạc, vu khống… nhưng bằng tình người, sự nhân văn, các cán bộ quản giáo nơi đây đã cảm hóa, giúp họ hiểu được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước để cải tà quy chính.

Có những câu chuyện nhân văn, đầy tình người, chúng tôi đã được nghe trong khi tiếp xúc với các cán bộ Trại tạm giam B14. Đó là câu chuyện về một thanh niên còn trẻ tuổi. Chỉ vì nhận thức sai lầm, người này đã có những hành động sai trái, đi ngược lại với quan điểm đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình bị giam giữ tại Trại tạm giam B14, căn bệnh thận của anh này tái phát… Gia cảnh của người này rất khó khăn, nhà chỉ có một mẹ và con nên sau khi nhận được số thuốc bắc do mẹ anh ta chuyển vào, hàng ngày cán bộ Trại tạm giam B14 đã sắc thuốc, đưa vào cho người này uống, nhờ thế bệnh tình thuyên giảm. Người thanh niên trên sau khi ra trại, cũng đã nhận ra sai lầm, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động…  Hay trường hợp của một bị can từng giữ chức vụ trong một cơ quan Nhà nước. Trong thời gian bị giam giữ, người này thường xuyên được cán bộ trại, cùng y bác sỹ tận tình chăm sóc. Vì thế, khi vụ án được đưa ra xét xử, lời đầu tiên người đàn ông này xin được cảm ơn cán bộ Trại tạm giam B14, sau đó mới trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Ngoài ra, trong công tác giam giữ, Trại tạm giam B14 đã phối hợp với các đơn vị thụ lý, tạo điều kiện tốt cho các bị can, chủ động phòng ngừa phát hiện kịp thời các thông tin cho đơn vị nghiệp vụ. Cho đến thời điểm này, nhiều người được tha nhưng chưa có đối tượng nào có thể xuyên tạc về chế độ giam giữ tại trại.

3. Ngoài nhiệm vụ quản lý đối tượng tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác điều tra, Trại tạm giam B 14 còn làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, tạo môi trường có tính nhân văn, cho phạm nhân hướng thiện. Hầu hết phạm nhân ở trại cải tạo tốt, được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đều trở thành những công dân có ích cho xã hội. Nhiều cán bộ quản giáo đã gắn bó quá trình công tác với sư nghiệp quản lý, giáo dục phạm nhân, trở thành những người thầy được phạm nhân kính phục.

Chia tay với chúng tôi, Đại tá Tình bộc bạch: “Những thành tích của Trại tạm giam B14 là kết quả của sự nỗ lực, vươn lên của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác quản lý giam giữ, đặc biệt là lớp cán bộ đầu tiên đã đặt những viên gạch cho nền móng của đơn vị. Đó là thành tích của tập thể, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Cục An ninh điều tra”. Nhìn lại chặng đường đã qua, cán bộ chiến sỹ Cục An ninh điều tra nói chung và Trại tạm giam B14 nói riêng tự hào về truyền thống và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của ngành trong lĩnh vực giam giữ, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được

Xuân Mai - Việt Hưng

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文